Người thương binh trọn nghĩa, vẹn tình

(PLO) - Đó là lời mọi người nhận xét về ông Nguyễn Phan Hào (SN 1951, trú tại phường Tây Tựu, huyện Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - người cựu chiến binh đã gửi lại chiến trường 41% sức khỏe nhưng luôn tận tụy trong công việc và có lối sống thủy chung, ân nghĩa, hết lòng, hết sức với đồng đội, bạn bè.
Cảnh tìm mộ liệt sĩ Đặng Trần Thân giữa rừng già Hoài Nhơn, Bình Định tháng 1/2013. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cảnh tìm mộ liệt sĩ Đặng Trần Thân giữa rừng già Hoài Nhơn, Bình Định tháng 1/2013. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Rạng ngời phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ

Năm 1968, cũng như bao thế hệ thanh niên cùng trang lứa, anh thanh niên làng hoa Tây Tựu Nguyễn Phan Hào tình nguyện lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Hòa vào đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, tuy sức vóc tầm thước nhưng hoạt bát, nhanh nhẹn, bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, ông Hào có thể mang vác ba lô nặng gần bằng trọng lượng cơ thể mình, không quản mưa bom, bão đạn trên chặng đường hành quân qua các chiến trường Bình Trị Thiên, Quảng Nam… vào đến Bình Định.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, quên mình vì nhiệm vụ, đầu năm 1972 ông Nguyễn Phan Hào vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1972, trong một trận chiến đấu, ông bị thương nặng vào chân phải. Sau đợt điều trị, không còn đủ sức chiến đấu nên ông được đơn vị cho trở ra Bắc vào năm 1973 với tỉ lệ thương tật 41%. 

Quyết tàn nhưng không phế, ông Hào về lại đơn vị cũ công tác, ở mặt trận nào ông cũng tình nguyện là người lính đi đầu. Sau đó, ông được cử đi học Trường cán bộ Kiểm sát. Tháng 10/1976, ông Hào về nhận công tác tại Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội. Sau 10 năm công tác, ông Hào chuyển về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Đức (tỉnh Hà Tây cũ), mặc dù là thương binh nặng nhưng ông Hào đã nỗ lực phấn đấu không ngừng và được đề bạt lên vị trí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Hoài Đức. Năm 2011, ông Hào nghỉ chế độ theo quy định. 

Trong suốt hành trình công tác, nỗ lực phấn đấu không ngừng, ông Nguyễn Phan Hào vinh dự nhận Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng, Huy chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn Việt Nam, nhiều Huân, Huy chương kháng chiến. 

Tri ân người nuôi giấu

Trong thời gian chiến đấu trong tuyến lửa, ông Hào cùng đồng đội hoạt động tại địa phận thôn 1 An Quý, xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) và được một bà má địa phương là má Sinh (tên thật là mẹ Nguyễn Thị Lý, người xã Hoài Châu) cưu mang, nuôi giấu. Má Sinh có chồng là cán bộ cách mạng đi tập kết, một mình má tảo tần nuôi ba cô con gái nhỏ, cuộc sống rất nghèo khổ nhưng má vẫn cưu mang, nuôi giấu cán bộ. Ông Hào nhớ lại: “Hồi đó hầu như ban ngày chúng tôi phải ở trong hầm bí mật, chỉ đêm mới ra hoạt động. Má Sinh là người tiếp tế nuôi chúng tôi, cũng thông qua má mà chúng tôi nắm được mọi tình hình thông tin để đêm đến đi hoạt động cách mạng…”- ông Hào kể lại. 

Trở về quê hương, ông nhiều lần biên thư thăm má nhưng không nhận được hồi âm. Mãi đến năm 2005, ông Hào thân chinh quay lại xã Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tìm gặp má Sinh thì hay tin em Hòa, con gái của má cũng hy sinh trong chiến đấu, hiện má sống nhờ khoản tiền tuất dành cho mẹ liệt sĩ, tuy có công nuôi giấu cán bộ nhưng má Sinh không được hưởng chế độ đối với người có công. Ông Hào kể: Hỏi sao má không đi hỏi chế độ thì má thành thật giãi bày: “Má nghĩ trong tình cảnh đất nước có ngoại xâm, người dân nào cũng làm như má nên chẳng nghĩ là mình có công đâu. Vả lại, cuộc sống của má khốn khó quá nên cũng chẳng có điều kiện hỏi để làm thủ tục…”. 

