Nghi vấn về khả năng Tàu Sunrise 689 đã bị cướp biển tấn công

(PLO) - Vị trí cuối cùng của tàu mà Đài vệ tinh mặt đất Hải Phòng ghi nhận trên hệ thống kĩ thuật vào lúc 23h08 ngày 2/10 là 104 độ 31 phút Đông, 1 độ 27 phút Bắc, trên hệ thống nhận dạng và truy tìm tầm xa tàu biển cho thấy, điểm cuối cùng tàu Sunrise 689 mất tín hiệu chỉ cách nơi xuất phát trên 80km và cách bờ biển Singapore gần 30km. Tuy nhiên, con tàu này đã đi lệch so với hải trình dự kiến trên 13km.
Tàu Sunrise 689 của Việt Nam mất liên lạc tại eo biển Singapore
Tàu Sunrise 689 của Việt Nam mất liên lạc tại eo biển Singapore

Theo đại diện gia đình các thuyền viên và công ty chủ quản thì khả năng tàu bị cướp biển tấn công. Vì khi các thuyền viên gọi điện về nhà đều nói thời tiết rất an toàn không thể xảy ra tình huống xấu. Đại diện công ty chủ quản tàu Sunrise 689 cũng khẳng định, hệ thống an toàn của tàu nếu chìm thì hệ thống cấp cứu sẽ tự bật, cũng sẽ dễ dàng xác định vị trí tàu vì chắc chắn sẽ xuất hiện vệt dầu loang do trên tàu chở tới hơn 5.000 tấn dầu.

Theo thông tin từ Cảnh sát biển Việt Nam, trước khi tàu Sunrise 689 của Việt Nam mất liên lạc, nhiều tàu chở dầu của các nước khác đã từng bị hải tặc tấn công tại khu vực Biển Đông và eo biển Malacca.

Eo biển Singapore là tuyến đường mà tàu chở dầu Sunrise 689 của Việt Nam đi qua trước khi bị mất liên lạc. Khu vực eo biển Singapore luôn nhộn nhịp, bởi đây là tuyến đường của các tàu hàng từ biển Ấn Độ Dương đi ra biển Thái Bình Dương. Singapore là trung tâm cảng biển khu vực cũng như trung tâm hóa dầu lớn nhất khu vực. Các tàu ra vào thường xuyên để xuất nhập dầu mỏ, trong đó có tàu Sunrise 689 của Việt Nam.

Tại khu vực eo biển Singapore, tình hình an ninh được đảm bảo tốt. Tuy nhiên, khi ra khỏi phía Tây là eo biển Malacca và đặc biệt, phía Đông là khu vực Biển Đông, tình hình trở nên phức tạp.

Theo ghi nhận của Trung tâm Thông báo Cướp biển thuộc Văn phòng Hàng hải quốc tế có trụ sở tại Kuala Lumpur, từ tháng 4/2014, đã xảy ra ít nhất 10 vụ cướp tàu tại khu vực Biển Đông, và có 1, 2 vụ đã xảy ra ở eo biển Malacca.

Đối với các tàu chở dầu, thực tế cho thấy, mục tiêu của những tên cướp chính là dầu mà không đòi tiền chuộc. Lần gần đây nhất, ngày 29/8, một tàu chở dầu của Thái Lan đã bị cướp biển tấn công. Sau khi khống chế các thuyền viên dồn vào phòng máy, bọn chúng đã cho tàu của mình cặp mạn và hút sạch dầu. Sau đó, chúng thả các thuyền viên. Trước đó, một tàu chở dầu của Malaysia và Singapore cũng đã bị cướp theo hình thức tương tự.

Theo các lực lượng chức năng của Malaysia, bọn cướp nhắm đến dầu là vì đây là mặt hàng dễ dàng tiêu thụ. Mức 3-5 triệu lít dầu không khó để tiêu thụ ở chợ đen.

Với tàu Sunrise 689 của Việt Nam mất liên lạc, các cơ quan chức năng ở các nước trong khu vực hiện đã triển khai tàu, máy bay tuần tra đi tìm kiếm con tàu này.

Một nữ phát ngôn viên của Tổ chức "Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu thuyền ở châu Á" (ReCAAP), có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Các cơ quan hàng hải đang tiến hành tìm kiếm Sunrise 689 bằng việc triển khai nhiều tàu thuyền và tàu tuần tra biển".

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Thông tin về cướp biển thuộc Cục Hàng hải Quốc tế có trụ sở tại Kuala Lumpur (Malaysia), ông Noel Choong cho biết, cơ quan này nghi ngờ con tàu này đã bị cướp biển tấn công do nỗ lực tìm kiếm con tàu thông qua việc sử dụng những hình ảnh khai thác từ vệ tinh đều không thu được kết quả.

Vụ việc tàu Sunrise 689 cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường phối hợp của các nước trong khu vực, đặc biệt đẩy mạnh tuần tra trên biển để làm giảm nguy cơ và số vụ cướp biển tại khu vực Biển Đông và eo biển Malacca - những tuyến đường huyết mạch của thương mại thế giới./.

Đọc thêm