Nguyên nhân nào khiến giám đốc doanh nghiệp ở Hậu Giang coi thường pháp luật?

(PLO) - Một giám đốc doanh nghiệp ở Hậu Giang bị bắt vì hành vi chiếm đoạt tiền ngân hàng. Anh ta thản nhiên xé tờ biên bản tống đạt lệnh khởi tố bị can, không ký vào bất cứ biên bản gì với nụ cười luôn ởngạo nghễ trên môi, kể cả lúc đã bị tra tay vào còng. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Chẳng có điều luật cụ thể nào chế tài hành vi này cả, song cái thái độ coi thường những người thực thi pháp luật đến như vậy khiến người ta đặt câu hỏi về sự nghiêm cẩn, nghiêm minh trong lĩnh vực thực thi pháp luật.

Về hành vi dẫn tới việc anh này bị khởi tố dường như các căn cứ đã rất rõ ràng. Lấy danh nghĩa doanh nghiệp phục vụ nông sản, lợi dụng chính sách cho vay 0% lãi suất để rút tiền ngân hàng rồi lại cho ngân hàng vay lại để hưởng lãi suất hưởng lợi từ việc này đến 60 tỷ đồng và mới “khắc phục” được 2 tỷ.

Cũng cần nêu rõ nguyên nhân khiến vị giám đốc trẻ tuổi “cười ngạo nghễ” khi bước vào vòng lao lý này là ngân hàng đã cho vay sai đối tượng được hưởng lãi suất ưu đãi ngay từ đầu. Nếu như ngân hàng tuân thủ pháp luật, chính sách, thực hiện chức phận của mình một cách nghiêm minh thì làm sao vụ án này có thể xảy ra?!

Mới đây, tại Nghi Lộc (Nghệ An) dân đổ ra đường ngăn xe chở công nhân vào khu công nghiệp làm việc. Lý do đưa ra là họ đã đầu tư làm hàng nghìn nhà trọ nhưng công nhân không thuê ở vì có xe đưa đón tận nhà. Hệ lụy là gây thiệt hại cho công xưởng, công nhân có thể bị mất việc làm. Khu công nghiệp có xe đưa đón công nhân là việc làm tốt nhưng lại làm mất “bát cơm” của dân địa phương nên xảy ra cơ sự.

Giá như ngay từ đầu đã minh bạch chủ trương đưa đón công nhân, không cần nhà trọ và chính quyền địa phương quan tâm đến chuyện này thì đâu đến nỗi. Việc chặn xe công nhân đi làm rõ ràng là sai trái, manh động và những người dân này sẽ phải trả giá bởi hành vi đó, một bản án và con đường lao lý đang chờ họ ở phía trước.

Hành vi của những người dân này là biểu hiện thái độ coi thường pháp luật, lấy số đông “quần chúng tự phát” mà gây áp lực với chính quyền để đạt mong muốn của mình. Lẽ ra, họ sẽ không rơi vào thảm cảnh này nếu như đã đề cập ở trên.

Pháp luật không nghiêm minh, bị xem thường là do sự thực thi pháp luật không đúng với nguyên tắc “ngăn ngừa là chính”.

Dẫn chứng từ những việc rất nhỏ như cảnh sát giao thông lập chốt ở dưới một ngã hai, ngã ba nào đó và xử phạt những phương tiện không bật xi-nhan khi rẽ. Chỉ cần một biển báo trước các ngã rẽ này nhắc nhở mọi người bật xi- nhan thì làm sao họ còn vi phạm được?. Từ việc nhỏ này mà suy ra những cái lớn hơn hé lộ những nguyên nhân của thái độ coi thường pháp luật đang rất phổ biến trong xã hội chúng ta.

Đọc thêm