Mỹ chuẩn bị “trình làng” thiết kế máy bay ném bom mới

(PLO) - Không quân Mỹ trong vài tuần tới dự kiến công bố người chiến thắng trong cuộc đua giành hợp đồng xây dựng thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới thay thế các máy bay đã cũ kỹ có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Mỹ hiện đã có một hạm đội máy bay ném bom tàng hình B-2. Ảnh: AFP
Mỹ hiện đã có một hạm đội máy bay ném bom tàng hình B-2. Ảnh: AFP
Theo AFP, các ứng viên tiềm năng sẽ giành được hợp đồng quy mô lớn, có giá trị nhiều tỉ USD thuộc chương trình máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRSB) gồm Cty Northrop Grumman hoặc liên doanh Boeing và Lockheed Martin. Các nguồn tin cho biết, chương trình này gồm việc sản xuất từ 80 tới 100 máy bay ném bom chiến lược để thay thế hạm đội máy bay B52 và B1 của Mỹ. Mỗi chiếc dự kiến có giá khoảng 550 triệu USD tính theo đơn giá được nêu trong kế hoạch thực hiện chương trình năm 2010.
Các chuyên gia và các nhà quan sát ngành công nghiệp vũ khí cho hay, mẫu máy bay ném bom mới của Mỹ dự kiến rất khác biệt so với các mẫu máy cũ sắp được thay thế. Ví dụ, không chỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bom, hạt nhân hay các vật liệu khác, các máy bay mới của Mỹ sẽ là các cỗ máy thu thập thông tin trên cao do được trang bị đầy những cảm biến và thiết bị giám sát để “vợt” thông tin. 
Nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia cho rằng LRSB nhiều khả năng sẽ được thiết kế với năng lực tàng hình khiến máy bay này khó có thể bị phát hiện trên radar. Ngoài ra, thiết bị này cũng sẽ được trang bị tính năng che giấu các tín hiệu điện tử do máy bay phát ra và nhiều thiết bị làm nhiễu sóng cực mạnh nhằm ngăn kẻ thù tấn công. 
Ông Aboulafia cũng nhận định rằng mẫu máy bay mới sẽ không được thiết kế để bay ở tốc độ siêu thanh vì như vậy sẽ đốt cháy quá nhiều nhiên liệu và giảm tầm hoạt động của máy bay, đồng thời khiến nó dễ bị phát hiện hơn. “Không gây tiếng ồn, không tạo tín hiệu radar, bay ở độ cao cao nhất có thể và dĩ nhiên có các hệ thống làm nhiễu tín hiệu để ngăn khả năng bị tấn công” – ông Aboulafia dự báo về mẫu máy bay ném bom mới của Mỹ.
Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng muốn những chiếc máy bay mới có khả năng bay mà không cần tổ lái và có thể tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên, ông Aboulafia nhận định một chiếc máy bay ném bom điều khiển từ xa không phải là một ý hay vì nó có thể khiến máy bay dễ bị tấn công mạng và sẽ cần phải bị kích hoạt nổ qua một nút bấm nếu có bất kỳ trục trặc nào xảy ra trong quá trình hoạt động. “Phi công luôn là chính sách bảo hiểm rẻ nhất” – ông nói và giải thích rằng tổ lái thường sẽ có thể xử lý các bất thường xảy ra với máy bay.
Việc có thể bay ở độ cao cực kỳ lớn cũng là một yêu cầu rất quan trọng đối với thế hệ máy bay ném bom mới của Mỹ vì nó có thể giúp cho máy bay vượt khỏi tầm tấn công của các máy bay chiến đấu và các tên lửa đất đối không trong bối cảnh nhiều nước hiện nay đang đầu tư mạnh vào các hệ thống tên lửa và radar tối tân nhằm ngăn chặn khả năng tiếp cận của kẻ thù. 
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thế hệ máy bay ném bom mới của Mỹ sẽ được thiết kế rất tiên tiến để đáp ứng nhu cầu triển khai nhưng vẫn sẽ cần phải mất nhiều năm thử nghiệm mới có thể triển khai trên thực tế. Do vậy, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của các máy bay này nhiều khả năng sẽ diễn ra vào giữa năm 2020 và sẽ phải đến khoảng năm 2030 mới có thể được đưa vào sử dụng trên thực địa.
Mỹ hiện đã có một hạm đội máy bay ném bom tàng hình B-2, có khả năng tránh gần như hoàn toàn radar và có thiết kế khá đặc biệt khiến nó có hình dạng gần như một chiếc boomerang trong tưởng tượng. Tuy nhiên, nước này hiếm khi triển khai máy bay B-2 ở nước ngoài do nước này muốn bảo vệ các bí mật của những chiếc máy bay có giá trị lớn này. Các nguồn tin cho biết hiện chỉ có 20 chiếc B-2 đang được sử dụng.

Đọc thêm