Người cộng sản không có quyền im lặng trước cái xấu

(PLO) - Đó là một trong những yêu cầu đặt ra đối với mỗi cán bộ, đảng viên và người lãnh đạo các cấp theo Quyết định số 89 và Quyết định 90 của Bộ Chính trị vừa ban hành. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 và ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Văn hoá - Xã hội (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) trao đổi xung quanh các Quyết định này.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

“Xốc” lại đội ngũ sau 30 năm đổi mới

Thưa ông, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có văn bản quy định một cách cụ thể về tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Ông có thể cho biết những quy định trên có ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

- Ông Nguyễn Túc: Có thể nói, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn về mặt kinh tế, giúp đời sống nhân dân được cải thiện, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được khẳng định. Điều đó nói lên rằng, không đổi mới thì không được. Nhưng, song song với vấn đề đổi mới thì một loạt các vấn đề về xã hội khác cũng đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là sự phân hóa giai cấp, phân hóa giàu nghèo, sự chuyển đổi cơ cấu của các thành phần xã hội ngày càng rõ nét…. 

Những vấn đề đó tác động đến tâm tư tình cảm của mọi người dân, nổi bật nhất là vấn đề đạo đức của con người rõ ràng là xuống cấp. Niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước không còn được như xưa. Vì sao? Vì sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên mà sự suy thoái đó tăng theo quá trình đổi mới đất nước. 

Qua 30 năm đổi mới, chúng ta có 5 lần chỉnh đốn tổ chức Đảng. Trong điều kiện Đảng lãnh đạo toàn xã hội, nếu Đảng không mạnh, đảng viên không mẫu mực thì đó là nỗi nguy cho sự phát triển bền vững của xã hội. Như đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói, những cái đó nó băng hoại đạo đức của những người đảng viên và đó là sự nguy hại cho sự tồn vong của Đảng và chế độ. Chính vì vậy Đảng đã tìm mọi cách để ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa, biến chất này. 

Nếu trước đây, tham nhũng của chúng ta mới chỉ xuất hiện ở ngành công an, hải quan, thuế vụ; sang Đại hội 8, 9 thì thêm “ông” tài chính, ngân hàng và nó cũng chỉ ở cấp cơ sở, cấp tỉnh. Nhưng từ Đại hội 9 đến Đại hội 10 thì tham nhũng đã lên tới cấp trung ương. Thành thử quyết định này của Bộ Chính trị là cực kỳ quan trọng. Nếu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nêu khá rõ nét về 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì các Quyết định 89 và 90 mà Bộ Chính trị vừa ban hành chính là một biện pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi 27 biểu hiện suy thoái đó. Nhưng theo tôi, muốn ngăn chặn, đẩy lùi thì trước hết phải từ cấp cao nhất. Nếu cấp cao nhất mà chuyển thì toàn bộ hệ thống sẽ chuyển. Tôi cho rằng đây là một sự chỉnh đốn, một sự “xốc” lại đội ngũ của chúng ta qua 30 năm đổi mới.

Ông Nguyễn Túc.
Ông Nguyễn Túc.

- Có ý kiến cho rằng vì thời gian gần đây, Đảng ta có không ít cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có sai phạm nghiêm trọng, bởi vậy Bộ Chính trị phải ban hành các quyết định nói trên để kịp thời chấn chỉnh, lấy lại niềm tin trong nhân dân. Ý kiến của ông như thế nào?

- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Quyết định của Bộ chính trị đã cụ thể hóa tất cả những quy định về tiêu chuẩn cán bộ từ trước đến nay, trong tình hình hiện tại. Tức là điều này không có gì mới về nguyên tắc, quan điểm và tiêu chuẩn, nhưng trước tình hình hiện nay, sai phạm không phải ở một cấp nữa mà từ trên xuống dưới đều có, cho nên phải quy định rõ tiêu chuẩn của cán bộ cấp Trung ương như thế nào, cấp tỉnh ra sao…

Trước kia, do không được cụ thể hóa nên khi xử lý cán bộ sai phạm rất khó. Vì thế, việc cụ thể hóa này trước hết là giúp cho người được giao nhiệm vụ biết rằng mình phải làm gì, làm như thế nào để phấn đấu đạt yêu cầu của một cương vị được giao. Thứ hai là tạo điều kiện cho các cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp… và nhân dân biết được để theo dõi, quản lý, giám sát từng cấp cán bộ. Cái hay chính là chỗ đó. Theo tôi, việc cụ thể hóa này là một bước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh để đưa cán bộ từng cấp- theo chức năng, theo cương vị của mình- đi vào nề nếp để phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân….Điều đó quan trọng lắm. Làm đúng thì được khen, làm không đúng thì phải xử lý. Vừa rồi Thủ tướng có nói một câu đại ý rằng nếu làm không được thì không đợi hết nhiệm kỳ mà phải thay ngay. Chứ lâu nay là cố gắng làm hết nhiệm kỳ, thậm chí còn kéo dài nhiệm kỳ thì hậu quả do người đó gây ra cho nhân dân tổn thất không biết bao nhiêu mà kể.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước.

Dân đòi hỏi và Đảng phải làm

- Quyết định 90 của Bộ Chính trị đã liệt kê một loạt các quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn để đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Ông đánh giá thế nào về các tiêu chuẩn này? 

- Ông Nguyễn Túc: Quyết định 90 đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn, nhưng trong các tiêu chuẩn đó, theo tôi các đồng chí Trung ương tập trung vào 5 vấn đề cấp bách nhất. 

