Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết và “Hậu phương thời chiến”

(PLO) - Là chỗ quen biết, thân tình đã lâu, tôi rất vui mừng và đã gọi điện chúc mừng về việc nhà nhiếp ảnh lão thành Mầu Hoàng Thiết - hiện đã vào tuổi 87 - được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt V (2016) cho chùm ảnh đặc sắc “Hậu phương thời chiến”, gồm các tác phẩm: “Gái làng tiễn trai làng Phú Xá tòng quân”; “Em đến lớp nơi sơ tán”; “Đón con sau giờ trực chiến”; “Học sinh trường Trung cấp nông nghiệp Hà Tây học và hành nơi sơ tán” và “Vựa ngô chống Mỹ huyện Khoái Châu”.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết  và “Hậu phương thời chiến”

12 năm trước, khi quyển sách ảnh “Tuổi trẻ thời kháng Mỹ” của ông ra đời, tôi đã viết bài trân trọng giới thiệu trên Tạp chí Nhiếp ảnh của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Chính trong dịp đó, tôi mới được biết ông vốn là một thanh niên Việt kiều cư trú ở Thái Lan.

Năm 1950, tròn 20 tuổi, ông đã cùng hàng ngàn thanh niên Việt kiều tình nguyện đến mặt trận Nam Lào sát cánh cùng nhân dân Lào anh em chống giặc Pháp xâm lược. Về tới chiến khu, Mầu Hoàng Thiết được biên chế vào tổ ảnh thuộc Ban Chính trị Khu Hạ Lào vì cấp trên biết ông từng học nghề ảnh ở Thái Lan. Tiếc rằng, chỉ ba tháng sau khi ra đời, tổ ảnh này phải giải thể vì không có máy và phim.

Ông trở lại đơn vị chiến đấu cho đến tháng 7 năm 1954 - khi ta và Pháp ký Hiệp định đình chiến, lập lại hòa bình. Tiếp đó, ông đã cùng đơn vị trải qua 90 ngày đêm hành quân vượt Trường Sơn trở về Tổ quốc, bỏ lại hàng trăm đồng đội hy sinh trên đất nước bạn. Cho đến bây giờ, nghĩ lại việc này, ông vẫn vô cùng xúc động, bùi ngùi và coi đó là những kỷ niệm đau xót lớn nhất của đời ông.

Năm 1955, ông cùng đơn vị chuyển về thảo nguyên Mộc Châu, xây dựng bộ khung của Sư đoàn 335 - Sư đoàn quân tình nguyện sang chiến đấu ở Lào ở giai đoạn sau. Năm 1958, ông được giao nhiệm vụ lập tổ nhiếp ảnh của sư đoàn. Ba năm sau, ông là phóng viên ảnh của Báo Tiền phong, cơ quan của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (từ năm 1961 đến năm 1987).

Như vậy, trước khi trở thành hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt nam, một phóng viên trong ngót 26 năm trời của thế hệ trẻ, Mầu Hoàng Thiết đã là một chiến sĩ quân đội, trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ, đầy thử thách.

Sách ảnh “Tuổi trẻ thời kháng Mỹ” được coi là một “tuyển tập” tác phẩm của Mầu Hoàng Thiết, được chọn từ hàng ngàn bức ảnh ông chụp cho Báo Tiền Phong. Đó là trên 100 tác phẩm ảnh - cũng có thể nói là trên 100 khoảnh khắc được ghi lại trong 10 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng sôi động (1965 - 1975) - những khoảnh khắc đó không chỉ của riêng Hoàng Thiết, một nhà nhiếp ảnh dũng cảm, xông xáo, đầy nhiệt huyết, từng có mặt ở khắp mọi nơi trên miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, hậu phương bao la của tiền tuyến lớn anh hùng. Đó cũng chính là những  trang lịch sử được ghi bằng hình ảnh sinh động của một thế hệ tuổi trẻ đã góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.

Có thể nói: sách ảnh này thực sự có ý nghĩa như một cuốn sử bằng ảnh, làm sống lại bao ngày tháng vinh quang mà tuổi trẻ Việt Nam đã trải qua và viết nên bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của mình. Ra đời năm 2005, sách ảnh này xứng đáng được coi là món quà quý dâng lên Bác kính yêu, dâng lên Tổ quốc vào năm có nhiều sự kiện lịch sử trọng đại.

Trong sách ảnh, số lượng ảnh về Bác không nhiều, song điều kỳ diệu chính là ở chỗ: chỉ với bằng ấy hình ảnh, người xem đủ thấy vững tin - một niềm tin sâu xa - về chiến thắng đang tới gần của đất nước. Từ ánh mắt, nụ cười hồn hậu, thân thương của vị lãnh tụ tối cao, toát ra quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của cả một thế hệ, từ Bắc chí Nam, ở mọi phương trời, trên mọi lĩnh vực sản xuất, học tập và chiến đấu.

