Nghịch lý khi cổ phần hóa

(PLO) - Chúng ta đã và đang trong “nghịch lý”: chậm CPH thì DNNN “cha chung không ai khóc”, mất “động lực” nhưng CPH như thế nào để vừa lành mạnh hóa thị trường vốn, DN sau CPH phát triển, bảo đảm đời sống cho người lao động là “bài toán” khó.

“Cảng Quy Nhơn (CQN) có vị thế chiến lược rất quan trọng, vốn là niềm tự hào của tỉnh Bình Định, là vị thế của tỉnh Bình Định. Tôi xin thay mặt cho cán bộ, nhân dân tỉnh Bình Định tha thiết đề nghị Thủ tướng xem xét lấy lại CQN cho Nhà nước” – đây là chia sẻ rất thẳng thắn của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng tại buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ về làm việc tại tỉnh này vào ngày 20/1.

Chia sẻ của ông Bí thư cũng là tha thiết của nhân dân tỉnh Bình Định.

“Vấn đề ở đây không chỉ là phát triển kinh tế mà còn liên quan đến cả an ninh quốc phòng, chiến lược quốc gia và chiến lược dài hạn”, ông Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ một lần bày tỏ quan điểm về mua – bán CQN.

Người viết bài này từng nhận được không dưới chục lần điện thoại của người em đang là công nhân của Công ty cổ phần CQN phản ánh việc sau khi cổ phần hóa (CPH), mỗi khi người lao động bất bình, “đầu gấu” không biết từ đâu đều kéo về đe dọa họ. Người em tôi còn reo lên khi được tin tháng 4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình CPH CQN (sau đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra) và đến cuối tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc CPH CQN.

Nhân dân tỉnh Bình Định nói chung và những người lao động ở CQN đều hồi hộp với tất cả hy vọng chờ đợi kết quả thanh tra, kiểm tra ở đây.

Vụ mua bán CQN có làm thất thoát tài sản nhà nước hay không, xa hơn, có “lợi ích nhóm” hay không? Những thế lực nào đứng đằng sau Công ty (vốn trước đó chưa có thương hiệu) hiện đang nắm giữ tới 86,23% CQN? Tiền bán (dù với giá như bèo) nhưng Công ty mẹ của CQN là “ông lớn” Nhà nước là Vinalines đã sử dụng vào mục đích gì hay chỉ góp phần “cân đối” tài chính sau nhiều năm lỗ lãi? Rõ ràng vô khối câu hỏi cần được trả lời.

Rõ ràng quá trình CPH DNNN, trong nhiều trường hợp chúng ta “cố bán”, bán vì “chỉ tiêu”, vì “quyết tâm”… để “hoàn thành” kế hoạch CPH. 

Chúng ta đã và đang trong “nghịch lý”: chậm CPH thì DNNN “cha chung không ai khóc”, mất “động lực” nhưng CPH như thế nào để vừa lành mạnh hóa thị trường vốn, DN sau CPH phát triển, bảo đảm đời sống cho người lao động là “bài toán” khó.

Tháng 3/2017, chỉ đạo Bộ Xây dựng khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại 4 tổng công ty, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết của các tổng công ty, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm bản chất là tham nhũng. Do đó, cùng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cần hoàn thiện bộ máy quản lý nữa. Bài học này không chỉ ở một trường hợp mua – bán CQN. 

Đọc thêm