Nghị trường gay gắt về mức xử lý hình sự tội phạm trẻ em

(PLO) -  Mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người ở độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là một vấn đề được tranh luận khá gay gắt trong phiên họp thảo luận về Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hình sự tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIV. 
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn).

Theo UBTPQH, tổng hợp ý kiến của các ĐBQH trong thời gian qua cho thấy, đa số ý kiến đề nghị không sửa khoản 2 Điều 12 của BLHS năm 2015, theo đó giữ nguyên quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.

Một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. 

UBTVQH nhận thấy, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 ĐBQH tán thành quy định này của BLHS năm 2015. 

Tuy nhiên, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 3 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn ĐBQH về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn ĐBQH đề nghị giữ như quy định của BLHS năm 2015. 

Trong quá trình chỉnh lý, UBTPQH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng: phương án quy định theo Chính phủ trình là hợp lý, vừa bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong BLHS năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), vừa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Ở lứa tuổi này, việc áp dụng các biện pháp khác như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính là phù hợp. Nếu quy định xử lý hình sự quá rộng là sớm đưa các em vào vòng tố tụng và đây không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội. 

Tại cuộc thảo luận này, hai phương án đã được đưa ra để các ĐB lựa chọn.

Phương án 1: Giữ như quy định của BLHS năm 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.  

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

Cần chia sẻ trách nhiệm với trẻ em phạm tội

Góp ý xây dựng điều luật này, ĐB QH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói: Căn cứ mức độ nguy hiểm đối với xã hội, Luật hình sự chia 4 loại mức độ tội phạm. Theo lịch sử luật hình sự của chúng ta các em ở loại tuổi này chỉ bị xử lý ở hai mức cao nhất đó là nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Đến Bộ luật Hình sự 2015 thì lại mở rộng phạm vi phải chịu trách nhiệm của các em.

"Lứa tuổi 14 đến dưới 16 thực chất chỉ là học sinh đang học lớp 8, lớp 9. Những thay đổi trong luật 2015 là những thay đổi rất lớn. Tôi nghĩ chúng ta chỉ thay đổi nếu căn cứ xác đáng", bà Thủy nói.

Bà Thủy phân tích thêm, trong 3 năm 2014 – 2016, cả nước mới có 122 em ở độ tuổi này bị truy tố về hành vi cố ý gây thương tích, có 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm… như vậy thực tiễn là ít. Nó không phải là vấn đề cần cảnh báo mà lại mở rộng, thì cần phải xem xét thêm.

ĐB Nguyễn Thị Thủy cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc các em phạm tội chủ yếu là do các em chưa tìm được chỗ dựa về mái ấm gia đình, 10% là trẻ mồ côi, 11% là bố mẹ ly hôn. Nhiều trẻ phạm tội có bố mẹ đang chịu án phạt hình sự. Bên cạnh đó, xã hội còn nhiều những mặt trái tác động vào đời sống, tâm lý khiến các em phạm tội.  

Do vậy, theo quan điểm của ĐB Thủy: Vấn đề không đơn giản là xem trách nhiệm của các em, mà là trách nhiệm của xã hội. Nếu xử lý như phương án 1, sẽ rất nặng cho các em. Đây là tuổi tò mò, hiếu động, với sự thiếu hiểu biết hạn chế hiểu biết pháp luật, dễ dẫn đến các em có hành vi lệch chuẩn Vì lẽ đó mà luật pháp đã không quy định như với người lớn. Quy định như phương án 1là không phân biệt giữa trẻ em và người lớn.”

“Không nên quá nóng. Khi xử lý, cần xem đến trách nhiệm của xã hội, xử lý như thế nào để các em còn làm lại cuộc đời. Cá nhân tôi, chỉ xử lý khi các cháu phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như truyền thống của chúng ta.“ – Đại biểu khẳng định lại quan điểm ủng hộ đề xuất của Chính phủ là chỉ xử lý hình sự khi các em có hành vi phạm tội ở các tội danh này trong mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng ủng bộ phương án của Chính phủ. Ông cho rằng, ĐB Nguyễn Thị Thủy đã phân tích rất sâu sắc. “Tôi thấy nó phù hợp thực trạng tội phạm. Những con số thống kê cho thấy tỷ lệ phạm tội ở lứa tuổi này không đáng kể. Không phức tạp và gia tăng như quan ngại.

