Ngành giao thông vận tải: Nên công bố trực tuyến kết luận thanh tra

(PLO) - Tiếp tục chương trình giám sát về việc công khai kết luận thanh tra tại các bộ, ngành, sáng qua (26/4), tại Hà Nội, Đoàn giám sát của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). 
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi giám sát.

Báo cáo việc công khai kết luận thanh tra của Bộ GTVT, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, trong năm 2016 và quý I/2017, Thanh tra Bộ đã chủ trì thực hiện 49 cuộc thanh tra, trong đó có 35 cuộc thanh tra hành chính, 14 cuộc thanh tra chuyên ngành, đã ban hành 54 kết luận thanh tra.

Nhiều “quan điểm riêng” về cùng một kết luận thanh tra

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, đối với hướng dẫn chung của thanh tra chuyên ngành, thanh tra hành chính, Bộ GTVT đã có sự theo dõi đặc biệt. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực, ngoài việc bị chi phối bởi hệ thống pháp luật chung, lĩnh vực hàng hải, hàng không còn bị chi phối bởi tổ chức quốc tế. 

Để đáp ứng nhu cầu thanh tra, Bộ GTVT đã hình thành phòng “Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra” để theo dõi, thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, ông Đông cũng cho biết, mặc dù Bộ đã kiến nghị nhiều nhưng việc phối hợp thanh tra giữa các bộ, ngành còn chồng chéo, một số đơn vị chưa thực hiện tốt. “Cái khó nhất hiện nay là việc thực hiện kết luận thanh tra vì cùng một vấn đề nhưng mỗi một đơn vị lại có cách nhìn khác nhau, có quan điểm riêng khi cùng giải quyết một vụ việc, một nội dung” – Thứ trưởng Bộ GTVT phản ánh. 

Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra chuyên ngành, thanh tra chuyên đề liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị là đối tượng thanh tra có trụ sở nằm rải rác tại nhiều tỉnh, TP trên cả nước, bởi vậy việc tổ chức họp công bố đối với từng đối tượng sẽ mất nhiều thời gian, kinh phí đi lại của cơ quan thanh tra hoặc đối tượng thanh tra. 

Ngoài ra, pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với việc tổ chức niêm yết công khai kết luận thanh tra tại trụ sở đơn vị là đối tượng thanh tra. Cho nên, Thanh tra Bộ đề nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi Luật Thanh tra quy định rõ những nội dung công khai cho phù hợp thực tiễn. Ví dụ như công khai đối tượng, nội dung và trình tự, thủ tục... về kết luận thanh tra. 

Chủ động xây dựng danh mục công bố hạn chế

Đánh giá kết quả thanh tra, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Bộ GTVT đã thực hiện công khai, minh bạch; thanh tra chuyên ngành đạt tỉ lệ khá, nhưng vẫn cần phải sâu sát thêm. Đối với lĩnh vực hàng không, việc công bố kết luận thanh tra được thực hiện tại đơn vị đạt 100% nhưng công bố trên mạng lại rất thấp. Do vậy, ông Nhân gợi ý, sắp tới Bộ GTVT nên công bố trực tuyến kết luận thanh tra, đồng thời thực hiện niêm yết kết luận thanh tra ở những nơi dễ nhìn, phân cho cấp sở kiểm tra việc niêm yết. 

Với những việc nhạy cảm như những vấn đề liên quan đến hàng không, hàng hải quốc tế, Bộ GTVT có thể đề xuất để không đưa những thông tin đó lên mạng, đồng thời cũng nên chủ động đề xuất và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cùng Thanh tra Chính phủ duyệt danh mục công bố hạn chế của ngành.

Đọc thêm