Người dân vẫn có tâm lý “vô phúc đáo tụng đình”

(PLVN) - Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. 
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) phát biểu

Luật coi trọng phương thức xử trí hoà hiếu

Đa số các Đại biểu Quốc hội (ĐB) nhất trí cao về sự cần thiết xây dựng luật. Bởi Luật phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam và do đây là phương thức tốt cho người dân, tốt cho xã hội, tiết kiệm cho ngân sách.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, trong các quan hệ xã hội như quan hệ giữa công dân với nhà nước, quan hệ giữa công dân với tổ chức, quan hệ giữa công dân với công dân và các quan hệ xã hội khác đều chứa đựng những tranh chấp, mâu thuẫn. Để xử lý các tranh chấp do mâu thuẫn đó, pháp luật đã có những quy định để xử lý. Tuy nhiên, không phải xã hội lúc nào cũng đòi hỏi phải xử lý bằng các quy định pháp lý mà còn nhu cầu đòi hỏi hòa giải, đối thoại với cách thức linh hoạt, thân thiện, chia sẻ, cảm thông, hiểu biết lẫn nhau.

“Hòa giải, đối thoại có tác dụng to lớn trong việc hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp. Bởi vậy, xây dựng và hoàn thiện các quy định cho hoạt động hòa giải, đối thoại là yêu cầu thực tiễn”, ĐB Tám đánh giá.

Phân tích cụ thể, ĐB Bùi Huyền Mai (Hà Nội) cho biết, qua tổng kết thực hiện thí điểm, đổi mới công tác hòa giải, đối thoại ở 16 tỉnh, thành phố, kết quả hòa giải, đối thoại thành đã đạt 78,8%. Điều này cho thấy ưu điểm của cơ chế mới góp phần hạn chế các vụ việc phải đưa ra xét xử, nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân và tiết kiệm được chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

“Cơ chế này đã thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội để tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại và cơ chế này cũng không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế, do đó, sẽ nâng cao sức sống của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành, góp phần làm giảm số lượng các tranh chấp, khiếu kiện phải giải quyết bằng con đường xét xử. Hơn nữa, phương thức này cũng để giải quyết các tranh chấp luôn tồn tại, phù hợp với truyền thống tâm lý, tình cảm của người Việt”, ĐB Mai nói.

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, đối với các tranh chấp dân sự, công lý không đơn giản chỉ là tuyên ai thắng ai thua mà điều quan trọng nhất là Nhà nước phải tổ chức ra các thiết chế để giúp cho người dân hòa giải được với nhau. Theo ĐB Thủy, quan niệm của người dân vẫn là "vô phúc đáo tụng đình" không đừng được mới phải đưa nhau ra tòa xét xử.

Theo đại biểu Thuỷ, phương thức hòa giải tại Tòa án cần phải được xem là hướng đi ưu tiên trong phát triển tư pháp dân sự ở nước ta thời gian tới và điều này phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lối sống giàu tình cảm của người Việt Nam do đây là phương thức tốt cho người dân, tốt cho xã hội, tiết kiệm cho ngân sách. 

ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc kạn) phát biểu
 ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc kạn) phát biểu

ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) lưu ý thêm, cần xem xét, nghiên cứu thận trọng để tránh sự chồng chéo với các mô hình hòa giải, đối thoại đã có, đồng thời không làm cho hoạt động của Tòa án thêm nặng nề, quá tải.

Luật cần ghi rõ "trước tố tụng tại Tòa án”? 

Một trong số ít ĐB còn băn khoăn, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị hết sức cân nhắc về sự cần thiết của dự án luật này.

Theo ĐB, thực tiễn cho thấy, đối với những tranh chấp phức tạp phát sinh trong thời gian dài đã qua nhiều hình thức hòa giải, tư vấn rồi mới đến khởi kiện, khiếu kiện ra Tòa án và giai đoạn hòa giải, đối thoại, tiền tố tụng tại Tòa án đã trở thành nhiêu khê, kéo dài vụ án tranh chấp phiền hà, tốn kém thời gian, tiền bạc, chi phí của các bên. Nhiều người e ngại nếu ta quy định không chặt chẽ thì đây là lý do kéo dài thời gian của người dân khi có việc liên quan tới Tòa án, làm giảm khả năng hòa giải.

“Trong trường hợp dự án luật này được Quốc hội thông qua, tôi tha thiết đề nghị cần phải xem xét thật kỹ về tính minh bạch của các quy định về tiêu chí, điều kiện để tiến hành giai đoạn hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Trong đó điều kiện trước tiên phải có tính nguyên tắc là có sự đồng thuận tự nguyện của các đương sự. Hòa giải, đối thoại không phải là giai đoạn bắt buộc trước khi thụ lý đối với tất cả vụ việc dân sự hành chính thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Như vậy, đề nghị tên gọi của luật này là Luật Hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án, tôi xin nhấn mạnh cụm từ “trước tố tụng tại Tòa án”, ĐB Tạo nêu quan điểm.

Đọc thêm