Ngư dân vui mừng đón lộc biển đầu xuân

(PLO) - Những ngày đầu xuân, các tàu cá miền Trung rong ruổi đánh bắt xa bờ trong những ngày Tết đã trúng lộc biển, trở về với cá đầy khoang. Ngư dân vui mừng vì chuyến biển đầu năm trúng lớn hứa hẹn mở đầu cho một năm mới những chuyến biển thắng lợi.
Lão ngư Ngô Văn Lanh cùng người con trai kế nghiệp trên chiếc tàu vỏ thép hiện đại mỗi chuyến biển đánh bắt 40 tấn cá
Lão ngư Ngô Văn Lanh cùng người con trai kế nghiệp trên chiếc tàu vỏ thép hiện đại mỗi chuyến biển đánh bắt 40 tấn cá

Tàu đánh cá Tết tấp nập vào bờ

Gần Tết, hàng nghìn tàu cá vẫn hối hả ra khơi bởi qua mùa mưa bão, càng gần đến Tết, biển ấm, sóng êm, cá xuất hiện dày trên ngư trường. Chuyện ngày Tết kiêng cữ không ra biển đánh bắt không còn mấy người để ý. Ngư dân bây giờ vẫn tranh thủ đi biển trong dịp Tết vì ai cũng muốn được chuyến biển đầu năm bội thu. Với họ, nếu đầu năm tàu về nhiều cá là may mắn, cả năm sẽ sung túc, ăn nên làm ra. 

Ngư dân Lưu Đình Dũng (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Bình Định) cho biết: “Rất hiếm khi tôi đón Tết ở đất liền. Một phần vì mưu sinh nhưng cái chính là hương vị Tết ở biển rất lạ, rất riêng mà đất liền không có được. Ngày đầu năm, anh em các tàu rủ nhau “xông đất” bà con, chiến sĩ trên đảo Trường Sa nên vui lắm. Dù vươn khơi trong hoàn cảnh nào, tâm trạng nào, ngư dân vẫn không giấu được sự hân hoan lẫn niềm tin vào một cái Tết đủ đầy nhờ lộc biển”. 

Ra khơi từ ngày 18, 19/1/2017 để đánh cá dịp Tết, tàu cá các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… đang lần lượt vào bờ.  Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định, nhờ khai thác thủy sản đạt hiệu quả, nên sau khi cập bến bán sản phẩm, có 954 tàu cá với 9.552 ngư dân đã vươn khơi khai thác thủy sản ở những vùng biển xa và đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên biển.

Các tàu cá của ngư dân chủ yếu hành nghề câu cá ngừ đại dương, vây cá ngừ, vây ánh sáng, mành chụp hoạt động trên vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa, khu vực biển giữa Trường Sa và Hoàng Sa. Phần lớn các ngư dân vươn khơi bám biển theo từng tổ đội.

Phương án này giúp ngư dân tăng hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Qua các Trạm bờ, ngư dân cho biết tàu cá và thuyền viên trên tàu đều an toàn. Sau chuyến biển từ 15-20 ngày, các tàu cá đang lần lượt cập cảng với những con tàu đầy cá.

Những chuyến biển hiệu quả trên tàu vỏ thép

Sáng ngày 4/2/2017, nhiều tàu cá của ngư dân đã cập cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với cá đầy khoang. Mỗi tàu đánh bắt được hàng chục con cá ngừ đại dương và từ 2 đến hàng chục tấn cá, thu lời hàng trăm triệu đồng.

Lão ngư Ngô Văn Lanh (ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) cho biết, tàu của ông đánh bắt được trên 40 tấn cá, tiền thu về ít nhất cũng hơn 500 triệu đồng. Ông Lanh là chủ tàu vỏ thép PY 99999T Xuân Thành 1 công suất 800 mã lực, trị giá 16,5 tỷ đồng với 12 ngư dân làm ăn hiệu quả bậc nhất ở tỉnh Phú Yên.

Trước khi có thêm chiếc tàu vỏ thép, ông Lanh đã sở hữu hai chiếc tàu vỏ gỗ, hành nghề giã cào tuyến lộng. Ngoài ra, ông còn có hai chiếc xe đông lạnh để thu mua cá khi tàu cập cảng chuyển bán cho các công ty chế biến thủy sản và các đầu mối đi các tỉnh. Nguồn thu mỗi tháng trên 30 triệu đồng, gia đình có của ăn, của để, song có lẽ đã bị nghiệp biển “hành” nên trong ông cứ luôn trăn trở lo toan.

Để trở thành chủ của con tàu vỏ thép này, mỗi tháng riêng thu nhập của chủ tàu phải có dư gần 100 triệu đồng mới đủ để trả lãi lẫn gốc con tàu trong vòng 15 năm nhưng ông Lanh vẫn quyết định vay tiền. Chưa đầy một năm sau khi hạ thủy, tàu Xuân Thành 1 đã xuất bến 9 chuyến biển. Mỗi lần ra khơi, tàu bám biển trên 20 ngày, lượng cá đánh bắt đưa về từ 20 đến 40 tấn. Sau khi trừ phí tổn, mỗi thuyền viên được chia trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng. Điều này khác hẳn với chuyện làm ăn trên những chiếc tàu vỏ gỗ mà ông Lanh vẫn đang sở hữu, mỗi chuyến ra khơi chỉ vài tạ cá.

Trên con tàu vỏ thép, người thuyền trưởng không khác người chỉ huy trận đánh giữa biển khơi. Vào cuộc, mọi mệnh lệnh sẽ được phát bằng hiệu lệnh còi. Ông Lanh chỉ tay về phía hệ thống ròng rọc và giàn mành chụp rồi mô tả: “Khi thuyền trưởng đang cho tàu chạy, nếu nhìn trên màn hình máy dò quét qua ngư trường báo có cá, thuyền trưởng sẽ tuýt hiệu lệnh còi đầu tiên. Thuyền viên lập tức vào vị trí được chỉ định phụ trách. Hai người vào trụ tời thủy lực phía sau, đồng thời tại hai trụ tời phía trước và hai bên, mỗi nơi cũng hai người. Ngoài ra, tại những vị trí hai bên mạn tàu là quân canh giàn lưới. 

Thuyền trưởng tuýt còi thứ hai là thuyền viên cho hạ giàn mành sập xuống. Nếu luồng cá ở 15 mét thì canh khi lưới được thả xuống chừng 20 mét hoặc 25 mét, thuyền trưởng lại thổi hồi còi thứ 3, đó là hiệu lệnh cho anh em có nhiệm vụ rút chì. Tiếp theo, lúc bấm điện tại các trụ tời thủy lực, những ròng rọc chạy, đưa giàn mành chụp bung ra, sau đó lưới được kéo lên thả cá xuống boong tàu. Hoàn thành việc kéo lưới, các thuyền viên bắt đầu ướp cá rồi đưa cá xuống hầm lạnh. Cung cách vận hành này đã thành nếp mà tất cả các thuyền viên đều thuần thục, thao tác rất đồng bộ, nhanh gọn”. 

Đọc thêm