Nhật chuẩn bị gì cho cuộc “đối đầu” trên biển với Trung Quốc?

(PLO) - Không chỉ sửa đổi Hiến pháp chủ hòa, hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là Hải quân để sẵn sàng cho những trận hải chiến, ông Abe đã đi thăm hầu hết các nước láng giềng châu Á và gần đây là chuyến viếng thăm đồng minh lớn Hoa Kỳ. Tokyo đã sẵn lòng chia sẻ gánh nặng “xoay trục” sang châu Á của Washington?
Tàu Nhật tuần tra vùng biển
Tàu Nhật tuần tra vùng biển
Trò chơi rượt đuổi trên biển Hoa Đông
Cuối năm ngoái, phóng viên Le Figaro đã có dịp đi theo chiến hạm Kabira hiện đại của lực lượng tuần duyên Nhật, trên vùng biển Senkaku/Điếu Ngư. 
Takuya Fukumoto, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là thường xuyên triển khai nhiều tàu hơn phía Trung Quốc. Nếu số lượng ít hơn, chúng tôi sẽ bị bắt nạt”. Bắc Kinh có khả năng gửi đi năm tàu chiến liên tiếp, nên Tokyo đành cho sáu chiến hạm đi tuần tiễu trong vùng này và đến năm 2016 cảng Ishigaki nhỏ bé sẽ nhận thêm mười chiếc tàu mới tinh nữa.
Fukumoto thổ lộ: “Khi một tàu Trung Quốc tiến gần, chúng tôi sẽ cắt ngang lộ trình để xua nó ra ngoài. Chúng tôi cố tránh các vụ va chạm, giữ khoảng cách hơn 10m. Nhưng cũng có khi đụng phải nhau”. 
Một trò chơi rượt đuổi ngoài khơi đầy nguy hiểm, dựa trên chiến thuật bao vây và chạy vòng vòng tránh né. Tuần duyên Nhật dùng radio và loa phóng thanh để ra lệnh cho kẻ xâm nhập phải bỏ đi, nhưng chưa bao giờ có một cuộc đối thoại. Tàu Trung Quốc “không trả lời, khẳng định rằng họ thực thi chủ quyền của mình”.
Từ khi Tokyo quốc hữu hóa 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tháng 8/2012, các vụ tàu Trung Quốc xâm nhập đã bùng nổ. Năm 2014, tuần duyên Nhật đã phải ra tay xua đuổi 208 lần.
Năm 2013, tuần duyên Nhật dùng biện pháp xịt vòi rồng, hoặc kẹp hai đầu để chặn các tàu của những nhà hoạt động Đài Loan – cũng đòi hỏi chủ quyền tại đây. Nhưng Nhật không thể đùa với lửa trước Trung Quốc. Narushige Michishita, giáo sư Viện nghiên cứu chính trị Tokyo nói: “Không thể biết được Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào, sợ rằng có nguy cơ leo thang “.
Sĩ quan lực lượng tuần duyên Nhật
 Sĩ quan lực lượng tuần duyên Nhật
Nhật hiện đại hóa lực lượng hải chiến
Vào cuối tháng 4/2015, một nhóm phóng viên Pháp đã được mời lên tham quan tàu chở trực thăng Izumo, chiến hạm lớn nhất được Nhật đóng từ sau Đệ nhị Thế chiến. 
Về mặt chính thức, chiếc Izumo chỉ nhằm phòng vệ vùng biển xung quanh, bảo vệ hòa bình khu vực, cứu hộ thường dân. Tàu có bảy chiếc trực thăng, nhưng hangar có thể chứa gấp bốn lần và các chuyên gia ước lượng Izumo có thể là nơi cho các phi cơ tiêm kích F-35B cất cánh thẳng đứng. 
