Nghiên cứu lồng ghép vốn ngân sách 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

(PLVN) - Theo đó, xem xét, nghiên cứu lồng ghép nguồn vốn ngân sách Trung ương của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) là Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội và Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội nghị.

Yêu cầu trên được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM đưa ra khi kết luận Hội nghị tổng kết, đánh giá về kết quả thực hiện xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 diễn ra hôm qua (3/12).

Theo thông tin tại Hội nghị, sau 5 năm triển khai, đã có 80% số xã có đường đến trung tâm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Lưới điện quốc gia đã bao phủ đến 100% số xã và 97,8% số thôn, bản. Các công trình thủy lợi đã đáp ứng 75 - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây trồng hằng năm.

100% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có trường trung học cơ sở, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường mầm non; 99,5% số xã có trạm y tế xã; 58,6% xã có nhà văn hóa, 78,7% thôn, bản có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.

Kinh tế nông thôn có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã chủ động phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, miền, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hình thành được vùng sản xuất quy mô tập trung. Đến tháng 11/2020, trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có trên 1.000 sản phẩm OCOP (chiếm 50,8% của cả nước)…

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế khó khăn cần khắc phục như kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn chênh lệch khá lớn so với vùng miền khác của cả nước. Tiến độ và kết quả thực hiện các tiêu chí NTM ở các địa phương vùng đặc biệt khó khăn đạt thấp so với bình quân chung cả nước...

Hội nghị đã nghe các ý kiến, tham luận của các địa phương, bộ ngành, các chuyên gia... nhằm đưa ra mục tiêu, giải pháp của các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh: Mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn là nơi còn nhiều khó khăn.

Đáng chú ý là chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất. 

Thứ trưởng đề nghị, thời gian tới cần giải quyết tốt một số vấn đề như giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; quy hoạch, bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư những nơi cần thiết. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo tồn phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số...

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, để chương trình xây dựng NTM vùng đặc biệt khó khăn đạt kết quả, các bộ, ban, ngành, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; quan tâm bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ. Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Đọc thêm