Nga - Mỹ vào cuộc chạy đua vũ khí laser

(PLO) - Song song với Mỹ, Nga cũng đang nghiên cứu chế tạo vũ khí laser, cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Yuri Baluyevsky tiết lộ.
Mô phỏng hệ thống vũ khí laser tác chiến trên đồ họa.
Mô phỏng hệ thống vũ khí laser tác chiến trên đồ họa.
Vừa có tin Hải quân Mỹ đã thử nghiệm vũ khí laser lắp trên tàu chiến, Nga cũng đang phát triển các loại vũ khí laser, trong đó có dự tính chế tạo cả vũ khí laser lắp trên máy bay.
Vũ khí phi sát thương
Đại tướng Yuri Baluyevsky bình luận như vậy đối với tuyên bố của Cục trưởng Cục Nghiên cứu hải quân Mỹ, Chuẩn đô đốc Matthew Klunder về việc các vụ thử nghiệm vũ khí laser lắp trên tàu trong 4 tháng thử nghiệm đã “vượt quá mọi mong đợi”.
“Tôi chỉ có thể nói một điều: việc phát triển các công nghệ quân sự và chế tạo các mẫu vũ khí tiên tiến và hiệu quả đang diễn ra gần như song song ở tất cả các nước có khả năng tiến hành các nghiên cứu đó”, tướng Baluyevsky nói.
Truyền thông Mỹ cho hay vũ khí laser mới của Hải quân Mỹ có khả năng tiêu diệt các tàu thuyền nhỏ hoặc máy bay không người lái.
Vũ khí laser của Hải quân Mỹ đã "vượt quá mọi trông đợi" trong thử nghiệm (John F. Williams / U.S. Navy)
 Vũ khí laser của Hải quân Mỹ đã "vượt quá mọi trông đợi" trong thử nghiệm (John F. Williams / U.S. Navy)
Hải quân Mỹ đã thử nghiệm tại vịnh Persique loại pháo laser tối tân Laser Weapon System (LaWS) có khả năng tiêu diệt xuồng máy, máy bay nhỏ và máy bay không người lái bằng các tia laser vô hình. Một trong các nhiệm vụ của vũ khí này là bảo vệ các chiến hạm trước các mối đe dọa phi đối xứng ở vùng Vịnh.
“Lần đầu tiên trong lịch sử có ghi chép của nhân loại, một hệ thống vũ khí năng lượng đã được triển khai lắp đặt trên một chiến hạm”, ông Klunder nói.
LaWS được lắp trên tàu đổ bộ USS Ponce là một laser hồng ngoại thể rắn có công suất 30 kW và có thể hoạt động cả ở chế độ làm mù các hệ thống điều khiển của mục tiêu lẫn gây tổn hại vật lý cho mục tiêu.
Các kỹ sư Mỹ không đặt mục tiêu sử dụng vũ khí laser này để sát thương người trên các hạm tàu.
 Tư lệnh Hải quân Mỹ nói rằng, sắp tới laser có thể được ứng dụng làm vũ khí phòng vệ cho các chiến hạm hải quân thế hệ mới. Hơn nữa, LaWS là vũ khí rất kinh tế vì một phát bắn của nó chỉ tốn 1 USD.
Ông Klunder cho hay, Hải quân Mỹ đã cho phép hạm trưởng tàu USS Ponce với vũ khí laser lắp trên boong sử dụng vũ khí này trong trường hợp cần phòng vệ.
“Chúng tôi không còn phải thử nghiệm hệ thống này nữa. Nó đang làm việc rồi, ở trên một con tàu trong Vịnh Persique. Đó không phải là cái chúng tôi giữ cho... thời điểm đặc biệt. Nó đang được sử dụng hàng ngày”, ông Klunder nói thêm.
Tàu đổ bộ USS Ponce là chiến hạm đầu tiên lắp đặt vũ khí laser của quân đội Mỹ.
Tàu đổ bộ USS Ponce là chiến hạm đầu tiên lắp đặt vũ khí laser của quân đội Mỹ.
Sắp tới, sẽ có dự định chế tạo hệ thống vũ khí laser cơ động tương tự cho Thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng trên các phương tiện vận tải mặt đất. Giống như LaWS của Hải quân Mỹ, hệ thống vũ khí laser mặt đất cũng sẽ dùng để bảo vệ trực tiếp chống máy bay không người lái và tên lửa.
Sự đáp trả của Nga
Chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko nói rằng, Mỹ “đang kiên định phát triển vũ khí nguyên lý mới” và các thử nghiệm này cho thấy rõ rằng, phương tiện mang vũ khí laser sẽ là các tàu chiến Mỹ.
“Ở Nga cũng đang tiến hành các nghiên cứu như thế, nhưng Nga còn trù tính chế tạo cả laser lắp trên máy bay. Dĩ nhiên, các công việc đó đòi hỏi tập trung nguồn tài chính, nhưng cần tiến hành chúng để duy trì thế cân bằng với Mỹ trong tương lai về các nghiên cứu này”, ông Korotchenko nói.
Korotchenko khẳng định, Nga có đủ tiềm lực khoa học và kỹ thuật cần thiết để làm việc này.
“Công việc phát triển vũ khí laser của Nga đang được tiến hành mà không sử dụng linh kiện, bộ phận, chi tiết nhập ngoại nào”, Tổng biên tập tạp chí Oborona nói.
Vũ khí laser của hải quân Mỹ trên tàu đổ bộ USS Ponce. Phía Nga nói rằng sẽ sản xuất vũ khí laser có thể lắp đặt trên máy bay.
 Vũ khí laser của hải quân Mỹ trên tàu đổ bộ USS Ponce. Phía Nga nói rằng sẽ sản xuất vũ khí laser có thể lắp đặt trên máy bay.
Phó Giám đốc Viện Phân tích chính trị và quân sự (Nga) Aleksandr Khramchikhin cho rằng, các vụ thử nghiệm vũ khí laser mà Mỹ tiến hành là nhằm chế tạo vũ khí phòng không tầm gần mới về chất.
“Người Mỹ đã đi đến kết luận rằng, phương án có thể duy nhất sử dụng vũ khí laser là phòng không chiến thuật, tức là phòng không tầm gần. Laser có thể tiêu diệt các mục tiêu cỡ nhỏ như máy bay không người lái hay bom đạn”, ông Khramchikhin phân tích.
Theo ông, Mỹ có thể tính toán rằng, có thể sử dụng vũ khí laser để tiêu diệt cả tàu nhỏ và xuồng cao tốc, nhưng hiện tại, phòng không tầm gần là phương án sử dụng thực tế duy nhất của vũ khí laser.
Ông Khramchikhin phân tích: “Hiện nay, điều có thể hiểu ít nhiều là laser chưa thể ứng dụng khác đi trong điều kiện chiến đấu vì vấn đề năng lượng và tán xạ tia ở cự ly lớn hiện chưa thể giải quyết”.

Đọc thêm