“Nếu là người thân bổ nhiệm lẫn nhau, phải có quy định để xử lý”

(PLO) - Có nên cấm người trong cùng gia đình bổ nhiệm lẫn nhau? Bộ Nội vụ đã có giải pháp gì nhằm giải quyết một cách căn cơ tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và lạm quyền trong bổ nhiệm người nhà? Xung quanh vấn đề này, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ và ông Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (trái) và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn (trái) và ĐBQH Trương Trọng Nghĩa

Kỳ vọng vào Đề án của Bộ Nội vụ 

Thưa ông, Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 đã quy định cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đó. Tuy nhiên, chuyện này vẫn xảy ra khá nhiều ở cơ quan nhà nước, từ địa phương tới cấp cao hơn?

- Ông Trần Anh Tuấn: Đây là một thực trạng và cũng là một vấn đề mà chúng ta cần phải bình tĩnh xem xét, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các quy định chặt chẽ hơn, vừa bảo đảm tính khách quan, công bằng, vừa bảo đảm phù hợp với thực tế địa phương. Làm sao để thực hiện nguyên tắc: mọi người có tài năng đều được sử dụng, trừ trường hợp có quan hệ với người đứng đầu đã bị pháp luật nghiêm cấm.

Trong trường hợp pháp luật chưa quy định, người đứng đầu và cấp ủy ở các cơ quan cần thận trọng kiểm tra và xem xét kỹ mối quan hệ nhân sự trước khi xem xét quyết định bổ nhiệm. Như vậy sẽ tránh được việc xảy ra các hiện tượng mà dư luận dị nghị. Còn một điểm nữa là Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đều có quy định cả chế độ từ chức, miễn nhiệm để những người khi được bổ nhiệm rồi mà không làm được việc thì phải ra đi để nhường chỗ cho người khác làm việc tốt hơn thay thế.

Chúng ta đã nói nhiều về tình trạng nêu trên, nhưng việc chạy chọt để được làm “quan” , rồi lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm người nhà vẫn tiếp diễn. Bộ Nội vụ phải có chế tài đủ mạnh để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

- Ông Trần Anh Tuấn: Hiện tại, Bộ Nội vụ đã xây dựng Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý và đã được Bộ Chính trị thông qua. Đề án này khi thực hiện sẽ là một trong các giải pháp để khắc phục các khiếm khuyết, hạn chế. Tất nhiên bên cạnh đó sắp tới còn phải sửa Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và cả Luật Phòng, chống tham nhũng nữa.

Muốn xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất hãy cùng nhau tập trung bằng hành động cụ thể chứ không chỉ đơn thuần là lời nói. Chọn người tài chứ không thể chọn người vì tình riêng tư, nhưng để những người lựa chọn có được phẩm chất đó không phải chuyện đơn giản. Điều quan trọng là việc tuyển dụng phải thật nghiêm khắc, minh bạch, công khai.

“Pháp luật phải xử lý được những biến tướng đó”

Vừa qua, dư luận nói nhiều về chuyện “cả họ làm quan” nhưng việc bổ nhiệm được giải đáp “đúng quy trình”. Ông suy nghĩ gì về điều này?

- Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, việc lạm dụng quyền lực nhằm đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo để tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào công việc thực chất là một biến tướng của tham nhũng. Lẽ ra làm công chức hiện nay với đồng lương đúng thì rất vất vả, làm công chức mà đúng chính sách thì không giàu được, người ta bố trí người thân vào thì có thể tiềm ẩn tham nhũng. Quy định phòng chống tham nhũng hiện nay phải xử lý được những biến tướng đó. 

Từ mấy trăm năm trước, thời vua chúa của chúng ta và nhiều nước khác đã nhìn thấy và có quy định phòng ngừa. Ta lâu nay dựa vào công tác tổ chức cán bộ là đã có cơ quan tổ chức Đảng làm rất chặt chẽ với quy trình nghiêm minh, khách quan. Do đó, không có hiện tượng đưa người thân thích, tạo thành mối quan hệ thân tộc trong bộ máy Đảng và Nhà nước được. 

Nhưng hiện nay rõ ràng là đã có tình trạng này. Vì vậy, tới đây, về mặt Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy. Luật Phòng chống tham nhũng đang sửa đổi, sắp tới phải đưa vào những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Về vấn đề này, Ủy ban Tư pháp của QH đã đề nghị cấm bổ nhiệm những người trong một gia đình ở cùng một nơi? Theo ông, cần giải pháp gì?

- Ông Trương Trọng Nghĩa: Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và  khoa học thì phải có nghiên cứu sâu một cách cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước để nghiên cứu áp dụng. Nếu đưa ra một giải pháp đơn giản có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng nhiều khi không giải quyết rốt ráo được vấn đề. Vì ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên và bình thường và cũng không có tác hại gì, nhưng chúng ta muốn đề phòng một hậu quả nào đó thì cũng phải xử lý quan hệ ấy. 

Trước đây, trong công tác của Đảng cũng đã có những quy định phòng tránh như hai vợ chồng nếu ở một chỗ thì điều một người đi nơi khác, nhưng hiện nay ở một số cấp, địa phương không làm được việc này, do đó chúng ta phải đưa vào pháp luật nhưng phải nghiên cứu, cân nhắc, đưa quy định một cách hợp lý, khoa học. 

Vậy theo ông có nên cấm người trong gia đình bổ nhiệm lẫn nhau?

- Ông Trương Trọng Nghĩa: Theo tôi, những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý. Nhưng chúng ta cũng phải xử lý cả những trường hợp khách quan như một ông Bộ trưởng có con học đúng ngành, thích công việc của bố và có năng lực, giỏi giang thì sau quá trình phấn đấu có thể xứng đáng ở cương vị như Thứ trưởng thì sẽ dẫn đến chuyện bố bổ nhiệm con. Như tôi đã nói ở trên, cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước để không cực đoan. Dù bố bổ nhiệm con có thể là khách quan nhưng sắp tới chúng ta cũng nên nghiên cứu để tránh. 

Trân trọng cám ơn ông!

Đọc thêm