Nghịch cảnh "khôn nhà" hại giống nòi

(PLO) -  ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ bổ sung thêm thông tin đáng suy nghĩ: “Ở Việt Nam có hai loại sản phẩm, một dùng cho xuất khẩu và một để cho tiêu dùng trong nước, sản phẩm nào tốt hơn thì dùng cho xuất khẩu. Bởi vậy, phải nói rằng người Việt Nam “khôn nhà dại chợ” mới đúng”. 
Nghịch cảnh "khôn nhà" hại giống nòi

Biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống người dân. Tuy nhiên, nhiều người lại có quan niệm “đó không phải là chuyện của mình”. Chính vì vậy, để ứng phó với hiện tượng thiên nhiên tiêu cực này, nếu chỉ dùng tiền thì chưa đủ mà quan trọng phải giáo dục mọi người ý thức về bảo vệ môi trường.

Thiệt hại 1,9 tỷ USD/năm

Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường (BVMT) thì tính trung bình cứ GDP tăng 1%, thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định, Việt Nam là một trong 5 nước đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trung bình mỗi năm có 457 người bị thương vong, thiệt hại 1,9 tỷ USD.  

Nhận thức rõ sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của sự tác động của con người vào môi trường, tại buổi họp ra mắt Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp tham gia BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu mới đây, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã kêu gọi hoạt động BVMT trước hết phải dựa vào nhân dân, phải để người dân nhận thức được lợi ích của việc BVMT thì Chương trình mới thực sự hiệu quả.

Nước ta có nhiều tôn giáo, vì vậy, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần căn cứ vào đặc thù, điều kiện sinh hoạt, tập quán của từng tôn giáo, từng địa phương để xác định nhiệm vụ, phương án cụ thể thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp.

Các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện linh hoạt, chú trọng đến việc tạo điều kiện, môi trường để tín đồ của các tôn giáo phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng sự đồng lòng, nhất trí trong việc thực hiện các nội dung, giải pháp để tạo được sức mạnh chung. “Mỗi người dân có một sáng kiến, mỗi tôn giáo có một sáng kiến BVMT sẽ góp phần vào công cuộc cùng BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu”-  ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.

 “Khôn nhà dại chợ”

Nhấn mạnh đến ý thức và trách nhiệm của người dân trong công tác BVMT, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Chủ tịch MTTQ tỉnh Lâm Đồng khẳng định, trước đây người dân thường có quan niệm biến đổi khí hậu là chuyện của trời và nó không ảnh hưởng đến mình. Nhưng diễn biến và hậu quả mà biến đổi khí hậu đem đến gần đây (như hạn hán ở Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long) đã khiến nhận thức của người dân thay đổi căn bản.

“Có ý kiến cho rằng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài tại một số địa phương của Việt Nam trong thời gian qua một phần do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhưng cũng không thể phủ nhận sự lúng túng và khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan chức năng của Việt Nam còn yếu kém, ông đánh giá thế nào?”.

Trả lời riêng với Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Eivin Arther, Giám đốc Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cho biết: “Theo tôi, những hậu quả đã và đang xảy ra mà có thể nhìn thấy được tại Việt Nam là do thiên nhiên gây ra nhiều hơn là do khả năng ứng phó kém hiệu quả.

Dự báo trong thời gian tới, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sẽ còn diễn biến trầm trọng hơn do quá trình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế, bởi vậy Việt Nam cần có những biện pháp ứng phó tốt hơn và chủ động hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là những hậu quả vừa qua mình đổ lỗi hết cho chính quyền hay Chính phủ. Tuy vậy, những gì đã xảy ra, Chính phủ sẽ nhìn thấy để từ đó có những biện pháp và cách ứng phó chủ động hơn nữa trong tương lai”.

Tuy vậy, cho rằng Việt Nam đã có khá nhiều văn bản pháp luật quy định về BVMT, “nhưng tại sao đến giờ ý thức về BVMT của người Việt Nam chưa đạt kết quả? BVMT là bảo vệ giống nòi, nếu môi trường không được bảo vệ thì  sự phát triển trí tuệ, tầm vóc của người Việt Nam sẽ như thế nào?” - bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trăn trở.

Theo bà Hoa, BVMT phải từ những hành động rất nhỏ, như phân loại rác thải, đổ rác thải đúng nơi quy định, đến chuyện sản xuất, chăn nuôi ở mỗi gia đình phải cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm…

Tuy nhiên, nói như linh mục Bùi Văn Kiện, Giám đốc Giáo phận Caritas Hải Phòng thì người dân Việt Nam hiện nay vẫn có tiếng là “khôn lỏi”. Bằng chứng là nếu có trồng rau và chăn nuôi thì luôn chia làm hai khu vực, một dành riêng cho gia đình sử dụng và một để bán cho người ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ bổ sung thêm thông tin đáng suy nghĩ: “Ở Việt Nam có hai loại sản phẩm, một dùng cho xuất khẩu và một để cho tiêu dùng trong nước, sản phẩm nào tốt hơn thì dùng cho xuất khẩu. Bởi vậy, phải nói rằng người Việt Nam “khôn nhà dại chợ” mới đúng”. 

Phải bắt đầu từ ý thức

Trên thực tế, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính yếu là do con người gây ra. Vì thế, các chuyên gia cảnh báo, nếu không có hành động toàn cầu và không có các giải pháp tận gốc, liên quan đến nhận thức và hành động của con người thì những tác động nặng nề do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục gia tăng về tần suất và cường độ. 

Nhằm phát huy tối đa nhân lực trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu, vị đứng đầu MTTQ Việt Nam đã đề nghị chức sắc của 40 tổ chức tôn giáo trên cả nước tiếp tục phát huy tối đa vai trò định hướng hành vi BVMT cho người dân tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện và giám sát việc thực hiện việc BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật BVMT và Chương trình Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.

Cùng với những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và BVMT mang tầm vĩ mô của các bộ, ngành, tại nhiều địa phương trên cả nước, từng người dân cũng đang dốc sức đầu tư vào việc mua sắm trang thiết bị để đối phó với “ông trời”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nếu chỉ dùng tiền thôi thì chưa đủ mà phải thay đổi một cách căn bản nhận thức của người dân, trong đó giáo dục mọi người ý thức BVMT là quan trọng nhất. Chỉ khi mọi người, mọi nhà nhận thức được việc BVMT là trách nhiệm của chính mình, là bảo vệ đồng loại của mình thì họ sẽ tự giác chấp hành mà không cần đến những quy định hay chế tài đi kèm.

Đọc thêm