Năm 2021, các Bộ trưởng quyết "vượt qua thách thức, biến nguy cơ thành cơ hội"

(PLVN) - Sáng nay (29/12), Hội nghị Chính phủ với các địa phương bước sang ngày làm việc thứ hai, với phần tham luận của các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.
Hội nghị Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP
Hội nghị Chính phủ với các địa phương tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP

Khẳng định lại, năm 2020 là năm thành công nhất của chúng ta trong 5 năm (2015-2020), Bộ trưởng Bộ Công thương Tuấn Anh cho biết, đối với những nhiệm vụ trong năm 2021, khi Nghị quyết 01 của Chính phủ được ban hành, tất cả các Bộ, ngành cần quán triệt và coi đó là mục tiêu trọng tâm. Trong đó, nhóm nhiệm vụ mục tiêu ngành công thương cần phải tập trung thực hiện là tiếp tục phát triển thị trường bao gồm cả thị trường nước ngoài và thị trường trong nước. Tổ chức thực thi pháp luật, hoàn thiện cơ sở pháp lý và các quy định về pháp luật để khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2020, ngành nông nghiệp không chỉ có khó khăn do COVID-19 gây ra mà cả thiên tai, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng. Năm 2021, khó khăn vẫn tiếp tục từ dịch bệnh, thiên tai, thị trường… nhưng ngành sẽ quyết tâm hơn nữa để khai thác tốt nhất, phát triển khu vực thị trường tiềm năng cuả nông nghiệp.

Hiện Bộ NN&PTNT cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01 và ngay tháng 2/2021 sẽ tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, năm 2020, "cùng với những thành tựu chung của đất nước, ngành đã chuyển đổi thành công, biến nguy thành cơ, từ bị động thành chủ động". Do đó, năm 2021, Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương để xây dựng các quy hoạch có chất lượng, đặc biệt là vấn đề phòng chống thiên tai. Về biến đổi khí hậu, Nghị quyết 120 của Chính phủ phát triển bền vững ĐBSCL là hết sức quan trọng và các vùng khác như Tây Bắc, Tây Nguyên… cũng cần có những văn bản như vậy.

Với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vừa được Quốc hội thông qua, sắp tới có thể chuyển 25% lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày thành năng lượng với việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Bộ trưởng cũng mong muốn các địa phương cụ thể hóa bằng các hành động để thực hiện tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.

Theo Bộ trưởng, Nhưng

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2020, mặc dù trải qua nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 nhưng kết quả kinh tế - xã hội, thu ngân sách khá toàn diện và tích cực.

Năm 2021, ngành Tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch..., tuy nhiên cũng cần căn cứ vào thực tiễn.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế đề nghị các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu gian lận thương mại, xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, phòng chống COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, quan trọng nhất để thực hiện các nhiệm vụ, việc mở cửa trở lại phải xem xét rất thận trọng.

Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP HCM. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.

Tập trung đẩy nhanh công tác lập quy hoạch. Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô. Điều hành giá, nhất là giá cả hàng hóa phải thận trọng, phù hợp. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp để các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đọc thêm