Ngày thường lính công trình

(PLO) - Giữa thời bình, bộ đội Công binh vẫn thường trực đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ và cả hiểm nguy. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5), chúng tôi càng thấu hiểu về môi trường làm việc đặc thù của người lính công trình.
Vườn tăng gia của bộ đội Công binh 270 nơi thi công công trình
Vườn tăng gia của bộ đội Công binh 270 nơi thi công công trình

Nơi Lữ đoàn Công binh 270 thi công thường là địa hình hiểm trở, địa chất phức tạp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông không thuận tiện. Mùa nắng, không khí oi bức, ngột ngạt, cộng thêm vào đó là bụi và tiếng ồn. Khi tan ca, cán bộ, chiến sĩ mặt mũi, quần áo lấm lem. Tuy nhiên, mùa mưa còn khổ hơn vì bùn đất nhão nhoẹt, trơn trượt, thân người nhớp nháp rất khó chịu.

Trước bộn bề khó khăn, Đảng ủy -chỉ huy Lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các Tiểu đoàn luôn làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho bộ đội, xác định thi công công trình quốc phòng là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, huy động toàn bộ nhân lực, vật lực quyết tâm hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, đơn vị luôn chú trọng công tác bảo đảm an toàn, chấp hành nghiêm các quy định về bảo hộ lao động, quy tắc sử dụng thuốc nổ, vận hành các loại máy; phân công ca kíp hợp lý, thực hiện đào đến đâu chống tạm và đổ bê tông ngay đến đó…

Từ thực tiễn thi công, đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được “phát minh” và nghiệm thu đưa vào ứng dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật công trình, đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm chi phí…

Thượng tá Nguyễn Thanh Dũng - Phó Chính ủy Lữ đoàn - cho biết: Doanh trại của bộ đội công trình tuy dã chiến nhưng không tạm bợ. Lữ đoàn đầu tư hệ thống nhà lắp ghép chắc chắn, có tôn cách nhiệt, bảo đảm điện nước, giường phản nằm, phương tiện nghe nhìn, dây giá biển bảng chính quy…

Ở những nơi thi công dài ngày, đơn vị làm sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, xà đơn, xà kép, dàn karaoke, tủ sách; thường xuyên củng cố vườn hoa cây cảnh, pa-nô, bảng tin thi đua. Tác nghiệp xa Sở chỉ huy song các chế độ ngày tuần, hoạt động thi đua - khen thưởng được duy trì có nền nếp.

Thực hiện ở đâu có công trình, ở đó có vườn - ao - chuồng nên đơn vị luôn bảo đảm nguồn rau - củ - quả, thịt heo, gà, vịt, cá… tại chỗ khá dồi dào cung ứng cho nhà bếp. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện giúp bộ đội thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc, từ đó tái tạo sức lao động và thêm yên tâm gắn bó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trung tá Lê Đức Thọ - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 - đến nay có 26 năm tuổi quân, 15 năm “thâm niên” gắn bó với nghề. Anh đã cùng đồng đội trải qua nhiều chuyến đi chinh phục những ngọn núi cheo leo, hiểm trở. Bao cung đường ngoằn ngoèo chóng mặt, những con dốc lên xuống đều thăm thẳm không ngăn được các anh đưa những cỗ máy xúc, máy ủi, máy gạt… kềnh càng vượt qua.

Theo anh, hạnh phúc lớn nhất của lính công trình là chứng kiến thành quả mà mình chung tay, góp sức được hoàn thành sau bao tháng ngày vất vả. Lúc ấy cứ muốn cất cao lời ca “Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.

Còn Trung sĩ, Tiểu đội trưởng Võ Ngọc Tuân đã trải qua một cái tết trên công trình, chia sẻ: “Ăn tết xa nhà, thiếu hơi ấm người thân song luôn chứa chan tình đồng đội. Ai bảo lính công trình chỉ biết cuốc xẻng, vôi vữa?. Trong đơn vị có lắm anh tài, trang trí nhà cửa, cắt tỉa cây cảnh, nấu bánh chưng, bánh tét… đều rất đẹp. Có người còn vẽ tranh, làm thơ, kể chuyện tiếu lâm vui đáo để. Nhịp sống công trình gian khổ, khẩn trương mà ngập tràn niềm yêu đời phơi phới”.

Trên trận tuyến thầm lặng, những người lính Công binh 270 đang từng ngày, từng giờ xây nên những công trình “áo giáp”, “lá chắn” bền vững vì sự trường tồn của Tổ quốc. Sau mỗi công trình, vượt lên bao buồn vui là niềm tự hào lớn lao. Với những cống hiến bền bỉ, các anh đã và đang tô thắm trang sử vẻ vang “Mở đường thắng lợi” của Binh chủng Công binh anh hùng trong thời kỳ mới.

Đọc thêm