Cũng như Mầu Hoàng Thiết, người xem tác phẩm ảnh của ông rất xúc động và cảm nhận rất rõ: Tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có những phụ nữ đảm đang, trung hậu, những người chủ kiên cường của hậu phương lớn, dù ở đâu, Hà Nội, Hà Tây, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hòa Bình hay Thanh Hóa, Quảng Bình…, là cô giáo làng hay nữ công nhân dệt, là sinh viên hay các chiến sĩ dân quân… đều mang trong mình hình ảnh cao đẹp của Bác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, xứng đáng là tuổi trẻ của thế hệ Hồ Chí Minh quang vinh.

Sách ảnh mang tên “Tuổi trẻ thời kháng Mỹ”, chùm ảnh được tặng Giải thưởng cao quí là “Hậu phương thời chiến”, đều gắn với chiến tranh, song, ở Mầu Hoàng Thiết, âm hưởng toát ra từ tác phẩm của ông không dữ dội, quyết liệt như các tác giả khác, mà bình dị, lạc quan, rất vững tin trong cuộc chiến đấu thầm lặng ở hậu phương của những con người biết làm chủ vận mệnh mình, làm chủ đất nước.

Hoàng Thiết cũng có nhiều ảnh về các chiến sĩ ở mặt trận Đường 9 Nam Lào, những thanh niên xung phong trên tuyến lửa Quảng Bình, mở đường cho xe ra trận; những chiến sĩ dân quân trực chiến ở Nam Ngạn - Hàm Rồng, cảnh giới máy bay ở Hải Hưng, phục kích bắn máy bay trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”, các đơn vị pháo cao xạ bảo vệ khu công nghiệp Thái Nguyên, bảo vệ cảng Than Cửa Ông - Quảng Ninh…

Nhưng, như đã nói, không có sự khốc liệt, bão lửa, chết chóc. Âm hưởng chủ đạo trong tác phẩm của ông là vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của những con người đang tham gia cuộc chiến đấu này. Làm sao quên được những cô gái ở xã Phúc Xá, huyện Thanh Trì, Hà Nội trong buổi diễn trai làng tòng quân, với nụ cười rạng rỡ, gương mặt sáng ngời, với bím tóc dài, đó là hình ảnh của người ở lại, làm ấm lòng những chàng trai ra trận.

Làm sao quên được những con em công nhân nhà máy in Tiến Bộ sơ tán ở vùng quê Quốc Oai, Hà Tây, tươi cười trên đường đến lớp, hẳn là cha mẹ các em sẽ vô cùng yên tâm sản xuất, sẽ cảm thấy hạnh phúc vì con em mình được bảo vệ tốt nhất, không sợ gì bom đạn đang rình rập từ phía quân thù. Những người mẹ trẻ sau giờ trực chiến ở Hải Dương, vai đeo máy, bế con - hai mẹ con nhìn nhau trìu mến đã được Hoàng Thiết bấm máy, chắc chắn tạo nên niềm hạnh phúc cho những chiến sĩ đang chiến đấu ở chiến trường xa.

Hậu phương với những thúng ngô vàng rực, lấp lánh dưới bàn tay các cô gái trẻ huyện Khoái Châu, với việc học và hành ở nơi sơ tán của các em học sinh Trường Trung cấp Nông Nghiệp Hà Tây… thật hồn hậu, thật vững chãi trong những tháng năm chống Mỹ cứu nước, hiền hậu trên đôi mắt, nụ cười, niềm tin, niềm hạnh phúc lớn lao của những người mẹ, người chị, những cháu bé vô cùng đáng yêu của chúng ta…

Hoàng Thiết thực sự đã làm nên bản trường ca bằng hình ảnh với những khoảnh khắc đan xen nhau thật kỳ diệu, với toàn cảnh cuộc chiến đấu hào hùng qua gương mặt của các anh hùng: Đặng Văn Nghĩa, Nguyễn Văn Quang, Ngô Thị Tuyển, dũng sĩ Hồ Anh Dũng tuổi 16, Hồ Thị Thu tuổi 15, dũng sĩ ưu tú Võ Phổ có mặt trong 72 trận đánh “hạ gục” 162 lính Mỹ khi anh mới ở tuổi 17, và biết bao thanh niên ưu tú, những “thanh niên ba sẵn sàng”…, và những ánh mắt, nụ cười, gương mặt dịu hiền mà chói sáng niềm tin chiến thắng của những người không tên ở hậu phương, trong sự hy sinh thầm lặng để chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn về vật chất, nhưng vô cùng giàu có về tinh thần, về lòng tin ở ngày mai hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Nổi bật lên trong số họ là các mẹ, các chị, các em, các cháu, đặc biệt là những phụ nữ “ba đảm đang” mà Bác Hồ từng nêu gương trên sách báo và tại các hội nghị. Họ  rất gần gũi, rất dễ mến, trên người là những đồ dùng mang nét đặc sắc của “thời chiến”: mũ rơm trên đầu, súng trường trên vai, túi thuốc bên hông….

Cảm ơn nhà nhiếp ảnh Mầu Hoàng Thiết, hội viên sáng lập của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với đôi mắt tinh đời và tấm lòng trìu mến của người nghệ sĩ đã dâng hiến cho đời những hình ảnh đầy xúc động về một thời oanh liệt của nhân dân ta!

Đọc thêm