Ngư dân Trường Sa bám biển

(PLO) - Chúng tôi vượt biển đến với quần đảo Trường Sa vào một ngày cuối tháng 5. Trường Sa bây giờ đang là mùa biển lặng, mùa đánh bắt thủy sản của ngư dân các tỉnh miền Trung. 
Vừa đánh bắt cá, ngư dân vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo
Vừa đánh bắt cá, ngư dân vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo

Trên suốt chuyến hành trình, chúng tôi gặp khá nhiều con tàu của ngư dân từ đất liền vươn khơi ra đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống của mình. Mỗi lần gặp nhau trên biển, dù chỉ chạy ngang qua nhưng giữa biển lớn mênh mông sóng gió ấy, tình người đã trở nên rộng lớn hơn, khiến những cánh tay, những tiếng hò reo vẫy chào của mọi người lại càng thân thiết.

Từ đảo Phan Vinh B, con tàu đánh cá mang số hiệu Bình Thuận 96689 TS vừa neo đậu trong đảo lại lướt sóng vươn khơi tiếp tục công việc đánh bắt hải sản. Tôi may mắn được theo chân ông Đoàn Văn Thái - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - lên thăm hỏi ngư dân trên tàu.

Rất phấn chấn khi gặp được những người từ đất liền ra thăm con tàu của mình, thuyền trưởng Trần Quang Phú, 42 tuổi, trú tại thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) cho biết: “Chúng tôi đã ra khơi được 10 ngày trong chuyến đánh bắt dài 1 tháng trên biển. Bây giờ đang là mùa đánh bắt trong năm nên thu hoạch được khá nhiều tôm cá. Con tàu 480CV này khá lớn, có thể chịu được sóng cấp 6 đến cấp 7 nên có thể vươn khơi trong nhiều ngày. Dầu bây giờ cũng rẻ nên thu nhập của anh em khá hơn. Mỗi chuyến đi, trừ chi phí, tiền công trả cho 20 thành viên trên tàu, chủ tàu cũng thu về khoảng một trăm triệu đồng. Đóng tàu hết 4 - 5 tỷ đồng, đi biển vài năm là lấy lại vốn và bắt đầu có lãi”. 

Khi được hỏi về sự an toàn trong những chuyến đánh bắt xa bờ, anh Trương Văn Đét, cũng ở thôn Quý Hải, xã Long Hải kể lại: “Tôi đi biển từ năm 19 tuổi, đến nay đã có hơn 20 năm theo nghề đánh bắt xa bờ, thấy đánh bắt xa bờ được nhiều nên ham. Chuyến đi xa nhất là cách bờ 400 hải lý về phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Trên tàu có máy định vị nên chúng tôi chỉ đánh bắt trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Từ trước đến nay, việc vươn khơi đánh bắt của chúng tôi không gặp trở ngại gì. Chỉ có mấy ngày trước, có 1 tàu nước ngoài cho ca-nô kè sát bên cạnh nhưng xác định đây là vùng biển của mình nên chúng tôi cứ chạy bình thường, sau đó họ bỏ đi. Vươn khơi ra biển mới thấy ngư dân và cán bộ, chiến sĩ hải quân như anh em một nhà. Nhiều lần gặp bão phải neo tránh dài ngày, tàu hết nước, hết dầu, chúng tôi ghé vào đảo hỏi mua, được anh em trên đảo nhường lại chứ không lấy tiền…”.

Trung tá Ngô Đình Xuyên - Chỉ huy trưởng đảo Phan Vinh - cho biết: “Mỗi khi tàu cá của ngư dân ghé vào đảo neo đậu do gặp bão, do máy hỏng, cán bộ chiến sĩ trên đảo đã trích một phần nước ngọt, rau xanh, nhu yếu phẩm thiết yếu tăng gia, tiết kiệm được để hỗ trợ cho bà con để tạo tình cảm, lòng tin của ngư dân, giúp bà con yên tâm bám biển khai thác hải sản, phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ ngư trường. Trong những năm qua, đảo đã làm rất tốt vấn đề này, ngư dân khi đến và rời đảo đều có ấn tượng tốt và tình cảm gắn bó với cán bộ chiến sĩ trên đảo. Nhờ đó, ngư dân khi tham gia đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển này đều rất yên tâm bám biển, góp phần tham gia bảo vệ ngư trường truyền thống của mình”.

Quả thật, có ra khơi xa giữa biển trời mênh mông mới biết trân quý hơn những tình cảm con người, giữa những người lính đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo của Tổ quốc với những ngư dân đang lao động ngoài biển khơi. Nhờ chỗ dựa cả về niềm tin lẫn vật chất ấy, bà con ngư dân đã yên tâm hơn, tích cực vươn khơi bám biển, vừa tham gia phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ vùng biển của mình.

Đọc thêm