Nhật Bản tăng cường hợp tác thúc đẩy ĐBSCL phát triển

(PLO) - Trong 2 ngày 18 và 19/4, tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản và UBND TP Cần Thơ tổ chức. 
Hội nghị là dịp để các địa phương trong khu vực ĐBSCL có điều kiện thúc đẩy hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản
Hội nghị là dịp để các địa phương trong khu vực ĐBSCL có điều kiện thúc đẩy hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản

“Cầu nối” phát triển kinh tế, xã hội

Hội nghị có sự tham dự của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng lãnh đạo, sở, ban ngành các tỉnh khu vực ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học về nhiều lĩnh vực. Hội nghị được chia ra thành 3 phiên, bàn bạc thảo luận về vấn đề hợp tác giữa Nhật Bản và các tỉnh khu vực ĐBSCL trong nhiều lĩnh vực: Hạ tầng giao thông, Y tế và Biến đổi khí hậu; Giao lưu Văn hóa - Du lịch và Giáo dục - Đào tạo - Hợp tác nguồn nhân lực; Nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao sự hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam. Đồng thời kỳ vọng sự hợp tác và phát triển giữa hai nước sẽ đem đến nhiều kết quả tốt đẹp hơn cho người dân. Và Hội nghị này là điều kiện thuận lợi để hai bên gặp gỡ, có những trao đổi thiết thực thúc đẩy sự hợp tác phát triển hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio cho biết, giữa Nhật Bản và Việt Nam có hơn 50 biên bản ghi nhớ và hiệp định đã được ký. Trong đó, có 14 văn kiện hợp tác vừa được ký kết trong vòng 1 năm trở lại đây, bao gồm 6 văn bản hợp tác có liên quan đến khu vực ĐBSCL. Qua đó có thể thấy rằng mối quan tâm của các tỉnh, thành địa phương Nhật Bản đang hướng dần về khu vực ĐBSCL. Theo khảo sát gần đây nhất của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), mong muốn đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục ở mức cao và có rất nhiều khách du lịch quan tâm đến Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu để đầu tư vào khu vực ĐBSCL nhưng lượng thông tin chính thống cần thiết về khu vực này khá ít. Để tăng cường công tác thu hút đầu tư nước ngoài đặc biệt là các đối tác Nhật Bản, TP Cần Thơ định kỳ hàng năm đã chủ động, tích cực phối hợp tổ chức các Chương trình Giao lưu Văn hóa Thương mại Việt Nam – Nhật Bản.

Hội nghị lần này là dịp để Cần Thơ và tất cả các địa phương trong khu vực ĐBSCL có thể thúc đẩy hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản; cũng là dịp để các đối tác Nhật Bản tìm hiểu, đầu tư vào ĐBSCL đang rất giàu tiềm năng để phát triển lâu dài”, ông Thống khẳng định.

Đầu tư phát triển về mọi mặt

Trong thời gian qua, giữa Nhật Bản và các tỉnh ĐBSCL đã có những dự án hợp tác đầu tư nhất định, góp phần phát triển về mọi mặt ở các địa phương. 

Nói về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cho biết, việc đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ Chính phủ quan tâm và sự đầu tư Nhật Bản mà tỉnh đã từng bước có cơ sở hạ tầng giao thông kết nối được nhiều địa phương trong vùng. Điển hình là dự án Cầu Đại Ngãi. Chính phủ đã nhất trí đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn ODA Nhật Bản. Điều này sẽ góp phần giải quyết nhiều khó khăn của Sóc Trăng và các tỉnh lân cận. Rút ngắn hành trình từ các địa phương Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau đi TP Hồ Chí Minh; Giảm chi phí vận chuyển hàng hóa nông sản địa phương. Đồng thời giảm áp lực giao thông trên tuyến quốc lộ 1. 

Bàn về sự hợp tác về giáo dục giữa Vĩnh Long và Nhật Bản, ông Phạm Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngành Giáo dục Vĩnh Long đã liên kết đưa du học sinh sang học tại nhiều trường đại học ở Nhật Bản. Tuy nhiên, con số này còn hạn chế so với tiềm năng và sự kỳ vọng của tỉnh.

Đồng thời, ông Hồng chia sẻ, công tác này cũng gặp rất nhiều khó khăn và hạn chế, thông tin từ các trường đại học tại Nhật Bản còn chưa đến được với học sinh ở các quận, huyện xa xôi. “Địa phương đang thực hiện tuyên truyền vận động trong học sinh để thực hiện liên kết đào tạo, đưa học sinh du học Nhật Bản. Mong phía Nhật Bản sẽ tạo tiếp tục tạo điều kiện cầu nối giữa 2 bên”.

PGS.TS. Võ Ngọc Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho biết, hiện nay giao thương văn hóa Việt Nam - Nhật Bản phát triển mạnh mẽ đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn tiếp nhận kỹ thuật mới, hiện đại từ phía Nhật Bản. Trường Đại học Tiền Giang với sứ mạng đào tạo nhân lực trong thời gian qua cũng có sự hợp tác với phía Nhật Bản để nâng cao chất lượng và trình độ cho sinh viên.

Thông qua sự hợp tác với Nhật Bản, trường đã đào tạo chính quy cho 600 sinh viên, có 100 sinh viên đã được chính thức tuyển dụng. Trong đó, 54 sinh viên đã xuất cảng sang Nhật. “Với kết quả này khẳng định sự hợp tác đúng hướng, mang lại hiệu quả cho sinh viên, nâng cao trình độ. Sau khi về nước các em có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, chuyên nghiệp, định hướng phát triển tương lai vững chắc. Hy vọng trong thời gian tới phía Nhật bản sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi tăng cường hợp tác với trường”, ông Hà chia sẻ.

Về vấn đề này, phía Nhật Bản cũng hoàn toàn nhất trí và hứa hẹn sẽ tạo nhiều điều kiện để cùng với các trường ở ĐBSCL hợp tác và đẩy mạnh về giáo dục, đặc biệt là công tác đưa du học sinh sang Nhật, liên kết đào tạo và tuyển dụng sau khi đào tạo.

Tại Hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa: Cục Ngoại vụ và các công ty hàng không Vietnam Airlines, Jetstar; giữa Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Hagihara (Nhật Bản); giữa Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang và Công ty Daimasa Engineering (Nhật Bản); giữa Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản thành phố Cần Thơ và Hội Hữu nghị Sakai - Việt Nam. 

Đọc thêm