Nghi ngờ tính khả thi của 'Bộ quy tắc ứng xử' ở Hà Nội

(PLO) - Bàn về dự thảo Bộ quy tắc, nhiều ý kiến cho rằng với các tiêu chí mơ hồ thậm chí vi phạm quyền cá nhân như vậy thì khó đi vào cuộc sống, mà sẽ chỉ dừng lại trên văn bản nên không thể có tác động thiết thực đến việc thay đổi thói quen xấu, hình thành thói quen văn minh hơn cho người dân Thủ đô nói chung, công chức nói riêng.
Hành vi, thái độ, trang phục của công chức hiện nay đã và đang chịu sự điều chỉnh của quy ước ứng xử nơi công cộng, nội quy, quy chế của cơ quan, Luật Cán bộ, công chức (ảnh minh họa)
Hành vi, thái độ, trang phục của công chức hiện nay đã và đang chịu sự điều chỉnh của quy ước ứng xử nơi công cộng, nội quy, quy chế của cơ quan, Luật Cán bộ, công chức (ảnh minh họa)

Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị hành chính thành phố Hà Nội đang trình Thành ủy Hà Nội cho ý kiến để UBND thành phố ban hành dự kiến vào ngày 1/1/2017 tới. Theo ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội: “Khi xây dựng bộ quy tắc ứng xử dành cho công chức, lãnh đạo thành phố yêu cầu lồng phong cách đặc trưng của người Hà Nội vào bộ quy tắc, yêu cầu công chức phải thể hiện nét thanh lịch, văn minh nhằm khơi dậy và phát huy nét đẹp văn hóa riêng có của Hà Nội”.

Giải thích về việc chậm trễ ban hành bộ quy tắc ứng xử của Hà Nội, ông Tô Văn Động giải thích: “Bộ quy tắc ứng xử đã khởi động từ năm 2012 nhưng đến bây giờ vẫn chưa công bố chính thức vì đây là một việc rất khó. Khó bởi vì làm sao phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật, sau nữa là dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ xử lý để mọi người dân đón nhận và thực hiện…”. 

Thế nào là “nước hoa phù hợp”?

Tuy nhiên, trong dự thảo, có nhiều tiêu chí rất chung chung, mơ hồ khiến cán bộ, công chức khó thực hiện, không biết đâu mà lần. Có người còn bật cười vì các tiêu chí này. Với tiêu chí “công chức mặc lịch sự (áo có ống tay, cổ áo; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp”, nhiều người thắc mắc: “Nếu mặc áo có cổ nhưng cổ khoét sâu có được không”? Chị Phương Lan, một cán bộ ngành kinh tế thì hoang mang: “Bố mẹ tôi mất sớm, lúc nào tôi cũng nhớ thương họ. Mong muốn người thân luôn ở bên mình, tôi đã xăm hình trái tim lồng tên của bố mẹ trên bờ vai, không lẽ bắt tôi xóa hình xăm có dòng chữ thiêng liêng ấy?”.

Họa sĩ Phạm Huy Thông, người đã đăng đàn nhiều lần để bảo vệ quyền lợi của người xăm mình phân tích “điểm dở” của dự thảo: “Có hai vấn đề, thứ nhất là người ta mặc gì là quyền của người ta, xăm hình cũng vậy. Người ta làm cái gì trên cơ thể là quyền của họ. Tất nhiên đi làm thì tránh hở hang quá, hay không nên phô trương các hình xăm nơi công sở. Còn thì xăm vẫn là quyền của mỗi người”.

Còn với quy định cán bộ, công chức phải “sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp” lại càng mơ hồ hơn. Cái đẹp vốn rất trừu tượng. Người này thấy đẹp, người kia lại thấy không. Người thích đeo trang sức bằng vàng, bạc, người lại thích đeo mỹ ký hay hạt pha lê, vậy thế nào mới là phù hợp. Có người thích son màu đỏ, có người thích son hồng nhạt, nâu trầm. Có người thích nước hoa hồng, có người lại thích nước hoa mùi trái cây dịu mát, có người thích nước hoa mùi hương hoa cỏ… Đây là quyền tự do, sở thích cá nhân, tại sao lại bắt ép người khác phải dùng nước hoa theo chỉ định là “phù hợp”. Vậy thế nào là “phù hợp”?

