Người trở về từ Gạc Ma và những giọt nước mắt sau hành trình kiếm tìm đồng đội

(PLO) -Ngày 14/3/1988, quân đội Trung Quốc dùng vũ lực tấn công chiếm đóng đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, 64 chiến sĩ anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong những chiến sĩ Gạc Ma trở về ngày ấy có anh Lê Hữu Thảo (Trưởng ban liên lạc Cựu binh Gạc Ma), người cho đến tận bây giờ vẫn nặng lòng với những đồng đội chưa về. 
Anh Lê Hữu Thảo và đồng đội
Anh Lê Hữu Thảo và đồng đội

Chúng tôi bình thản truyền tay nhau lá cờ Tổ quốc…

Với tư cách là một nhân chứng sống và là một lính công binh tham gia trực tiếp vào trận chiến Gạc Ma, anh Thảo đã kể cho chúng tôi nghe về trận chiến lịch sử này: “Lúc đó, tôi mới chỉ 23 tuổi, tôi là tiểu đội trưởng, chỉ huy nhiệm vụ cắm cờ và bảo vệ cờ trên đảo Gạc Ma.

Vào rạng sáng 14/3/1988, tôi cắt cử 2 chiến sĩ xuống tàu mang theo 2 khẩu AK vào đảo để dựng cờ thì bất ngờ chúng tôi bị lính Trung Quốc mang theo vũ khí bao vây. Họ chĩa súng vào phía quân ta và dùng tàu chạy quanh tàu HQ 604 yêu cầu chúng tôi rút lui nhưng chúng tôi vẫn đáp trả rằng đây là lãnh thổ của Việt Nam nên không phải rút đi đâu cả. Chúng tôi vẫn tiếp tục công việc của mình bình thường.

Mặc dù bị lính Trung Quốc đứng cách mình chỉ 1m và chĩa súng vào người sẵn sàng bóp cò nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên chuyền tay nhau lá Quốc kỳ. Và khi lá cờ đến tay người cuối cùng thì tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên, ra lệnh cho quân lính nổ súng.

Những loạt đạn, loạt pháo xả vào quân ta. Nhiều người hy sinh tại chỗ, riêng tôi mà một số đồng đội nữa sau hồi chống cự đành phải lặn sâu xuống nước để tránh đạn. Khi cờ của ta đã bay trên đảo Gạc Ma thì bắt đầu phía Trung Quốc nổ súng và hai bên lao vào đánh nhau.

Cả hai bên đều bị thương và rồi phía bên Trung Quốc bỏ chạy. Tuy nhiên, chạy được khoảng 40-50m thì lính Trung Quốc quay lại nã súng vào quân ta. Chúng tôi có 27 lính chiến đấu, trong khi đó Trung Quốc có đến hàng ngàn lính thủy quân, 3 tàu khu trục và 1 tàu hộ vệ tên lửa. Chúng ta chỉ có tàu vận tải nhỏ không trang bị vũ khí. Bởi vậy mà mình đã mất mát quá nhiều”...

Khi nhắc đến những đồng đội cũ, cựu chiến binh Lê Hữu Thảo không khỏi xúc động: “Chứng kiến cảnh những người bạn, anh em đồng đội của mình hy sinh thì tôi đau đớn vô cùng. Bởi mình là người đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng sẽ hy sinh cho Tổ quốc thì lại không hy sinh, còn những người mặc dù họ cũng vô cùng dũng cảm và không ngại hy sinh nhưng trong trận chiến này họ không hề nghĩ tới việc đó thì họ lại phải nằm xuống”.

Không nguôi đi tìm đồng đội

Sau sự kiện Gạc Ma, anh Lê Hữu Thảo cùng những người sống sót được đón về đất liền và được ưu tiên đi xuất khẩu lao động tại Cộng hòa Dân chủ Đức. Tại xứ người, anh được bố trí vào làm việc ở một nhà máy bê tông nhưng chỉ được nửa năm, do không thích nghi được nên anh trở về quê hương quyết chí làm ăn.

Tuy nhiên, ngày trở về, anh Thảo đón nhận nỗi phụ rẫy khi người vợ bao năm gắn bó đã bỏ anh để đi theo người đàn ông khác. Đứa con nhỏ của anh cũng theo mẹ về quê ngoại ở một tỉnh xứ Bắc. Từ đó đến nay, anh Lê Hữu Thảo sống cuộc sống bần hàn, đơn chiếc và gần như bị lãng quên.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng anh Thảo vẫn đau đáu với hành trình đi tìm thân nhân liệt sỹ và đồng đội của mình trên chuyến tàu định mệnh. Đó như một “liều thuốc” giúp anh tìm bình yên trong cuộc sống, báo đáp nghĩa tình đồng đội sau trận hải chiến năm ấy.

