Nhật thông qua dự luật an ninh mới: Bước ngoặt lớn về chính sách an ninh

(PLO) - Ngày 19/9/2015, với 148 phiếu thuận và 90 phiếu chống, Quốc hội Nhật đã thông qua dự luật an ninh mới nhằm mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài, đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật thời hậu chiến, cho phép binh sĩ nước này tham chiến ở nước ngoài lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới II.
Dự luật an ninh mới được thông qua trong phiên họp toàn thể của Thượng viện Nhật sau khi các nghị sĩ đối lập chấm dứt nỗ lực ngăn chặn giai đoạn bỏ phiếu cuối cùng này. 
Các Nghị sĩ tại Thượng viện Nhật Bản hoan nghênh việc dự luật an ninh được thông qua. Ảnh AP
Các Nghị sĩ tại Thượng viện Nhật Bản hoan nghênh việc dự luật an ninh được thông qua. Ảnh AP  
Thắng lợi của 
Thủ tướng Abe
Với mục đích mở rộng vai trò của SDF ở nước ngoài nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ, luật an ninh mới cho phép Nhật thực thi, một cách hạn chế, quyền phòng thủ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác nếu bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật không bị tấn công. 
Theo đó, Nhật có quyền đánh chặn tên lửa bay qua lãnh thổ và nhằm vào Mỹ, thay vì chỉ bắn hạ tên lửa nhằm vào Nhật. Và, nếu tàu chiến Mỹ bị tấn công, quân đội Nhật cũng có quyền hỗ trợ. Thậm chí, Nhật còn có thể đưa công binh làm nhiệm vụ rà phá mìn tại các vùng biển ở Trung Đông. Dự luật mới cũng cho phép SDF hỗ trợ hậu cần cho các quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.
Trong bối cảnh đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh mới, đối tác trong liên minh cầm quyền hiện đang kiểm soát đa số ghế tại Quốc hội, việc cả hai viện trong Quốc hội Nhật thông qua dự luật an ninh mới là điều không quá khó. 
Đây là một trong những thắng lợi vô cùng quan trọng đối với Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe và liên minh cầm quyền giữa lúc uy tín của ông đang bị sụt giảm nghiêm trọng do những thay đổi về Hiến pháp. Sau khi được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ có hiệu lực từ ngày 27/9 tới, thời điểm kết thúc kỳ họp Quốc hội kéo dài.
Vẫn nhiều… phản ứng trái chiều
Thế nhưng, dự luật vừa được Quốc hội Nhật thông qua đang gây nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận đất nước Mặt trời mọc cũng như trong khu vực. Những người ủng hộ cho rằng, môi trường an ninh xung quanh Nhật ngày càng trở nên nguy hiểm hơn với một Triều Tiên liên tiếp có các vụ thử tên lửa và một Trung Quốc đang có những động thái đe dọa chủ quyền của Nhật trên các đảo còn tranh chấp. 
Vì thế, quân đội Nhật được trao quyền chủ động hơn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia là cần thiết. Bởi mục tiêu của dự luật mới là cho phép quân đội Nhật hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến. 
Trong tuyên bố đưa ra tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ “hoan nghênh các nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhật nhằm tăng cường quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực và quốc tế”. Lầu Năm Góc cũng ra tuyên bố tương tự. 
Nhưng theo một chuyên gia ở Washington - bà Sheila Smith, thành viên cao cấp về nghiên cứu Nhật tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) -  Mỹ không mong chờ SDF sẽ sử dụng vũ lực ở nước ngoài: “Luật mới được Nhật thông qua sẽ giúp giới lãnh đạo Mỹ hiểu được SDF có thể và không thể làm gì trong trường hợp cứu trợ trong thảm hoạ nhân đạo và các hành động phản ứng với khủng hoảng toàn cầu khác”. 
Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario bày tỏ vui mừng trước việc dự luật trên đã được Nhật thông qua bởi có lợi cho Manila: “Philippines hoan nghênh Nghị viện Nhật thông qua luật về an ninh quốc gia. Chúng tôi hướng tới nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Nhật cũng như tìm cách góp phần củng cố hơn nữa mục tiêu chung về xây dựng hoà bình, ổn định và thịnh vượng chung trong cộng đồng quốc tế”.
Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh, luật mới “đánh dấu một động thái chưa từng có của Nhật trong các lĩnh vực an ninh và quân sự sau Chiến tranh thế giới II”. Ông Hồng Lỗi kêu gọi Nhật “chú ý tới những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng”, theo đuổi con đường phát triển hòa bình và hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự, đồng thời nỗ lực giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực. 
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhật duy trì tinh thần của Hiến pháp hòa bình ban hành sau Chiến tranh Thế giới II, đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực; nhấn mạnh lập trường của Seoul là trong trường hợp Nhật thực thi quyền phòng vệ tập thể, “bất cứ vấn đề nào liên quan đến an ninh trên Bán đảo Triều Tiên và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc phải có sự tham vấn và chấp thuận của Seoul”. 