Không lẽ lãnh đạo cơ quan bắt  chị A phải trang điểm màu son đỏ, chị B xịt nước hoa mùi trái cây… Hay lãnh đạo cơ quan bắt cán bộ, viên chức của mình “đồng phục” màu son, đồng phục mùi hương nước hoa cho “phù hợp”?

Không có tác dụng về mặt lâu dài?

Bàn về dự thảo Bộ quy tắc, nhiều ý kiến cho rằng với các tiêu chí mơ hồ thậm chí vi phạm quyền cá nhân như vậy thì khó đi vào cuộc sống, mà sẽ chỉ dừng lại trên văn bản nên không thể có tác động thiết thực đến việc thay đổi thói quen xấu, hình thành thói quen văn minh hơn cho người dân Thủ đô nói chung, công chức nói riêng.

Nhà viết kịch Lê Quý Hiền thẳng thắn: “Chúng ta nên đi vào thực chất chứ không thể kêu gọi hay đề ra quy tắc hình  thức, thiếu khả thi. Những hành vi nào đã được điều chỉnh bởi các văn bản luật hiện hành thì thực hiện cho tốt. Ví dụ như hút thuốc lá ở nơi cơ quan, công cộng bị phạt, vậy đã phạt ai, ai phạt chưa? Hay chuyện bạo lực gia đình, chồng đánh vợ đã ông chồng nào bị phạt và ai dám xông vào phạt chưa? Hay muốn vỉa hè gọn gàng sạch đẹp dành cho người đi bộ nhưng thực tế dân buôn bán quá nhiều ở vỉa hè bao năm nay không giải quyết triệt để được. Lâu lâu phường phố đi dẹp rồi dân nộp phạt, rồi lại thông cảm bỏ qua, thế là tiêu cực xảy ra, chính quyền phường mất uy tín với dân, dân thì sinh ra coi thường pháp luật”. 

Trả lời câu hỏi, khi Bộ quy tắc ứng xử này được ban hành, thì đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm giám sát, và chế tài đối với những trường hợp vi phạm ra sao? Ông Động trả lời, sẽ không có đơn vị giám sát độc lập việc thực hiện quy tắc ứng xử, nhưng sẽ có nhiều người cùng giám sát. Vì những người này phải chịu sự chi phối mang tính pháp lý nhiều hơn. “Đã là công chức, viên chức thì anh phải gương mẫu thực hiện, nếu anh không gương mẫu thực hiện thì cũng không được. Đâu phải cứ có chế tài, xử lý thì mới được đâu, mà tự trọng, ý thức của con người là những điều còn quan trọng hơn nhiều”.

Nếu đề cao ý thức thì PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học cho rằng: “Xét đến cùng, không cần ra cái bộ quy tắc ứng xử này lắm. Vì trên thực tế những văn bản liên quan đến quy ước ứng xử nơi công cộng, nội quy quy chế của cơ quan này cơ quan kia, hay trong Luật Cán bộ, công chức đã có rồi. Bộ quy tắc này nói thẳng ra nó không có tác dụng về lâu dài”.

 Dự thảo Bộ quy tắc có 6 chương, 16 điều, đưa ra nguyên tắc ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của công chức làm việc trong các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố Hà Nội như: quy tắc ứng xử chung; ứng xử với đồng nghiệp; ứng xử với người dân; ứng xử giữa các cơ quan.

Về trang phục, quy tắc khuyến cáo công chức mặc lịch sự (áo có ống tay, cổ áo; váy dài đến gối); đầu tóc gọn gàng; không xăm hình, vẽ hình phản cảm; sử dụng trang sức, mỹ phẩm, nước hoa phù hợp. Công chức không quảng cáo, vận động, mời gọi đồng nghiệp và công dân mua bán, trao đổi hàng hoá, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ hành chính. Khi ứng xử với người dân, công chức được yêu cầu không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Nếu có va chạm, người liên quan cần nghiêm túc nhận khuyết điểm và chủ động giải quyết với tư cách cá nhân, không ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị, tổ chức. Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư…

Đọc thêm