Nháo nhào trước hạn cuối xét tuyển nguyện vọng 1

(PLO) - Đúng 5h chiều ngày 20/8 các trường sẽ khoá sổ nộp hồ sơ, kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1. Như vậy chỉ còn một ngày nữa, thời gian xét tuyển vào đại học chính quy đợt 1 kết thúc. Gánh nặng về tâm lý, tiền bạc suốt cả kì thi đã khiến cho cả thí sinh và phụ huynh kiệt sức, đến thời điểm nước rút này dường như họ phó mặc cho may, rủi. 
Cả thí sinh và phụ huynh đều lo lắng trước hạn cuối xét tuyển. (Ảnh minh họa)
Cả thí sinh và phụ huynh đều lo lắng trước hạn cuối xét tuyển.
(Ảnh minh họa)  
Phó mặc cho may, rủi
Trước khi bước vào giai đoạn nước rút xét tuyển nguyện vọng 1 (NV1), nhiều chuyên gia giáo dục đã khuyến cáo tình trạng thí sinh “ém hồ sơ” rồi “chạy nước rút” để rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng, rất dễ dẫn đến tình trạng quá tải. Và thực tế đã xảy ra…
Sáng qua, tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trong cái nắng của Hà Nội như rang nhưng lượng thí sinh và người nhà đổ về sân trường nơi tiếp nhận và trả hồ sơ đăng ký dự thi ĐH ngày càng đông. Nhưng có lẽ câu hỏi mà cho đến giờ không cán bộ trường nào có thể trả lời được đó là điểm chuẩn vào trường, vào ngành cụ thể như thế nào? 
Sáng 18/8 thí sinh Nguyễn Văn Kiên (Thanh Oai, Hà Nội) được 21 điểm khối A. cùng bố đến Học viện nộp hồ sơ. Kiên đăng ký hai ngành: Công nghệ thông tin và Kỹ thuật điện tử. Kiên cho biết cũng chưa nộp vào trường nào, giờ mới mang hồ sơ đi nộp và cũng chỉ dự định nộp tại Học viện. 
Ngược với Kiên là Lê Thị Bích Huyền đến từ Thanh Hóa. Huyền được 23,5 điểm, mấy hôm trước Huyền nộp hồ sơ tại ĐH Kinh tế Quốc dân ngành Kế toán nhưng đến ngày 17/8 Huyền bị bật ra khỏi ngưỡng an toàn, em quyết định rút hồ sơ về nộp tại Học viện…  
Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ thí sinh đang tìm cho mình một suất vào ĐH tại các trường phía Nam nên quyết định rút hồ sơ ra để nộp vào một trường ĐH tại  TP.HCM qua hệ thống của điều chỉnh nguyện vọng tại Sở GD-ĐT Hà Nội. Theo nhận định của nhiều thí sinh, điểm chuẩn khu vực phía Nam thường thấp hơn phía Bắc nên thí sinh có điều kiện sẽ tìm cơ hội ở đó. 
Nhiều thí sinh điểm cao cũng chưa chắc đã biết mình đỗ hay không. Khoa Bác sĩ đa khoa ĐH Y Hà Nội có 528 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên. Trong khi đó, chỉ tiêu ngành này là 500, đó còn chưa kể số thí sinh được tuyển thẳng, nên rất có thể 27 điểm vẫn chưa chắc đã đậu ngành này. Tuy nhiên, với mức điểm 27 thí sinh hoàn toàn có cơ hội học ngành khác tại ĐH Y Hà Nội. 
Một phụ huynh chia sẻ: “Kiểu tuyển sinh thế này ăn ở, đi lại, cả họ hàng đều lo lắng. Tôi thấy quá sức mệt mỏi vì tốn kém về tiền bạc, sức lực và thời gian bởi kiểu thi này. Cả phụ huynh học sinh đều nhốn nháo, lo lắng chạy ngược, chạy xuôi nghe ngóng... thông tin. Từ khi con đi thi đến giờ sụt gần 4 ký, mà chưa biết có hy vọng hay không?”.