Sau lần đó, trở về Hà Nội ông Hào xin nghỉ phép, thân chinh vào Bình Định đến gặp các ban ngành chức năng của tỉnh để làm chế độ đối với người có công cho má Sinh. “Khi tôi đến “gõ cửa” Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định để phản ánh trường hợp của má Sinh và hỏi chế độ thì may mắn được gặp đồng chí Giám đốc Nguyễn Thị Lịch cũng là một thương binh nặng (bị mất một bên chân).

Qua chuyện trò, chúng tôi như bạn bè đồng đội gặp được nhau, mừng khôn kể xiết. Với sự giúp đỡ hết lòng, hết sức của người đứng đầu Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, thủ tục làm chế độ cho mẹ Nguyễn Thị Lý được xúc tiến nhanh. Kết quả là sau đó má Sinh đã được hưởng chế độ với người có công 370 ngàn đồng/tháng”.

Má Sinh giờ không còn được minh mẫn, một phần do tuổi tác, một phần do di chứng những năm tháng chiến tranh, vất vả khiến má nhớ nhớ, quên quên nhiều chuyện. Thế nhưng nhắc đến “con Hào ngoài Hà Nội” thì má nhớ ngay, trò chuyện qua điện thoại má nhắc đi nhắc lại: “Thằng Hào tốt lắm đó, ân tình lắm!” anh Nguyễn Văn Hùng- con rể của má Sinh thì cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán năm nào anh Hào cũng gửi quà vào cho má (chuyển tiền mặt qua ngân hàng). Má mừng lắm, số tiền đó tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên tinh thần to lớn với gia đình chính sách, thể hiện đạo lý đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc”.

Vượt ngàn cây số, lặn lội xuyên rừng tìm mộ đồng đội

Cùng lên đường nhập ngũ với ông Hào ngày 28/2/1968 còn có người bạn cùng thôn là Đặng Trần Thân (SN 1951, cùng xã). Lên đường cùng ngày, cùng đi vào tuyến lửa miền Nam nhưng ông Hào và ông Thân được phân về hai đơn vị khác nhau. Cuối năm 1969, trên đường chiến đấu hành quân qua địa phận huyện Hoài Nhơn (Bình Định), ông Hào tình cờ gặp người bạn đồng hương Đặng Trần Thân lúc này trong tình trạng bị ốm nặng do sốt rét ác tính đang nằm võng dưới một gốc cây to, cạnh con suối cạn, gần đỉnh dốc mà người dân địa phương gọi là dốc Đá Lửa.

Đường hành quân vội vã, ông Hào và ông Thân cũng chỉ kịp bắt tay nhau, cùng hẹn gặp nhau trong ngày chiến thắng, hoặc chí ít người nào được về quê thì nhắn tin này tới cha mẹ, gia đình người kia. 

Năm 1973, trở về địa phương, việc đầu tiên là ông Hào đến gặp gia đình ông Thân báo tin có gặp ông Thân tại chiến trường. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, chiến tranh kết thúc nhưng không thấy ông Thân trở về, sau đó gia đình nhận được Giấy báo tử của ông Đặng Trần Thân và tiếp theo là tấm bằng Tổ quốc ghi công của Liệt sĩ Đặng Trần Thân, hy sinh tại chiến trường Hoài Nhơn (Bình Định).

Gia đình ông Thân sau đó cũng bằng nhiều cách tìm mộ liệt sĩ Thân nhưng không có kết quả. Liên lạc với đơn vị cũ của ông Thân, gia đình biết được thông tin về người đồng đội Lê Văn Toán (quê Quảng Ngãi)- nguyên cán bộ Tiểu đoàn 8 là đơn vị của ông Thân trước lúc hy sinh, thật may mắn khi ông Toán cùng với một đồng chí nữa chính là người đã chôn cất ông Thân tại địa phận huyện Hoài Nhơn, Bình Định nhưng đã 40 năm trôi qua, do ảnh hưởng di chứng chiến tranh (ông Toán bị thương mất 60% sức khỏe) nên không thể nhớ chính xác địa danh, địa điểm chôn cất liệt sĩ Thân.