Thứ nhất là “không tham vọng quyền lực”. Bây giờ tình trạng mua quan bán chức ghê gớm quá; chạy chức chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tội… xét cho cùng cũng chỉ vì muốn có chức vụ mà thôi. Theo tôi, không tham vọng quyền lực tức là phải có trách nhiệm cao đối với công việc và phải là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Tôi thấy điều này đúng trong bối cảnh hiện nay khi người ta cho rằng những cán bộ liêm khiết, sống giản dị, gần dân thì một bộ phận cho rằng những người đó là khốt- ta- bít. 

Đối với quy định “không tham nhũng, không vụ lợi, không cơ hội”. Đây là cái bức bách thứ hai. Hiện nay tham nhũng tinh vi dưới mọi hình thức, “sờ” vào chỗ nào cũng thấy các mức độ tham nhũng khác nhau; có cái gọi là “ăn vặt” hàng ngày và có những đối tượng ăn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mà pháp luật vừa đưa ra ánh sáng. Hai ngành đẹp nhất mà xã hội phải gọi là Thầy là thầy giáo và thầy thuốc cũng… “không phong bì thì không xong” và bản thân Bộ Y tế, Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng chống tình trạng này rất ghê gớm, nhưng vì nó là “ăn vặt” và đã trở thành phổ biến nên khiến xã hội bực bội.

Cái thứ ba là kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”,  “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Điều này cũng rất đáng quan tâm. Dũng khí của người cộng sản là phải có bản lĩnh để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện đó. Trong cuộc đấu tranh chống các biểu hiện của sự suy thoái không có người đứng trung gian, đã là những người cộng sản, là những người yêu nước chân chính thì không có quyền im lặng trước cái xấu. Đó là cái cần phải khơi dậy trong lúc này. Tôi rất tâm đắc với câu nói của đồng chí Tổng Bí thư là lò đã nóng thì củi khô hay củi tươi đều cháy, khi đã thành phong trào thì không có gì cản nổi. Vì vậy, chúng ta phải tạo thành phong trào có sự hậu thuẫn của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng.

Một vấn đề cấp bách nữa mà Trung ương muốn nói tới là không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Chuyện này thời gian qua buồn quá! Cả nhà, cả họ làm quan, thậm chí bồ bịch được thăng vượt cấp, v.v… và v.v…Tôi thấy câu chuyện này đã thành bức xúc rồi, dân đòi hỏi và Đảng phải làm, nhưng làm được hay không còn tùy thuộc vào sự chỉ đạo của Trung ương và sự huy động nhân dân. 

- Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để những quy định trên đi vào cuộc sống?

- Ông Nguyễn Túc: Theo tôi phải có nhiều biện pháp và quan trọng là quyết tâm phải chuyển từ Trung ương xuống tận địa bàn dân cư, chứ chỉ dừng ở Trung ương là chưa được. Công tác quản lý cũng phải phân cấp thật cụ thể, rõ ràng. Bên cạnh đó, hiện nay tính đấu tranh của các chi bộ cơ sở rất yếu, vì vậy phải huy động toàn Đảng vào cuộc, nhất là các chi bộ, đảng bộ cơ sở. Cùng với đó, phải phát huy sức mạnh của toàn dân, bởi thời gian qua hầu hết những vụ tham nhũng lớn không phải do cơ quan công an phát hiện mà do nhân dân và từ nhân dân thông qua các cơ quan báo chí đưa lên.

Cán bộ cao cấp phải có tinh thần người chiến sĩ ngoài mặt trận

- Thưa ông, một trong những tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống của chức danh cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đó là “tuyệt đối không tham vọng quyền lực”. Với quy định này, nhiều ý kiến băn khoăn liệu có mâu thuẫn với việc các cán bộ, đảng viên có ước mơ, hoài bão muốn được cất nhắc, đảm nhiệm công việc ở vị trí cao hơn nữa để tiếp tục cống hiến?

- Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Không được tham vọng chức quyền cần được hiểu là không phải vì vào chức đó để trục lợi cho cá nhân, mà trước hết chức quyền giao cho là mục đích phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Ở Trung ương thì phục vụ cấp trung ương; ở cấp tỉnh, cấp huyện thì phục vụ cấp tỉnh, cấp huyện chứ không phải anh có quyền lực thì  muốn làm gì cũng được- ý của Bộ Chính trị là như vậy. 

Người cán bộ của dân, do dân, vì dân phải là người không được lợi dụng chức quyền và đừng vì tham vọng quyền lực để phục vụ cho mục đích cá nhân. Có như vậy thì Đảng ta mới thực sự là một Đảng cộng sản của tư tưởng Hồ Chí Minh để phục vụ cho nhân dân, phục vụ cho Tổ quốc, không ngoài lợi ích nào khác. 

Hoài bão ước mơ để cống hiến hoàn toàn khác với tham vọng quyền lực. Ước mơ để cống hiến cũng giống như người chiến sĩ muốn ra mặt trận để chiến đấu phục vụ Tổ quốc… Mà khi lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể thì dứt khoát phải sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho tổ quốc, nhân dân. Người chiến sĩ ngoài mặt trận sẵn sàng hy sinh để cho Tổ quốc độc lập, đất nước bình yên thì người cán bộ càng cao cấp thì càng phải thể hiện tinh thần của người chiến sĩ ngoài mặt trận.

Trân trọng cám ơn các ông!

Đọc thêm