Nên giao tòa án giải quyết tài sản bất minh?

(PLO) -  “Phải xử lý bằng con đường tư pháp, được phán quyết bằng phán quyết của tòa vì khối lượng tài sản rất lớn. Ai quản lý người kê khai tài sản thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân. Ai quản lý cán bộ thì người đó có trách nhiệm gửi tài liệu sang cơ quan tòa án để cơ quan tòa án xử lý khi phát hiện kê khai không trung thực”, đại biểu Hoàng Văn Hùng đề xuất.
ĐBQH thảo luận tại tổ về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.
ĐBQH thảo luận tại tổ về Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Thảo luận về dự thảo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi, chiều 31/5, nhiều ý kiến ĐBQH phân tích, đóng góp về nội dung xử lý tài sản bất minh; cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập...

Chưa thống nhất về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, mọi trường hợp kê khai tài sản đều có giải trình, vấn đề ở chỗ giải trình hợp lý hay không. UBTP đã đề nghị Chính phủ làm rõ thế nào là kê khai hợp lý, hay không hợp lý. 

UBTP Quốc hội đã xem xét rất kỹ hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc thu nhập tăng thêm không giải thích hợp lý nguồn gốc mà Chính phủ đề xuất. Đối với tài sản tham nhũng, do phạm tội mà có thì đã có chế tài. Riêng với tài sản giải thích không hợp lý nhưng nhà nước cũng chưa chứng minh được thuộc về nhà nước khó thực hiện. Vì thế phía Chính phủ chọn phương án có xử lý nhưng thận trọng. Còn UBTP Quốc hội chưa có quan điểm chính thức mà đưa ra xin ý kiến Quốc hội.

Bàn tới công tác thanh tra, kiểm tra phòng chống tham nhũng, theo quy định hiện nay chỉ mới thực hiện trong khu vực nhà nước. Còn khu vực ngoài nhà nước chỉ mới chọn một số tổ chức xã hội: “Vấn đề UBTP băn khoăn ở chỗ cho lực lượng thanh tra vào khu vực tư nhân, thường xuyên kiểm tra đột xuất có khả năng bị lạm quyền nên đề nghị thu hẹp thanh tra với khu vực tư nhân”, bà Nga nói.

Theo Chủ nhiệm UBTP Quốc hội, riêng về quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, giữa Chính phủ và UBTP còn khác nhau quan điểm. Phía Chính phủ chọn phương án giao Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Bà Nga nói giữa Chính phủ và UBTP còn khác nhau quan điểm về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập
Bà Nga nói giữa Chính phủ và UBTP còn khác nhau quan điểm về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập

Trong khi đó đa số ý kiến của UBTP Quốc hội chọn phương án: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì giao thanh tra Chính phủ kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập.

Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát. Đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.

'Đánh thuế hay xử phạt hành chính tài sản bất minh là không ổn'?

Liên quan tới quy định xử lý tài sản kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không giải thích hợp lý nguồn gốc, đại biểu Y Tru Alio (Đắk Lắk) nêu quan điểm: Muốn phòng chống tham nhũng, không chỉ kê khai thu nhập cá nhân minh bạch mà phải khai báo tài sản cho cho vợ, con để tránh tình trạng tài sản đứng tên vợ, tên con.

Ông A Tru Alio đặt vấn đề ở nước ngoài quản lý tốt lượng tiền mặt tiêu dùng nên công tác kiểm soát kê khai tài sản đơn giản hơn. Đại biểu này đề xuất phương án hệ thống ngân hàng phải liên thông kể cả ngân hàng nhà nước hay tư nhân, có giới hạn lượng tiền mặt một cá nhân rút và mỗ người rút tiền có một mã số, chỉ có lúc đó mới hạn chế được tham nhũng, "chứ không sẽ loay hoay mãi".

Đại biểu A Tru Alio
Đại biểu  A Tru Alio

Trong khi đó đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn Thái Nguyên phát biểu, người dân rất hy vọng vào đợt sửa Luật phòng chống tham nhũng lần này. Số liệu xử lý các trường hợp tham nhũng, thu hồi lại tài sản trong 10 năm qua là quá ít, mang nặng tính hình thức. Đơn cử như trong 10 năm qua, có hơn 1 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ xác minh hơn 4 ngàn trường hợp.

“Người nông dân bán con lợn, con bò mua chiếc xe đạp bao năm còn nhớ. Là cán bộ mà không biết nguồn gốc tài sản ở đâu trong khi đều có hệ số lương, chức vụ nhưng không biết giải trình tài sản của mình là không ổn. Tôi không đồng ý với cả hai phương án trong dự thảo luật đó là thu thuế, hoặc xử phạt hành chính”.

Ông Hùng lập luận tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không giải thích hợp lý về nguồn gốc chưa có chế định nào mà đi xử lý bằng đánh thuế hay xử phạt hành chính là không ổn. Đó là chưa kể quy trình trong dự thảo luật quy định thủ trưởng nơi người kê khai làm việc lập tổ xác minh, báo cáo rồi tổ trưởng ra kết luận rồi lấy kết luận này làm căn cứ pháp lý để xử lý là “chưa ổn”.

Vị đại biểu trên đặt câu hỏi: “Không thể làm được, rất hình thức. Thành lập tổ xác minh liệu có xác minh được không?”. “Phải xử lý bằng con đường tư pháp, được phán quyết bằng phán quyết của tòa vì khối lượng tài sản rất lớn. Ai quản lý người kê khai tài sản thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước nhân dân. Ai quản lý cán bộ thì người đó có trách nhiệm gửi tài liệu sang cơ quan tòa án để cơ quan tòa án xử lý khi phát hiện kê khai không trung thực”, đại biểu nêu giải pháp.

Đọc thêm