Ngư dân hối hả mở biển vươn khơi

(PLO) - Những ngày qua, các tàu đánh cá dịp Tết trên biển Hoàng Sa, Trường Sa nối đuôi nhau vào bờ với cá đầy khoang thì từ ngày 4 Tết, đội tàu cá các địa phương các tỉnh hối hả mở biển ra khơi với ước mong năm mới ra khơi bội thu thủy sản, ra vào luồng lạch an toàn, gia đình ấm no, hạnh phúc. 
Ngư dân hối hả mở biển vươn khơi

Đầu năm, ngư dân đồng loạt mở biển 

Đã thành lệ, trước chuyến biển đầu tiên của một năm mới, các địa phương có đội tàu cá lại tưng bừng tổ chức Lễ ra quân đánh bắt hải sản. Năm nay nhiều ngư dân mở biển muộn hơn các năm trước vì các tàu cá đánh cá trong dịp Tết sau Tết mới trở về và vì các ngư dân đi trên tàu ở nhiều vùng miền khác nhau chưa kịp trở lại.

Những chiếc tàu đánh bắt xa bờ treo đầy băng rôn, khẩu hiệu “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là của Việt Nam”, hoặc “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, cắm cờ đỏ sao vàng đỏ rực một vùng biển. Văn nghệ có lễ cầu ngư, múa lân, diễn xướng hò kéo lưới và hát bả trạo. Ngư dân là những người có cuộc sống, sinh mạng gắn liền với biển cả.

Vì thế, lễ cầu ngư và hát bả trạo vốn là truyền thống của ngư dân. Cầu nguyện cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy khoang, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Với ý nghĩa này, hát bả trạo không chỉ là hình thức giải trí dân gian đơn thuần, mà còn là sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của ngư dân với khát vọng mang theo nhiều điều ước tốt lành, cầu mong ngư dân năm mới ra khơi bội thu thủy sản, ra vào luồng lạch an toàn, gia đình ấm no, hạnh phúc.

Để tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm bám biển khai thác hải sản cho ngư dân, đồng thời động viên bà con nêu cao tinh thần đoàn kết cùng các lực lượng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời, nhắc nhở bà con chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quá trình lao động, sản xuất trên biển, trong những ngày đầu của mùa biển mới năm 2017, tại cửa biển Sa Kỳ (TP Quảng Ngãi), khi ngư dân các huyện Đức Phổ, Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi làm thủ tục xuất bến, hướng ra vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa khai thác hải sản, Bộ đội Biên phòng  (BĐBP) Quảng Ngãi đã gặp gỡ, tặng cờ Tổ quốc cho các tàu cá đánh bắt xa bờ. 

Thượng úy Lê Minh Trọng - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi cho biết: “Khi tặng cờ, chúng tôi muốn các ngư dân hiểu rằng, dù lênh đênh giữa biển cả mênh mông nhưng bà con không hề đơn độc, lúc nào Tổ quốc, các lực lượng thực thi pháp luật cũng ở bên cạnh hỗ trợ bà con. Nơi khơi xa, ngư dân nhìn cờ Tổ quốc tung bay trên nóc tàu thì luôn nhớ đến quê nhà, tự tin vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.”

Ngư dân Huỳnh Quý - Thuyền trưởng tàu cá QNg 94559 ở xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ bộc bạch: “Anh em chúng tôi luôn coi lá cờ Tổ quốc trên tàu là thiêng liêng nên tàu đánh cá ở bất cứ vùng biển nào của Việt Nam, chúng tôi đều treo cờ Tổ quốc. Như vậy, mọi vùng biển của đất nước đều có ngư dân”.

Hồ hởi vươn khơi 

Anh Nguyễn Thành Vương - Thuyền trưởng tàu QNa-91945TS cho biết: “Sau khi tìm được những người đi bạn xong, chúng tôi nhanh chóng lấy 100 cây đá, 7 tấn dầu diesel, gạo, mắm, muối, rau đưa lên tàu để ra khơi theo nghề lưới vây ánh sáng. Những chuyến biển thời điểm này rất đạt vì gió giật nên cá hay nổi lên tầng mặt hoạt động. Tàu tôi chưa trang bị được máy dò ngang có giá hàng tỷ đồng, chỉ sắm sửa được máy dò đứng, soi thẳng xuống đáy nên dò rõ được đàn cá khi nó trồi lên. Anh em xuất quân với tâm trạng phấn khởi vì các tàu khởi hành sớm hơn gọi về báo trúng đậm cá thu. Một mẻ lưới đánh bắt được vài chục con cá thu, mỗi con 4-5 kg là có lộc biển đầu năm rồi”.

Ở xã Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), ngư dân chủ yếu theo nghề câu mực khơi ở vùng  biển Trường Sa. Ngư dân Phạm Phú Trung (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) cho biết: “Chuyến biển đầu tiên của năm mới mang theo nhiều kỳ vọng. Nghề câu mực khơi đặc biệt ở chỗ mỗi chuyến biển kéo dài 2 - 3 tháng tại vùng biển xa, vì vậy một năm chỉ có 4 chuyến biển, chuyến này vẫn thuộc vụ cá bắc. Mỗi tàu thường có khoảng 45 thúng câu của 45 bạn biển.

Ban ngày ngủ, ban đêm, ngư dân thức trắng, một mình lênh đênh trên thuyền câu để câu cá mực từ chập tối đến mờ sáng hôm sau. Thời tiết khi ra giêng rất thất thường, nắng đó, trời yên đó rồi trở rét, dông gió bất ngờ, nguy hiểm lắm. Nghề này dãi gió dầm sương, ngay cả giấc ngủ cũng chập chờn, nhiều khi thao thức. Chỉ mong ngư dân chúng tôi ra khơi chuyến “mở biển” này được thuận buồm xuôi gió bởi “đầu xuôi đuôi lọt”, chuyến biển mở hàng bội thu thì các lao động sẽ có thêm động lực, gắn bó sản xuất lâu dài”. 

Ông Trương Công Bảy - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Mặc dù đầu năm thời tiết nhiều biến động nhưng anh em câu mực khơi vẫn rất háo hức. Họ khao khát làm giàu từ biển, khao khát góp phần gìn giữ phần lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

Theo các ngư dân, nơi mở biển muộn nhất là vào rằm tháng Giêng. 

Đọc thêm