Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Nâng cao trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo chủ chốt sẽ giảm tha hóa quyền lực

(PLVN) - "Thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp" là chủ đề tham luận của Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương do ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.
Ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày  tham luận của Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1/2021.
Ông Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương trình bày tham luận của Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1/2021.

Theo Đảng bộ Khối các cơ quan trung ương, trên vai trò là Đảng bộ có tính đặc thù, hoạt động của Đảng bộ có ảnh hưởng tới hoạt động của cả hệ thống chính trị và mọi mặt của đời sống xã hội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cho rằng: để việc nêu gương hiệu quả, thiết thực hơn nữa, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và người đứng đầu cần tiếp tục thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương.

Cụ thể, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, coi đây là phương pháp đúng đắn, hiệu quả và là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nayCán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải có tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Phải nghiêm khắc với mình, luôn tự nhìn nhận, xem xét, đánh giá bản thân một cách nghiêm túc theo chuẩn mực “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, giữ vững nguyên tắc dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch trong sử dụng và đánh giá cán bộ. Không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành.

Nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, để mọi người đều thấy rằng nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên; đồng thời, chuyển từ nhận thức, thái độ đúng đắn thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể.

Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể; phải là những người đi đầu trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc, thù địch.

Thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng đạo đức cách mạng của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; dũng cảm tự phê bình và phê bình.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm. Đi kèm với đó là, tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc. Kiên quyết chống những biểu hiện vi phạm chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; những hành vi “nói không đi đôi với làm” hoặc “nói một đằng làm một nẻo”.

Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải tự giác, gương mẫu trong việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. 

Phải tiên phong đi đầu trong việc nêu gương về đạo đức, lối sống, nâng cao khả năng tự “đề kháng” trước sự tác động, xâm nhập của các nhân tố độc hại từ bên ngoài; kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm để xử lý công minh, chính xác, kịp thời theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đúng với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có khoan nhượng, không có đặc quyền, đặc lợi, không có điểm dừng”. 

Đồng thời, cần phải đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát không chỉ phát hiện những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thực hiện chưa tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương mà cần phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến, từ đó đẩy mạnh biểu dương, tuyên truyền kịp thời. Đi kèm với đó là đổi mới công tác công tác thi đua - khen thưởng, bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch và đặc biệt là đúng đối tượng, đúng với phong trào và thành tích.

"Tinh thần trách nhiệm nêu gương không phải tự nhiên mà có, không phải tự nó tồn tại, mà phải thông qua giáo dục, rèn luyện và các biện pháp, chế tài của Đảng và pháp luật. Khi nâng cao được trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp sẽ góp phần hạn chế sự tha hóa quyền lực, nhất là lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi.

Vì vậy, công tác giáo dục, trách nhiệm nêu gương, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng trong tình hình mới".

(Trích: Tham luận của Đảng bộ khối các cơ quan trung ương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1/2021)

Đọc thêm