Hải quân Nhật cho biết tàu không thể chở theo các xe bọc thép, nhưng theo quan sát của các nhà báo, Izumo có khả năng mang theo các quân xa chở hỏa tiễn Patriot. Sĩ quan phụ trách thông tin khẳng định không có bệnh viện trên tàu, nhưng các phòng phẫu thuật và các phòng khám rộng rãi thì rất sẵn. Izumo là biểu tượng hoàn hảo cho chính sách tái vũ trang của Nhật. Với 1.000 lính thủy, chiến hạm Izumo có thể tham gia tác chiến với hạm đội Mỹ hoặc trong khu vực.
Cho dù mang danh là Lực lượng phòng vệ, quân đội Nhật Bản là đội quân mạnh thứ nhì trong khu vực châu Á và đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Riêng Hải quân Nhật xếp thứ tư thế giới với 124 chiến hạm, phân biệt với các binh chủng khác bằng lá cờ Hải quân Hoàng gia xưa kia.
Chuẩn Đô đốc Umio Otsuka, Tư lệnh Hải quân mô tả mối đe dọa từ Nga chỉ “tương đối”, nhưng nêu ra một “biển Hoa Đông sôi sục”. Phương tiện của Nhật ? Đội tàu cảnh giới, chiến hạm đổ bộ liên quân, hệ thống chống tên lửa, và dự kiến số tàu ngầm từ 16 sẽ tăng lên 22 vào năm 2025. Djibouti, căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài vừa được tăng cường một ban tham mưu và các phi cơ tiếp liệu, phi cơ vận tải.
“Tuần trăng mật” Abe & Obama 
Trong bối cảnh đó, chính sách “xoay trục” sang châu Á của Mỹ đã được diễn dịch khá cụ thể. 
Chuyến viếng thăm Washington của ông Shinzo Abe từ ngày 28 - 30/04/2015, đã tô đậm việc củng cố liên minh Mỹ - Nhật, đánh dấu bằng việc mở rộng vai trò quân sự của Tokyo trên trường quốc tế, mà phía Nhật gọi là “chính sách hòa bình tích cực”.
Trong cuôc họp báo tại “vườn thượng uyển” của Nhà Trắng hôm 28/04/2015, ông Barack Obama đã ca ngợi vai trò tích cực của “người bạn Shinzo”. 
“Trong bảy thập kỷ qua, hai nước chúng ta không chỉ đã trở thành đồng minh mà còn là đối tác và bạn hữu thực sự”, Tổng thống Obama nhấn mạnh như trên. Tuyên bố rằng việc tái khẳng định “liên minh không gì lay chuyển nổi” với Tokyo không thể được coi là “một sự khiêu khích” Bắc Kinh. Nhưng Tổng thống Mỹ cũng nhắc nhở, hiệp ước quốc phòng Mỹ - Nhật có giá trị cả ở quần đảo Senkaku.
Ông nhấn mạnh, Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng chia sẻ mối quan ngại trước các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, tái khẳng định sự quan tâm trước vấn đề tự do hàng hải, tôn trọng công pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình. Theo ông Obama: “Nếu chúng ta không đưa ra các quy định, thì Trung Quốc sẽ làm điều ấy”.
Chiến lược riêng của Mỹ và Nhật
Trước tham vọng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, các đồng minh và bạn hữu của Mỹ đều hy vọng Hoa Kỳ thực tâm muốn “xoay trục” sang châu Á. Họ nỗ lực lôi kéo sự chú ý của Washington về phía châu Á - Thái Bình Dương.
Việc Tokyo tham gia các chiến dịch chống hải tặc ở Vịnh Aden, có mặt trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại cao nguyên Golan và Nam Soudan đều mang lại tác động tích cực. Đó là vì những nỗ lực này giúp giảm nhẹ gánh nặng của Mỹ tại Trung Đông, để có thể tập trung hơn vào châu Á. 
Một điều trớ trêu là các đồng minh của Washington lại phải quan tâm hơn đến vấn đề an ninh ngoài châu lục này, để Hoa Kỳ có thể duy trì sự hiện diện tại Á châu.
