Nhà nước sẽ định giá sách giáo khoa

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá khi kết luận cuộc họp ngày 1/7 của Ban chỉ đạo.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá sách giáo khoa cao do thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành

Báo cáo tại cuộc họp về giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn bộ sách cũ mà một số ý kiến phản ánh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nguyên nhân là thay đổi cơ chế biên soạn, phát hành. Trước đây, Nhà nước bao cấp một số nội dung trong công tác biên soạn, in ấn, kể cả phát hành, nay thực hiện xã hội hóa thì nhà xuất bản phải trả nhuận bút cho tác giả, khâu đọc thẩm định bản thảo, tập huấn. 

Biên soạn bộ sách theo chương trình giáo dục mới thì số lượng đầu sách tăng hơn. Sách được in màu, chất lượng tốt hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn yêu cầu các nhà xuất bản tiết giảm chi phí sản xuất. 

Qua nhiều lần các nhà xuất bản kê khai giá với Bộ Tài chính thì giá các bộ sách giảm từ 8-18% so với giá bìa kê khai ban đầu. Với những đối tượng an sinh xã hội như đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được cấp phát sách giáo khoa miễn phí. 

Tuy nhiên, với quy định hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo thấy có một số bất cập, vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã có văn bản kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa do Nhà nước định giá. 

Về lâu dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu chỉnh sửa Thông tư 33 về quy trình biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Theo đó, sẽ tách ra “nội dung nào sẽ xã hội hóa, nội dung nào Nhà nước phải bảo trợ, ví dụ như khâu biên soạn sách giáo khoa”.

Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung giá sách giáo khoa, mặt hàng này vào danh mục Nhà nước định giá. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu xem xét chính sách giảm giá hoặc cấp không thu tiền sách giáo khoa đối với học sinh, con hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, những người khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Định hướng điều hành giá một số mặt hàng cụ thể

Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đưa ra định hướng điều hành giá một số mặt hàng cụ thể. Trước hết là xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương trình sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, lưu ý sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá để tránh biến động lớn về giá xăng dầu, đồng thời bảo đảm cân đối nguồn cung trong nước và nhập khẩu xăng dầu để dự trữ phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Kiểm soát chặt chẽ gian lận tại các đơn vị bán lẻ và buôn lậu xăng dầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Đối với mặt hàng điện, không tăng giá điện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chính quyền cơ sở kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về các trường hợp chi phí tiền điện tăng đột biến, hoặc các thủ tục hành chính về cấp điện, thanh toán tiền điện.

Về mặt hàng nước sạch, Thủ tướng đã có chỉ đạo giảm giá nước sạch. Bộ Tài chính cần kiểm tra, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này để góp phần giảm chi phí sinh hoạt của người dân trong bối cảnh khó khăn. Giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xem xét để giảm giá phù hợp.

Về mặt hàng thịt lợn, Thủ tướng đánh giá cao, nhất trí với các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra gồm tái đàn, tăng đàn, nhập lợn sống, xử lý vấn đề giống lợn để bảo đảm tái đàn, quản lý tốt hơn khâu trung gian, kiểm soát chi phí của từng khâu để tiếp tục giảm giá thịt lợn phù hợp. Bộ Công Thương phải chỉ đạo làm tốt khâu lưu thông, phân phối, bán buôn, bán lẻ để góp phần bình ổn giá thịt lợn.

Về giá gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất lúa gạo (khoảng 43,5 triệu tấn thóc năm 2020 và có thể chúng ta đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo). Bộ Tài chính thực hiện ngay việc thu mua dự trữ lúa gạo.

Về giá dịch vụ giáo dục, y tế, hiện nay đời sống và thu nhập của nhiều người lao động và gia đình bị ảnh hưởng khá lớn bởi dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Tài chính nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giá các dịch vụ này phù hợp, vừa góp phần kiểm soát lạm phát, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho hộ nghèo.

Về giá dịch vụ hàng không, vận tải, logistics, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá, không để tăng giá mà phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp có chương trình giảm giá, khuyến mại, kích cầu tiêu dùng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích thích tăng trưởng…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin truyền thông, “phải nói dễ nghe, dễ hiểu để người dân ủng hộ chủ trương”. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành chức năng, các địa phương chủ động thông tin truyền thông về tình hình giá cả thị trường quốc tế, trong nước, chủ trương và chính sách của Đảng, Nhà nước về điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý, độc quyền giá trái quy định.

Đọc thêm