Nga điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia: Vững kinh tế, mạnh an ninh

(PLO) - Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động mạnh, Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/10/2015 đã thông qua quyết định điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga tới năm 2020. 
Nga không ngại “đọ sức” với Mỹ và phương Tây
Nga không ngại “đọ sức” với Mỹ và phương Tây
Dư luận cho rằng, mục tiêu chính của Chiến lược này là củng cố an ninh quốc gia để góp phần tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Điều chỉnh để phát triển
Cơ quan báo chí của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho biết, văn kiện Chiến lược An ninh Quốc gia mới đã được một ủy ban liên ngành chuyên trách của cơ quan này xem xét. Theo thông báo của cơ quan báo chí Hội đồng An ninh Quốc gia:“Tổng thống quyết định sửa lại chiến lược an ninh quốc gia để bảo đảm có sự tiếp nối chính sách nhà nước trong phạm vi an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia và các ưu tiên chiến lược quốc gia”. Nguyên tắc nền tảng của Chiến lược mới là mối liên hệ không tách rời giữa bảo đảm an ninh quốc gia với phát triển kinh tế, xã hội của nước Nga.
Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho rằng, nước Nga cần phải mở cửa với thế giới bên ngoài, cần có chính sách đối ngoại chủ động, phát triển hợp tác quốc tế, thu hút vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài. Bên cạnh đó, Nga cũng cần tăng cường nỗ lực nhằm hiện đại hóa nền kinh tế và củng cố an ninh đất nước. 
Trước đó, vào tháng 7/2015, trong cuộc họp với Hội đồng An ninh Quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia để Nga có thể đối phó tốt hơn với những thách thức và mối đe doạ từ bên ngoài. Khi đó, ông Vladimir Putin đã yêu cầu các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia phải nhanh chóng phân tích toàn bộ những thách thức và rủi ro tiềm năng trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội… và dựa vào đó để đưa ra những điều chỉnh phù hợp. 
Tổng thống Vladimir Putin khẳng định rằng, Nga sẽ tiếp tục giao lưu và hợp tác với các quốc gia khác trên cơ sở tôn trọng và tính đến lợi ích của nhau, nhưng với một điều kiện tiên quyết là không gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh quốc gia của Nga. Đặc biệt, ông Vladimir Putin rất chú trọng đến vấn đề kinh tế và nhấn mạnh, đảm bảo an ninh kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. 
Tổng thống Nga còn yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia trong quá trình soạn thảo Chiến lược phát triển phải nêu chi tiết các nguy cơ đe dọa tiềm ẩn trong lĩnh vực này để xác định tiêu chí và chỉ tiêu giới hạn của nền kinh tế, trong đó nêu những rủi ro đối với an ninh quốc gia, đồng thời cụ thể hoá các biện pháp và cơ chế nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế Nga trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng, với những điều chỉnh trong Chiến lược An ninh Quốc gia mới lần này, nước Nga sẽ có một chính sách đủ mạnh để răn đe ý đồ một số nước trên thế giới vì muốn đạt được ưu thế trong lĩnh vực quân sự mà tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân chiến lược, nghiên cứu và sản xuất các loại vũ khí chiến lược, phương tiện chiến đấu kỹ thuật cao, quân sự hóa khoảng không vũ trụ…
Nước Nga muốn đạt được ưu thế trong lĩnh vực quân sự
Nước Nga muốn đạt được ưu thế trong lĩnh vực quân sự 
“Đọ sức” với phương Tây
Trang mạng “Bwchinese.com” mới đây cũng cho rằng, rất khó xây dựng lòng tin chiến lược giữa Nga và phương Tây. Sự thay đổi chiến lược của Nga cũng có một phần lớn nhằm gia tăng sức mạnh chống đỡ trước sự tấn công nhiều kiểu của Mỹ và phương Tây.
Hơn 100 năm qua, dựa trên những bài học lịch sử sâu sắc, người Nga hợp tác với phương Tây chỉ ở mức độ nhất định, luôn có sự cảnh giác với phương Tây, hai bên không thể xây dựng lòng tin chiến lược sâu sắc mà chủ yếu lợi dụng lẫn nhau. 
Kể từ đầu thế kỷ 21 đến nay, do Mỹ kiềm chế Trung Quốc, thổi phồng “thuyết về sự sụp đổ của Trung Quốc”, đồng thời chỉ trong vòng 1 - 2 năm nâng giá dầu từ 20 USD lên hơn 100 USD, về khách quan đã tạo cơ hội cho Nga phục hồi kinh tế, ít nhất nguồn thu từ dầu mỏ đã là chỗ dựa cho sự tồn tại của bộ máy quân sự Nga. 
Đây cũng là sự kiềm chế toàn diện của Mỹ đối với lục địa Âu - Á trong thời đại “khó vẹn cả đôi đường”, kiềm chế có trọng điểm Trung Quốc thì buộc phải thả lỏng Nga và châu Âu. Sau này khi Nga phát triển quá nhanh, Mỹ lại từ bỏ Trung Quốc để quay sang tập trung ngăn chặn Nga, tất cả đều là nhằm giữ vững quyền thống trị của Mỹ.