Theo nhà phân tích Noboru Yamaguchi, nếu có sự hợp tác tốt đẹp của các đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc, tham gia vào các hoạt động quốc tế giữ gìn hòa bình, thì Hoa Kỳ có thể rảnh tay hơn để chú tâm vào châu lục năng động này. Sự trỗi dậy của Trung Quốc, một yếu tố mang tính quyết định trong việc vẽ lại bản đồ an ninh khu vực, cũng tùy thuộc vào thái độ của Mỹ và các đồng minh.
Trong một bài viết trên tạp chí Global Asia, tác giả Yamaguchi khẳng định: Nếu Mỹ quyết tâm hiện diện tại châu Á, với việc duy trì lực lượng quân sự hùng hậu, và nếu các quốc gia trong khu vực biết liên minh chặt chẽ với nhau, thì Trung Quốc sẽ không dám làm mưa làm gió. Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn trong việc sử dụng vũ lực, và có thể sẽ biết tỏ ra cởi mở, hợp tác hơn.
Tàu Mỹ và tàu Nhật trên biển
Tàu Mỹ và tàu Nhật trên biển 
Về phía Nhật, Nhà báo Jean-François Heimburger trên tạp chí Quốc phòng Pháp nêu ra những đường lối chủ đạo trong chính sách quốc phòng Nhật: ưu tiên tăng cường an ninh quanh Senkaku/Điếu Ngư, duy trì liên minh với Mỹ và giữ ổn định khu vực.
Ông Shinzo Abe đã viếng thăm chính thức nhiều nước Nam Á và Đông Nam Á trong hai năm 2013 và 2014. Bên cạnh viễn tượng kinh tế, ông còn tranh thủ đề cập đến các vấn đề chiến lược, trong khuôn khổ chính sách “chuỗi kim cương an ninh” (Nhật Bản, Hawai, Ấn Độ, Úc), nhằm bảo vệ vùng biển trải dài từ Tây Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương. Tokyo cũng ủng hộ sáng kiến thành lập một tổ chức về an ninh của ASEAN.
Hai nhà nghiên cứu Edouard Pflimlin và Yann Rozec phân tích, ngoài người bạn lớn Hoa Kỳ, các đối tác quan trọng của Nhật có thể kể: Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, Nga và ASEAN.
Nhật Bản và Hàn Quốc có lực lượng Hải quân gần như tương đồng. Úc dù ở xa hơn nhưng thường tập trận chung với Nhật - Mỹ, và các tàu ngầm do Nhật sản xuất có kỹ thuật cao, thích hợp với nhu cầu hoạt động trên đại dương của Úc.
 Ấn Độ, quốc gia nằm ở trung tâm các tuyến đường nối Nhật với Trung Đông và châu Phi, thì đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản từ năm 2000. Nhật - Ấn cũng đã tập trận Hải quân chung ở vịnh Sagami năm 2012. 
Nga là “đồng minh” bất ngờ nhất: Dù tranh chấp quần đảo Kouril nhưng từ cuối 2013 đã thỏa thuận tập trận Hải quân với Nhật chống khủng bố và hải tặc. Cuối cùng, Tokyo siết chặt thêm mối quan hệ với ASEAN vốn có cùng mối quan ngại trước Bắc Kinh. 
Có nhận định, chính sách phát triển đối tác chiến lược của Nhật không tạo nên một liên minh cổ điển, mà là một phức hợp đa dạng, với mục tiêu cuối cùng là kiến tạo một mặt trận chung, đối đầu với Trung Quốc, mà theo cách gọi của nhà nghiên cứu Céline Pajon của Viện IFRI, đó là một kiểu “liên minh các quốc gia ven biển”. Và như vậy, chưa hết bực tức trước việc Hoa Kỳ khẳng định vai trò “cường quốc châu Á-Thái Bình Dương” để ngáng chân ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh vẫn coi như ao nhà của mình, nay nếu lực lượng Hải quân Nhật không còn tự giới hạn ở Biển Hoa Đông, “giấc mơ Trung Hoa” có vẻ còn gặp nhiều trắc trở trong thời gian tới./.

Đọc thêm