Không trường nào chắc đủ chỉ tiêu nguyện vọng 1 
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM còn có điều trăn trở khác trong đợt xét tuyển này: “Điều mà hiện nay trường tôi lo lắng nhất là sự mất cân đối giữa số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển và chỉ tiêu tuyển. Vì nếu chênh lệch này quá lớn sẽ dẫn đến việc rất nhiều thí sinh không trúng tuyển được”. Thực tế, năm nay hàng loạt trường có tiếng cũng chỉ chọn ngưỡng điểm xét tuyển NV1 bằng điểm sàn của Bộ là 15 điểm. 
Nghịch lý là, những trường này các năm trước, điểm trúng tuyển luôn cao hơn điểm xét tuyển. Bởi vì, các trường xác định điểm xét tuyển phù hợp hay ngưỡng điểm thấp hơn để dễ tuyển, không sợ thiếu nguồn tuyển. Thực tế, với cách xét tuyển hiện nay không trường nào chắc sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay NV1. Điều này đồng nghĩa với việc thiệt thòi thuộc về người học. 
Trường xét điểm từ cao xuống đến khi nào đủ chỉ tiêu. Số thí sinh còn lại dù đạt điểm trên sàn xét tuyển cũng phải rớt ra, phải tìm cơ hội ở NV bổ sung. Nhiều người cho rằng, cách tuyển sinh năm nay được các trường ví như chơi “xổ số” và không ít trường đã đẩy cái khó về cho thí sinh.  
Có thể thấy, ở tất cả các khâu của kỳ thi đều đã nảy sinh nhiều bất cập cần phải điều chỉnh… Về kỳ thi THPT quốc gia, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thẳng thắn cho rằng: “Đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2015 này từ khâu nội dung thi, tổ chức thi, tổ chức tuyển sinh, tôi thấy rằng vẫn còn nhiều điều bất ổn, cần điều chỉnh. 
Năm nay tổ chức một kỳ thi được rồi, tuy nhiên chúng ta phải xác định lại đây không phải là kỳ thi “2 trong 1” mà nên tách biệt ra coi đó là kỳ thi phổ thông (đánh giá 12 năm học phổ thông). Thi xong có thể giao kết quả đó cho ĐH, CĐ để họ tự tuyển. Các trường ĐH dựa trên kết quả đó, họ có thể tiến hành kiểm tra thêm kiến thức để tuyển đúng thí sinh cho từng ngành nghề đào tạo. 
Để đảm bảo chất lượng đào tạo ĐH, CĐ thì ngay từ cấp 2 chúng ta phải làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh để các em có thể chọn đúng ngành học yêu thích. Bất cập lớn nữa của kỳ thi này là học sinh chỉ phải thi 4 môn, như vậy là các em sẽ học lệch từ lớp 10 và nếu kiến thức phổ thông bị lệch thì ra đời nó ứng xử ra làm sao? Với đổi mới tuyển sinh như vậy thì không rõ chất lượng đầu vào năm nay của của các trường không biết như thế nào?”. 
Điểm chuẩn dự kiến một số trường
Tại ĐH Bách khoa, ngành Kỹ thuật cơ điện tử phổ điểm an toàn từ 8.39 đến 9.79 (môn Toán nhân hệ số 2 rồi tính trung bình môn); còn ngành Kỹ thuật điện, điện tử phổ điểm từ 8.47 đến 10.43. Các ngành khác cũng có phổ điểm an toàn khá cao, thấp nhất là từ 7.08 trở lên. Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, điểm chuẩn ĐH các ngành dự kiến phải từ 19 đến 23 điểm. Theo PGS. TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, với ngành Công nghệ thông tin, 23 điểm vẫn chưa chắc đã nằm trong vùng an toàn.

Đọc thêm