Bản thân ông Hào cũng luôn đau đáu nỗi ám ảnh về lần gặp ông Thân, kết hợp với thông tin mà ông Toán cung cấp về nơi chôn cất ông Thân, ông Hào có một niềm tin nội tâm rằng địa điểm gặp ông Thân cuối năm 1969 cũng chính là nơi ông Thân sau đó đã vĩnh viễn nằm lại. Với niềm tin nội tâm đó, cuối năm 2012, ông Hào cùng người em ruột của liệt sĩ Thân là bà Đặng Thị Phương và người em họ ông Thân là ông Nguyễn Thành Trung lại một lần nữa lên đường vào Bình Định tìm mộ liệt sĩ Thân. Cùng đi còn có người đồng đội của ông Thân là ông Lê Văn Toán đến từ Quảng Nam và một nhà ngoại cảm.

Mặc dù với cẳng chân cà nhắc do bị trúng đạn trong chiến tranh nhưng ông Hào vẫn lội suối, băng rừng tìm đến được địa điểm có tên dốc Đá Lửa thuộc xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn, Bình Định). 40 năm sau lần dừng chân duy nhất vào năm 1969, ông Hào không khỏi kinh ngạc khi thấy cảnh vật tại địa điểm dốc Đá Lửa gần như vẫn nguyên vẹn trong ký ức: vẫn cây cổ thụ già, những tảng đá lớn, đỉnh đồi dốc, khe suối cạn. Và điều trùng hợp kỳ lạ là ông Toán cũng gần như xác định được chắc chắn địa điểm chôn cất ông Thân.

Sau đó, gia đình quyết định báo cáo Huyện Đội Hoài Nhơn và Đảng ủy, UBND xã Hoài Sơn về việc xin được bốc mộ liệt sĩ Đặng Trần Thân di lý về quê nhà. Với sự giúp đỡ của nhà ngoại cảm, việc cất bốc hài cốt liệt sĩ Thân diễn ra khá suôn sẻ trong sự hoan hỉ, xúc động của gia đình, anh em, đồng đội. 

Sáng 5/1/2013, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hoài Sơn, Huyện Đội Hoài Nhơn cùng Đảng ủy, UBND xã Hoài Sơn đã long trọng tổ chức Lễ truy điệu Liệt sĩ Đặng Trần Thân, tiễn liệt sĩ Thân trở về quê nhà Hà Nội. Tại buổi lễ xúc động này, ông Nguyễn Phan Hào thay mặt gia đình Liệt sĩ Đặng Trần Thân gửi lời cảm ơn đến Huyện Đội Hoài Nhơn, chính quyền và nhân dân xã Hoài Sơn đã “cưu mang” liệt sĩ Thân suốt 40 năm qua. Sau đó, tại Nghĩa trang Liệt sĩ phường Tây Tựu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã diễn Lễ đón hài cốt và truy điệu Liệt sĩ Đặng Trần Thân.

Ông Đặng Văn Thành (SN 1962, ngụ phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội)- em trai liệt sĩ, cũng là người thờ cúng liệt sĩ Đặng Trần Thân xúc động cho biết: “Gia đình tôi mang ơn anh Nguyễn Phan Hào nhiều lắm, nếu không có anh ấy tận tụy băng rừng tìm về chiến trường xưa thì có lẽ đến giờ anh trai tôi vẫn còn phải nằm lại giữa rừng già”. Còn chị Nguyễn Thị Thư- con gái má Sinh ở Hoài Nhơn, Bình Định thì tấm tắc: “Gia đình tui quý cái tình, cái nghĩa của anh Nguyễn Phan Hào, anh ấy đúng là một hình ảnh tiêu biểu của anh Bộ đội Cụ Hồ, đi dân nhớ, ở dân thương là thế!”.

Đọc thêm