Năm 2014 Mỹ khuấy động cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trên thực tế cuộc tấn công chiến lược trên toàn cầu của Mỹ đã ở vào thế suy yếu, do muốn kiềm chế toàn diện nên buộc Mỹ phải tiêu hao sức mạnh đất nước. Nhìn vào sự ủng hộ tài chính của người Mỹ dành cho người đại diện Ukraine sẽ rõ. Mỹ rất hà tiện khi đưa ra “bảo lãnh cho vay” không đến 3 tỷ USD và cuối cùng cũng chỉ cử 300 binh sỹ đến Ukraine. 
Nhận ra sự yếu ớt, “miệng hùm gan sứa” của Mỹ, Putin đã tiến hành cuộc phản công cứng rắn tại Crimea để đáp trả một đòn đau vào Mỹ, vì thế Mỹ đưa ra lệnh trừng phạt đối với Nga. Về góc độ chính trị - quân sự, Mỹ không thể “xử lý” Nga vì Nga có quyền phủ quyết ở Liên Hợp quốc, về quân sự Mỹ không dám trực tiếp ra tay với Nga! Do đó lệnh trừng phạt chủ yếu nhằm vào kinh tế, nhưng mức độ liên quan về kinh tế giữa Nga và Mỹ không lớn, có nghĩa là trao đổi đầu tư và thương mại không đáng kể.
Mỹ phải dựa vào châu Âu để áp đặt trừng phạt đối với Nga. Mặc dù năm ngoái Mỹ đã giảm mạnh giá dầu nhưng ảnh hưởng đối với Nga ở thời điểm đó không đến mức nghiêm trọng như giới truyền thông thổi phồng, bởi vì Nga xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là khí đốt, còn Mỹ năm 2014 chỉ lấy khí đá phiến để dụ dỗ châu Âu, tuy nhiên ngành công nghiệp khí đá phiến của Mỹ đã tự giết mình khi đẩy giá dầu thế giới hạ xuống. 
Điều này có nghĩa là nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu vẫn phải dựa vào Nga, giá khí đốt cũng là giá theo hợp đồng dài hạn, châu Âu chưa thay đổi nguồn cung thì làm sao có bản lĩnh và chỗ dựa để ép giá? Quy mô xuất khẩu năng lượng của Nga sang châu Âu vẫn còn rất lớn ngay cả khi không tăng số lượng. 
Do Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong khối NATO nên châu Âu cũng đã tham gia lệnh trừng phạt đối với Nga theo yêu cầu của Mỹ. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đối với Nga đã phải nhường chỗ cho lợi ích năng lượng thực tế của châu Âu. Do đó, châu Âu và Nga vẫn đóng vở kịch “trừng phạt lẫn nhau”, hai bên trừng phạt đối phương song vẫn có thỏa thuận ngầm.
Sách lược linh hoạt hơn
Các chuyên gia phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, không phải đến bây giờ nước Nga mới có sự điều chỉnh. Trước đó, hồi cuối năm 2014, Nga đã sửa đổi Học thuyết Quân sự Liên bang Nga. Trong đó, vẫn duy trì bản chất phòng thủ, Moskva chỉ sử dụng các biện pháp quân sự nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, sau khi áp dụng triệt để các biện pháp hòa bình khác. 
Đến đầu tháng 5/2015, Hội đồng An ninh Quốc gia Nga đã tiếp tục điều chỉnh Chiến lược An ninh Quốc gia do các mối đe dọa quân sự mới nổi lên, nhất là sau các biến động chính trị ở Syria, Iraq và tình hình bất ổn ở miền Đông Ukraine. 
Chính vì vậy, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev cho rằng, trong cuộc chiến vì lợi ích riêng, các cường quốc hàng đầu thế giới đã sử dụng “hoạt động gián tiếp” dựa vào các cuộc biểu tình lớn, các tổ chức cực đoan và các công ty quân sự tư nhân. Bên cạnh đó, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng gây sức ép với Moskva. Đây là những nguyên nhân chính khiến Nga luôn phải có những điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình. 
Các nhà phân tích Nga cũng cho rằng, các điều khoản điều chỉnh và bổ sung trên giúp Nga linh hoạt hơn trong các chiến lược quan hệ hợp tác với các nước khi tình hình thế giới có những thay đổi nhanh chóng; giúp Nga vạch ra chính sách đối ngoại chủ động, tích cực phục vụ cho hoạt động kinh tế; tạo lực phát triển khoa học, công nghệ và giáo dục, hoàn thiện các thể chế tài chính và đầu tư để đạt được mức độ an ninh cần thiết trong lĩnh vực quân sự, công nghiệp quốc phòng. 
Những chính sách “mềm” đi kèm sẽ theo hướng mở cửa hơn với thế giới bên ngoài, thu hút vốn đầu tư và công nghệ nước ngoài, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo đà cho việc phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật, những yếu tố nền tảng của một nền quốc phòng hiện đại.
Hiện chưa rõ những điều chỉnh trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Nga tới năm 2020 cụ thể bao gồm những gì, nhưng giới phân tích cho rằng, về cơ bản đường hướng chiến lược của Moskva vẫn không thay đổi. Nga vẫn coi liên minh quân sự của NATO và hoạt động quân sự của một số nước phương Tây là mối đe dọa an ninh chính. 
Nga sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với các đối tác trên nguyên tắc tôn trọng và tính tới lợi ích của nhau, đồng thời không gây tổn hại cho chủ quyền và an ninh quốc gia; chủ trương phát triển liên kết kinh tế trong không gian SNG và mở rộng quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS)...

Đọc thêm