Nhà “siêu mỏng, siêu méo“ tiếp tục là "thách thức" với chính quyền Hà Nội

(PLO) - Dù chính quyền Thủ đô đã không ít lần “tuyên chiến” và nỗ lực thực hiện các giải pháp đồng bộ để đối phó với nhà "siêu mỏng, siêu méo", nhưng đến nay vẫn còn 192 công trình dạng "đặc biệt" này đang thách thức các nhà quản lý đô thị.
Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội
Ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng TP.Hà Nội
"Trong số 50 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" trên tuyến Vành đai I Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, đã thực hiện xong thủ tục hợp khối 20 trường hợp, 7 trường hợp đã ban hành quyết định thu hồi, 3 trường hợp có cạnh đủ điều kiện, UBND thành phố (TP) chấp thuận đề xuất của UBND quận Đống Đa cho phép tồn tại và UBND quận đã cấp giấy phép xây dựng cho 2 trường hợp. Còn 20 trường hợp, UBND quận đang tiếp tục xử lý". 
Thông tin được Sở Xây dựng - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo "Năm trật tự và văn minh đô thị" TP.Hà Nội - công bố tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều qua (25/3) cho thấy, “cuộc chiến” của Thủ đô với nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn đang nóng hổi. 
UBND TP đã có nhiều qui định về những diện tích không được phép xây dựng (như diện tích đất dưới 15m2, có cạnh dưới 3m không được xây dựng thành các công trình độc lập) nhưng hàng loạt công trình nhà "siêu mỏng, siêu méo" vẫn được hình thành hai bên nhiều con đường mới mở, kể cả hai bên con đường "đắt nhất hành tinh". 
Bởi như ông Nguyễn Thế Hùng  - Giám đốc Sở Xây dựng TP - thừa nhận: "Để tồn tại nhà “siêu mỏng, siêu méo” là không chấp nhận được, song đó là hậu quả của quá trình phát triển đô thị do nhiều yếu tố, nên quan trọng là cách ứng xử với hiện tượng này".
“Trăm sự đều tại... buông lỏng quản lý” - đó là một trong những nguyên nhân quan trọng mà ông Nguyễn Thế Hùng chỉ ra để lý giải cho sự hình thành và tồn tại của những công trình "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn Thủ đô. 
Người đứng đầu ngành xây dựng Thủ đô khẳng định: "Rõ ràng là việc chỉ đạo, xử lý các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" của chính quyền địa phương chưa kịp thời. Lãnh đạo TP đã từng nêu rõ, nhìn vào mỗi con đường để đánh giá trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nếu chính quyền buông lỏng quản lý thì phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP".
Tuy nhiên, dẫn ra khó khăn của chính quyền trong việc đối phó với sự hình thành nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, chỉnh trang hai bên đường khi mở đường thì phải có kinh phí thu hồi và phương án sử dụng diện tích thu hồi. Với khả năng kinh tế hiện nay thì chưa làm được. Như tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, trong tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư, kinh phí giải phóng mặt bằng đã là 700 tỷ đồng, chỉ còn 300 tỷ đồng cho việc thi công đường. 
Ông Hùng cho biết, trong số hơn 600 công trình "siêu mỏng, siêu méo", Hà Nội hiện còn 192 công trình vẫn tồn tại, "đều là những trường hợp rất khó khăn, một số công trình xây dựng từ năm 2007 (thời điểm chưa có qui định về các diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng) nên phải có phương án thu hồi, tái định cư cho chủ sở hữu những công trình này". 
Do đó, cùng với quyết tâm xử lý dứt điểm những nhà "siêu mỏng, siêu méo" trong tháng 4 tới, Hà Nội cũng đang áp dụng phương pháp xác định rõ chỉ giới, thu hồi kịp thời các diện tích không đủ điều kiện xây dựng ở hai bên đường, hướng dẫn hợp khối, hợp thửa trước khi làm đường. Nếu không hợp khối, hợp thửa được, Nhà nước sẽ thu hồi diện tích không đủ điều kiện xây dựng để sử dụng vào mục đích công cộng... để không còn nhà “siêu mỏng, siêu méo” trong tương lai.

Đọc thêm