Năm 2020, Việt Nam sẽ có hơn 2.000 km đường cao tốc

(PLO) - Đến năm 2020, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 2.000km đường bộ cao tốc nhưng Bộ giao thông vận tải phấn đấu hoàn thành 2.500 km. Chuẩn bị dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tốc độ chạy tàu 160-200km/h.
Các dự án đường bộ cao tốc đang  được hoàn thành theo tiến độ
Các dự án đường bộ cao tốc đang được hoàn thành theo tiến độ

Thông tin về tiến độ và kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ và địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong thời gian tới (2016-2020), cần tập trung theo chỉ đaọ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc, đến 2020 theo kế hoạch là hoàn thành 2.000 km, nhưng Bộ GTVT phấn đấu hoàn thành 2.500 km.

Ngoài việc hoàn thành các dự án đang triển khai như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức – Long Thành, Cam Lộ - La Sơn…, tiếp tục triển khai tiếp đoạn Dầu Giây - Phan Thiết – Nha Trang, cao tốc Ninh Bình – Thanh Hoá – Vũng Áng, và các tuyến đường cao tốc, đặc biêt là tuyến Lai Châu nối với Nội Bài - Lào Cai, từ Hà Giang – Cao Bằng nối về Lạng Sơn.

Đến 3/1/2016 sẽ hoàn thành cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được triển khai theo hình thức BOT; tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn đang triển khai; từ Lạng Sơn đến cửa khẩu cũng có một số nhà đầu tư đang quan tâm theo hình thức BOT.

Cùng với đường bộ, Bộ cũng quan tâm đầu tư hiện đại hoá đường sắt bằng cách hoàn thiện, nâng cấp, nâng tốc độ vận tải tàu khách lên 80-90km/h và tàu hàng lên 50-60km/h. Nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn. 
Đặc biệt, Bộ đang chuẩn bị dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tốc độ chạy tàu từ 160-200km/h để sớm trình Chính phủ.

Hiện nay Bộ cũng đang tập trung nâng cấp một loạt các sân bay, đặc biệt sân bay Tân Sơn Nhất như giải pháp tình thế trong khi chờ triển khai dự án sân bay Long Thành. Sân bay Đà Nẵng đang triển khai xây nhà ga quốc tế mới. Dự kiến đến năm 2017  có thể đón 15-17 triệu khách (gấp đôi hiện nay). Cuối năm hoàn thành nâng cấp đường băng sân bay Cát Bi  và tháng 5/ 2016 hoàn thành nhà ga. Trong quý I khởi công nâng cấp sân bay Cam Ranh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng hy vọng nhận được sự phối hợp của các địa phương, các Bộ, ngành T.Ư, đặc biệt là của Ngân hàng Nhà nước “vì khi thực hiện xã hội hoá thì nguồn lực của các nhà đầu tư theo quy định cũng chỉ có 15%, còn lại là dựa vào vốn Ngân hàng”; và mong các địa phương tiếp tục giữ được tốc độ giải phóng mặt bằng như ở dự án QL1 để đảm bảo tiến độ, chất lượng, giảm tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.

Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, “cần cơ chế để làm nhanh thì chỉ định giống như QL1 và đường Hồ Chí Minh. Quan trọng nhất là thẩm định dự toán cho kỹ, từ đó chỉ định để tiết kiệm vốn đầu tư, rồi kiểm tra, đừng để giảm chất lượng công trình”.

Phản hồi về đề xuất hạn chế phương tiện cá nhân của Hà Nội, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã phân quyền cho các địa phương lập đề án hạn chế xe cá nhân và thực hiện có lộ trình, tùy từng loại phương tiện, tuyến đường. 
“Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao các địa phương lập đề án trình HĐND vì từng địa phương có đặc thù khác nhau”, ông Thăng nói.

Tại đề án trình Chính phủ cuối năm 2013, Bộ GTVT đã dự kiến việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ thực hiện với nhiều thức như theo từng tuyến đường, với từng loại phương tiện, trong những khoảng thời gian nhất định.

Đề án này có yêu cầu là sẽ đẩy mạnh sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân, trong đó cụ thể trên từng tuyến phố, từng thời gian cao điểm hay thấp điểm...

Đọc thêm