Nêu đích danh một số lãnh đạo sở, ngành không tiếp dân

(PLVN) - Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các địa phương tổ chức 1.640 cuộc thanh tra trách nhiệm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 628 cá nhân, nêu đích danh một số lãnh đạo sở, ngành không tiếp dân, qua đó tình hình tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến, theo kết quả giám sát của UBTVQH tỷ lệ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh đều tăng so với năm 2018…
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày báo cáo trước Quốc hội.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết như vậy khi trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị (KN) của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

99,42% kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời

Thông qua 1.688 cuộc tiếp xúc cử tri đã tổng hợp được 2.251 KN, qua phân loại, tổng hợp còn 2.224 KN. Đến nay 2.211 kiến nghị đã được giải quyết hoặc trả lời (đạt 99,42%).

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, các lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri là tài nguyên và môi trường (205 KN), giáo dục và đào tạo, lao động thương binh và xã hội và giao thông vận tải.

Trong đó, bà Hải cho biết, về hoạt động của Quốc hội có 51 KN, bao gồm 11 KN về công tác xây dựng luật và 40 KN về hoạt động giám sát. Toàn bộ KN đã được trả lời. 

“Cử tri cho rằng hoạt động của Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, mang tính lan tỏa tới hoạt động của HĐND các cấp, các địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Công tác điều hành kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội linh hoạt, hiệu quả, nhiều vấn đề cử tri quan tâm đều được các ĐBQH tiếp thu và phản ánh tại các phiên thảo luận, chất vấn ở Quốc hội”, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết.

Bên cạnh đó, cử tri TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Định, Ninh Thuận mong muốn Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BOT, cổ phần hóa,…

Về công tác điều hành của Chính phủ có 2.127 KN; đã giải quyết, trả lời được 2.115 KN, đạt 99,44%.

Cử tri đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, đã quyết liệt chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Các Nghị quyết của Quốc hội được triển khai nghiêm túc, nhiều cam kết, lời hứa đã được thực hiện, tạo lòng tin của người dân với công tác điều hành của Chính phủ; Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực đã trực tiếp tháo gỡ nhiều khó khăn, cho người dân, doanh nghiệp, nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm…

Đánh giá kết quả giải quyết, trả lời KN cử tri, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, nhìn chung, các Bộ, ngành, cơ quan đều rất nghiêm túc, tích cực giải quyết trả lời đối với những vấn đề mà cử tri phản ánh.

Hầu hết các Bộ trưởng, trưởng ngành đều trực tiếp xem xét, giải quyết, ký văn bản trả lời và công khai trên cổng thông tin điện tử.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương là 2 Bộ có nhiều KN nhưng đã giải quyết và trả lời đúng thời gian quy định.

Ngoài ra, nhiều Bộ được một số Đoàn ĐBQH đánh giá cao như Bộ NN&PTNT; Bộ Quốc phòng; Bộ KH&ĐT; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Bộ Tài chính... 

Qua giải quyết khiếu nại của cử tri, nhiều yêu cầu cấp thiết của người dân được giải quyết kịp thời như Thủ tướng đã ban hành Quyết định 793 để hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu phi ngay sau khi cử tri các tỉnh Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu…có kiến nghị.

Tiếp thu KN của cử tri Đồng Tháp, Bộ GTVT đã bố trí 50 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị sụt, lún do thi công đường dẫn cầu Cao Lãnh - Vàm Cống…

Ngoài những kiến nghị cụ thể đã được giải quyết kịp thời, một số nhóm vấn đề lớn mà người dân phản ánhcũng được quan tâm tháo gỡ, bước đầu có chuyển biến.

Ví dụ, về “tham nhũng vặt”, ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 10 về ngăn chặn và xử lý tham nhũng vặt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai, trong đó đặc biệt nhấn mạnh giải pháp về trách nhiệm của người đứng đầu; về rà soát,chuyển đổi những vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực; lắp đặt thiết bị công nghệ để giám sát công chức và tăng cường áp dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính…

Về tiếp công dân, để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong tiếp công dân, từng bước khắc phục tình trạng tiếp dân không đủ thời gian quy định, ủy quyền tiếp thay…, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các địa phương tổ chức 1.640 cuộc thanh tra trách nhiệm, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 628 cá nhân, nêu đích danh một số lãnh đạo sở, ngành không tiếp dân, qua đó tình hình tiếp công dân đã có nhiều chuyển biến, theo kết quả giám sát của UBTVQH tỷ lệ tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan hành chính cấp xã, huyện và tỉnh đều tăng so với năm 2018…

Trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể 

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng dù các bộ, ngành đã tích cực, trách nhiệm trong việc trả lời các KN của cử tri nhưng vẫn còn có văn bản trả lời chưa rõ, chỉ trích dẫn quy định của pháp luật mà chưa nghiên cứu các giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cụ thể mà cử tri nêu nên cử tri tiếp tục kiến nghị...

Một số KN liên quan đến việc khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, xử lý vi phạm trong ngành, trả lời thường rất chung, không nêu kết quả xử lý cụ thể.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri trong một số trường hợp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số kiến nghị chưa rõ trách nhiệm do cơ quan nào chủ trì giải quyết 

Điển hình là việc cử tri một số địa phương như Quảng Nam, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên... phản ánh về công tác quản lý, bảo trì đối với đoạn quốc lộ đi qua địa phương hiện không rõ cơ quan chịu trách nhiệm dẫn đến tình trạng xuống cấp.

Trả lời, Bộ GTVT nêu, do chưa có sự thống nhất giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc điều chuyển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ UBND tỉnh về Bộ GTVT quản lý đối với các tuyến đường này nên đã dừng việc sửa chữa định kỳ từ năm 2018 do chưa được cấp kinh phí ... 

Một số Đoàn ĐBQH cho rằng do các tuyến đường trên không được bảo trì kịp thời nên các phương tiện qua lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, kiến nghị các Bộ khẩn trương phối hợp giải quyết dứt điểm ngay tình trạng nêu trên vì đây là vấn đề lớn liên quan đến 4.700 km đường chạy qua địa phận 42 tỉnh, thành phố.  

Ngoài ra, một số kiến nghị chưa được giải quyết do chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc chậm triển khai các quy định đã có của pháp luật

Cũng theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, một số kiến nghị đã được các Bộ ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp thực hiện nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị

Điển hình, liên quan đến lĩnh vực giao thông, bà Hải cho biết, chất lượng của các công trình giao thông là vấn đề đã được cử tri đặt ra tại nhiều kỳ họp, dù Bộ cũng đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục nhưng cử tri cho rằng còn chưa hiệu quả, hiện tượng nhiều dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng, có dự án mới đưa vào khai thác đã hư hỏng .. gây lo lắng cho người dân và tăng chi phí của xã hội để khắc phục hậu quả... 

Trước tình hình trên, Trưởng Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và ĐBQH nâng cao chất lượng, hiệu quả trong tiếp xúc cử tri, tích cực khai thác phần mềm ứng dụng để giải đáp trực tiếp cho cử tri các kiến nghị đã được các Bộ, ngành trả lời; tăng cường tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng.

Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch giải quyết dứt điểm những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; phân công cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính để giải quyết  đối với các kiến nghị có nội dung liên quan đến nhiều bộ, ngành…

Đọc thêm