Nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân

(PLO) - Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là nhiệm vụ trọng đại, thường xuyên, gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân và của toàn dân. 
Niềm vui của thanh niên khi lên đường nhập ngũ
Niềm vui của thanh niên khi lên đường nhập ngũ
So với Hiến pháp năm 1992, bảo vệ Tổ quốc theo Hiến pháp năm 2013 không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn là bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước, bảo vệ chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được Hiến pháp ghi nhận. Bên cạnh đó, Hiến pháp mới nhấn mạnh bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân.
Bảo vệ Tổ quốc còn là bảo vệ Nhân dân, Đảng và Nhà nước
Theo quan điểm nhất quán của Đảng ta, khái niệm Tổ quốc luôn gắn với chế độ XHCN và bảo vệ Tổ quốc chính là bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Hiến pháp năm 1992 dành trọn Chương IV quy định về “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”, trong đó theo Điều 45 thì bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là “bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả của cách mạng”.
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 tuy đã thay đổi, rút gọn tên Chương IV thành Chương Bảo vệ Tổ quốc, song nội hàm Chương này cơ bản vẫn giữ nguyên cho Hiến pháp. Cụ thể, bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN (Điều 65). Với quy định trên, bảo vệ Tổ quốc không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ mà còn là bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước – điều mà Hiến pháp năm 1992 chưa thể hiện; bảo vệ chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được Hiến pháp ghi nhận.
Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức từ Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Chủ tịch nước, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức khác cùng các lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Dân quân tự vệ) được hiến định rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013. 
Chẳng hạn, liên quan đến bảo vệ Tổ quốc, Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn gồm làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; phê chuẩn đề nghị của Chủ tịch nước về danh sách thành viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình…
Hội đồng Quốc phòng và An ninh thì trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định; động viên mọi lực lượng và khả năng của đất nước để bảo vệ Tổ quốc… Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn như thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân…
Xây dựng nền quốc phòng - an ninh theo hướng toàn dân 
Đặc biệt, Hiến pháp mới dành nhiều quy định đối với nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân như công dân phải trung thành với Tổ quốc; bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân; công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; công dân có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt cộng đồng; công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh.
Một trong những lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chính là Dân quân tự vệ. Đây là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và các lực lượng khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân ở địa phương, cơ sở.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã cho rằng: Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, cần tiếp tục thể chế hóa chính sách bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Trước hết, phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân theo phương hướng toàn dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, ngày càng hiện đại. Không những thế, cần xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng vững mạnh, trong đó có xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. 
“Tăng cường giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, tạo nên sự thống nhất nhận thức về những thuận lợi, khó khăn của đất nước, của quốc tế và khu vực; xây dựng con người Việt Nam phát triển về trí tuệ, phong phú về tinh thần, trong sáng về phẩm chất đạo đức, cường tráng về thể chất, yêu quý và gắn bó với Tổ quốc XHCN, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” – ông Nhã phân tích về yêu cầu xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần.

Đọc thêm