Thứ 2 là nó phù hợp với điều kiện quản lý người chưa thành niên phạm tội. Ở các địa phương, không có chỗ giam riêng cho đối tượng này, hoặc có thì rất hạn chế, trong khi đó các cơ sở giáo dục bắt buộc lại còn trống”, ĐB Học đưa ra lý do để bảo vệ quan điểm của mình. 

ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết bà vô cùng tâm huyết về vấn đề này. “Mỗi chúng ta khi nghe đến tội đặc biệt nghiêm trọng do tuổi này gây nên đều bức xúc. Nhưng nó không mang tính phổ biến. Không phổ biến thì không nên xây dựng làm nguyên tắc chung", bà phát biểu.

Bà Hoa cũng đã đưa ra những con số để chứng minh độ tuổi này không gây ra những tội phạm nguy hiểm. Đặc biệt, dẫn một số liệu thống kê, bà cho biết: Cứ 10 trẻ vào tù thì 5 em tái phạm. Bà lo sợ điều đó.

Dẫn phát biểu của một nhân vật ở nước ngoài, bà nói: “Nếu muốn các em trở thành người xấu thì cứ đưa em vào tù”.

Đưa thêm lý do bảo vệ cho phương án 2, bà phân tích: Phần lớn của các em ở lứa tuổi này là do lỗi của người lớn, gia đình, nhà trường, xã hội, chúng ta phải có trách nhiệm chia sẻ với các em. Hơn nữa việc giới hạn không phải là không xử lý, vẫn xử lý với hành vi nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là còn có nhiều biện pháp khác, ví như việc chuyển hướng trong hình sự.

Nhân đạo không thể cảm tính

Có quan điểm bảo vệ phương án 1, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng: Cần dùng  hình sự để răn đe. Dùng hình sự để xử, nhưng chỉ áp dụng hình phạt nhẹ, thậm chí miễn áp dụng hình phạt. 

“Tôi thấy nhân đạo phải có đạo lý, không thể nhân đạo cảm tính. 30 năm chúng ta đã xử lý các hành vi phạm tội ở mức nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng thời đại đã thay đổi. 

Các số liệu không nói lên điều gì, không thể lấy số liệu để chứng minh cho hôm nay. Tôi là người rất cứng rắn, nhưng khi tôi xem một số clip bạo lực của các em, tôi  thấy sợ qúa, không thể xem được. Quan điểm của tôi là giáo dục bằng hình sự là tốt nhất. Chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ để răn đe. Không cần nói đến chuyện cơ sở vật chất nhà tù vội, vì việc xử lý hình sự và việc tuyên án phạt là khác nhau",  ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói. 

Chính sách hình sự không chỉ nằm ở quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Tranh luận lại ý kiến của cả hai luồng quan điểm ông Nguyễn Hòa Bình – Chánh án TAND Tối cao - cho biết: "Các ý kiến của các phương án đều rất xác đáng, nhưng tôi muốn tiếp cận ở góc độ khác, không phải chỉ là hai phương án chúng ta đang lựa chọn. Chúng ta còn đang bàn quá nhiều về độ tuổi. Mà quên mất vấn đề cốt lõi là nguyên tắc xử lý." 

Theo ông, vấn đề xử lý tội phạm ở lứa tuổi này không chỉ nằm ở Điều 12. Mà chính sách là ở Điều 91. “Đây mới là điều chúng ta cần tập trung đầu tư hơn”, ông nói.

Trước rất nhiều quan điểm rất “hợp tình hợp lý” của cả hai luồng quan điểm bảo vệ cho hai phương án, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu – người chủ trì cuộc họp hôm nay – đã quyết định: “Đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng. Đại biểu tập trung bảo vệ hai phương án. ĐB nào cũng có lý lẽ thuyết phục, Chúng tôi sẽ gửi phiếu tới ĐBQH, phương án nào đa số ý kiến thì chúng ta sẽ quyết theo phương án đó. 

Đọc thêm