Ngọn gió thời đại từ Cách mạng Tháng Mười

(PLO) - Cách mạng Tháng Mười không chỉ mang ý nghĩa của một cuộc cách mạng chính trị, mà còn là thành quả của nền văn minh nhân loại. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngọn gió thời đại từ Cách mạng tháng Mười (CMTM) thổi dọc theo suốt chiều dài của thế kỷ 20 sang những năm đầu cuả thế kỷ 21 và mãi mãi, đã và đang mang theo khát vọng cháy bỏng của nhiều dân tộc trên thế giới về một thế giới hòa bình, hợp tác, bình đẳng, công bằng, phồn vinh và hạnh phúc.

Cuộc cách mạng tất yếu của lịch sử

Theo nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản- nếu trước CMTM, chế độ Tư bản chủ nghĩa hiện diện tưởng như một định mệnh, như một trật tự vĩnh hằng, thì sau Tháng Mười - 1917, không ai không thấy, cánh cửa nhà tù thế giới ấy đã bị nổ tung... Và cũng từ sau CMTM, chủ nghĩa xã hội (CNXH) thế giới hiện diện với tư cách là “một phát minh lịch sử vĩ đại nhất”. 

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của CMTM, ông Hoàng Xuân Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quyền con người Vùng dân tộc và miền núi cho rằng, tuy  chỉ tồn tại 73 năm (1917 – 1990), nhưng giá trị lịch sử của CMTM Nga thì trường tồn cùng lịch sử nhân loại. Trước hết, đó là cuộc đảo lộn chính trị rất lớn, những người nô lệ bị áp bức bóc lột đã vùng lên làm chủ xã hội, làm chủ vận mệnh của mình và bước ra khỏi chế độ áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa tư bản, xây dựng cuộc sống xã hội tự lực, tự cường của các dân tộc. CMTM và sự hình thành hệ thống XHCN đã thôi thúc phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân toàn thế giới.

Ông Lương cho rằng, chính những thành quả của CMTM và CNXH đã tác động sâu sắc làm cho chính chủ nghĩa tư bản nhận ra những mâu thuẫn, bất cập để kịp thời điều chỉnh. Nếu không có CMTM, nếu không có 73 năm xây dựng CNXH thì chủ nghĩa tư bản không bao giờ tự cải tổ để tiến bộ. Nói một cách khác, chính những giá trị CMTM, giá trị CNXH đã làm cho chủ nghĩa tư bản rút ra được kinh nghiệm để nó tự đổi mới, cải cách, cải tổ và để tự tồn tại.

Vẹn nguyên ý nghĩa thời đại

Theo nhà báo Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, hơn một thế kỷ trước, khi nói về Công xã Pari, Các Mác đã khẳng định cách mạng có thể bị thất bại, nhưng cách mạng không bao giờ bị tiêu diệt. Việc mất chính quyền dẫn tới sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu trở thành bi kịch thời cuộc đau đớn nhất. Bước trầm này của lịch sử càng cho thấy lời dạy của V. I. Lênin từ ngày đầu cách mạng đến nay vẫn còn nóng hổi tính thời sự: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn nhiều! Người cũng đã từng chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”. 

Sự đổ vỡ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu cùng với sự thoái trào của phong trào cộng sản quốc tế đang gây ra những trở ngại, thử thách rất nặng nề đối với sự nghiệp cao cả của các dân tộc đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ, và CNXH. Nhưng tuyệt nhiên không thể vì thế mà cố tình phủ nhận ý nghĩa lịch sử vĩ đại của CMTM.

Chung suy nghĩ này, ông Hoàng Xuân Lương cho rằng, sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể chứ không phải là sự sụp đổ của lý tưởng. Bởi vì, mặc dù khó khăn như thế, XHCN đến nay vẫn tồn tại ở một số nước.

“Thực tiễn 100 năm qua là hợp lý, hợp lý đến mức không thể chối cãi được về một chân lý rõ ràng: Chế độ XHCN ở Liên Xô với tất cả những gì nhân danh cuộc CMTM bị sụp đổ chứ cuộc Cách mạng ấy không bị  phá sản. Nhân loại tiến bộ dù đã chứng kiến những tấn bi hùng trong lịch sử phát triển của mình, nhưng không gì cản nổi, đang và sẽ tiếp tục hướng về, đi tới cái tất yếu của CNXH  mà CMTM là cái đầu tàu mở đường thời đại ấy - thời đại nhân loại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH - không gì cưỡng được. Đó là chân lý!”- nhà báo Nhị Lê tin tưởng. 

Đọc thêm