Và từ năm 2013 đến nay, nhờ một nhóm phóng viên và bạn bè trên mạng xã hội, anh đã tìm được và vào Quảng Bình thăm gia đình liệt sỹ Trần Văn Phương (Quảng Phúc, Quảng Trạch, Quảng Bình).

Trung úy Phương chính là người bị lính Trung Quốc bắn đầu tiên khi đang cầm giữ và bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Anh Thảo cùng các đồng đội còn sống sót đã đưa thi thể anh Phương và những người bị thương khác lên xuồng, chèo về phía đảo Cô Lin và được tàu HQ 505 cứu.

Sau đó, anh cùng một đồng đội nữa đã canh giữ thi thể của anh Phương trên đảo suốt đêm. Đêm đó, họ cũng quyết định tháo chiếc nhẫn trên tay liệt sỹ Phương để đưa về cho gia đình.

Anh cho biết, lúc tới gia đình anh Phương, được tự tay mình thắp nén hương trên nấm mộ của người đồng đội, anh đã vô cùng xúc động. “Tôi cảm thấy mình như đang sống lại thời khắc lịch sử đau thương ấy…một cảm giác mơ hồ, mông lung, rất xúc động. Chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc…”, anh bùi ngùi nhớ lại.

Sau khi báo chí đăng về cuộc viếng thăm ý nghĩa của anh, đã có thêm rất nhiều người kết nối để cho anh thêm thông tin về các gia đình liệt sỹ, chiến sỹ trận Gạc Ma. Anh Thảo kể, “Khi có được những thông tin quý giá mà mình mong mỏi bấy lâu nay, tôi đã đi bằng xe máy, đội mưa đội nắng đến thăm các gia đình bằng được. Thời điểm đó, tôi đã đến được 8 gia đình liệt sỹ ở Nghệ An và một số trường hợp khác”.

Sau đó, anh cũng lần lượt tìm được gia đình của ba liệt sỹ đã hi sinh trên địa bàn Hà Tĩnh: Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành (xã Phương Điền, Hương Khê), Nguyễn Thanh Hải (Sơn Kim, Hương Sơn), Đào Kim Cương (Vượng Lộc, Can Lộc). Ngoài việc tìm đến thăm hỏi gia đình các liệt sỹ, anh cũng tìm cách liên lạc và tới thăm những người còn sống sót trở về.

Ngoài ra, qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội, anh cũng đã tìm gặp được 9 người lính công binh và hải đồ đã từng bị lính Trung Quốc bắt giữ làm tù binh trong trận chiến năm đó. Đa phần những người từng là tù binh đều là người Quảng Bình (5 người Quảng Bình, 1 người Đà Nẵng, 1 người Quy Nhơn, 1 người Thanh Hóa và một người ở Nam Định).

Đặc biệt nhất, anh tìm được gia đình anh Nguyễn Văn Thống (thương binh ¼, Quảng Bình), là lính công binh đã bị Trung Quốc bắt giam 3 năm, 9 tháng mới thả.

Anh cho biết, đến nay anh và các đồng đội của mình đã tìm kiếm được thân nhân của 50 gia đình liệt sỹ (trên tổng số 64 liệt sỹ), và chỉ còn vài trường hợp các đồng đội còn sống sót năm ấy là chưa liên hệ được.

Vĩ thanh

Suốt nhiều năm long đong, chạy ăn từng bữa nhưng anh vẫn mải miết đi tìm đồng đội. Vượt qua những tháng ngày khó khăn đó, điều khiến anh Lê Hữu Thảo và các đồng đội, thân nhân liệt sĩ Gạc Ma vui mừng hơn cả trong ngày gặp lại, họ cùng chúc phúc cho anh có được tổ ấm mới hạnh phúc. Anh Thảo vui mừng chia sẻ, vợ anh là một cô giáo tiểu học, quê xóm Yên Giang, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Chia tay chúng tôi, cựu binh Lê Hữu Thảo vui mừng chia sẻ về cuốn hồi ký về trận chiến Gạc Ma năm 1988 của anh đã được hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chuyển thể thành phim: “Cuốn hồi ký này như một món quà dành cho những người còn sống và tưởng nhớ những người đã anh dũng hy sinh để giữ gìn biển đảo quê hương”.

Vâng, 28 năm đã trôi qua, nhưng mãi mãi chúng ta ghi nhớ và biết ơn 64 liệt sỹ đã ngã xuống, biết ơn những người lính đã xả thân bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của Tổ quốc. Dù có thiệt thòi, có mất mát, nhưng anh Lê Hữu Thảo cũng như đồng đội mình luôn khẳng khái và tự hào “Dù có hy sinh, có thiệt thòi, đó cũng là vì Tổ quốc mình và bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên dải đất này”…

Đọc thêm