Seoul nhìn nhận động thái trên từ Tokyo một cách thận trọng bởi nó gợi sự liên tưởng đến quá khứ quân phiệt của Nhật và có quan ngại cho rằng quyền lực có thể bị lạm dụng. Lo ngại ngày càng dâng cao về việc Nhật tăng cường tiềm lực quân sự được cho là vì Thủ tướng Shinzo Abe có lập trường không minh bạch về các vấn đề lịch sử và an ninh quốc gia.
Quân đội Nhật nổ súng trong một cuộc tập trận
Quân đội Nhật nổ súng trong một cuộc tập trận 
Lá chắn hay “dao hai lưỡi”?
Về phía dư luận trong nước, dù thừa nhận Nhật đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng những thay đổi an ninh hiện vẫn chưa được người dân nước này đón nhận tích cực. Những người phản đối lo ngại Nhật có thể trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố chống Mỹ cũng như đẩy Nhật dấn sâu vào các cuộc xung đột do Mỹ khởi xướng khiến sa lầy vào các cuộc chiến tranh. 
Ông Tomoaki Iwai, Giáo sư chính trị học thuộc Đại học Nihon cho biết: “Trước sự phản đối mạnh mẽ hơn dự kiến, đang có sự suy đoán ngày càng tăng rằng điều luật mới sẽ khó có thể áp dụng được về mặt chính trị. Sự ủng hộ của người dân với chính quyền của Thủ tướng Abe sẽ giảm, dù chỉ là tạm thời, khi điều luật được ban hành giữa những nghi ngờ về tính hợp hiến của nó”. 
Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của hãng Thông tấn Kyodo News đưa ra ngày 20/9, sự ủng hộ của người dân đối với nội các của ông Abe đã giảm từ 43,2% hồi giữa tháng 8/2015 xuống còn 38,9%, với đa số người được hỏi phản đối dự luật nói trên. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của ông Abe đang phải đối mặt với kỳ bầu cử thượng viện vào năm tới. 
Dù việc thất bại không dẫn tới một sự thay đổi chính phủ thì cũng sẽ là một cú đấm mạnh đối với vị lãnh đạo 60 tuổi này và đảng của ông. Ông Tetsuro Kato, Giáo sư danh dự ĐH Hitotsubashi nhận định: “Chính quyền của ông Abe có thể tồn tại lâu dài song vốn chính trị của ông ta sẽ suy giảm dần”.
Hiến pháp Nhật do quân đội Mỹ thời hậu chiến áp đặt cấm quân đội Nhật được chiến đấu chống nước khác trừ trường hợp tự vệ. Ông Abe đã tìm cách “dịch lại” ý nghĩa của từ “tự vệ” nhằm thúc đẩy thông qua điều luật mới, song đã gây nên một làn sóng phản đối chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Đa số các học giả luật cho rằng những thay đổi là “vi hiến” và đe dọa nền tảng luật pháp. 
Theo Giáo sư Iwai: “Bộ Quốc phòng cần thận trọng khi hành động theo điều luật mới bởi họ là người có thể chứng kiến thương vong”. Lực lượng Phòng vệ Nhật chưa từng nổ súng chiến đấu trong suốt 70 năm qua, song điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào các diễn biến địa chính trị tương lai. “Chính xác khi nào điều luật mới sẽ được áp dụng tùy thuộc vào tình hình quốc tế, nó có thể là năm nay, sang năm hoặc có thể phải nhiều năm nữa”. Ông Kato thì cho rằng trong trường hợp quân đội Nhật có thương vong, “đó sẽ trở thành một vấn đề chính trị nghiêm trọng”.
Những người phản đối điều luật đã tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra tòa và đang tìm kiếm một phán quyết từ tòa án tối cao rằng điều luật này là vi hiến, song giới phân tích cho rằng ít có hy vọng điều luật sẽ bị lật ngược tại tòa. 
Ông Kato nói: “Nhật Bản không có tòa án hiến pháp. Nếu vụ việc được đưa ra xét xử tại tòa án cấp quận thì nó có thể bị bác bỏ ngay từ đầu bởi điều luật này bản thân nó không gây tổn hại rõ ràng cho bất cứ ai. Còn nếu nó được tòa án cấp quận chấp thuận thì cũng phải mất nhiều năm mới có thể có phán quyết từ tòa án tối cao. Tuy nhiên, những người phản đối không thực sự chờ quyết định của tòa án tối cao. Họ đang cố gắng tạo ra những tiền lệ pháp lý ở tòa án cấp quận rằng điều luật trên là vi hiến”.
Theo Giáo sư Iwai, nhằm kéo lại phần nào những ủng hộ đã để mất do điều luật an ninh, ông Abe được cho là sẽ tập trung vào chính sách kinh tế và ngoại giao, bao gồm việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Mikitaka Masuyama, Giáo sư chính trị học Viện Nghiên cứu Chính sách cho rằng ông Abe có thể vượt qua bão tố nếu ông thúc đẩy được nền kinh tế đang lao đao: “Trong số những người phản đối điều luật, có nhiều người không có quan điểm vững vàng về vấn đề này và có thể sớm quay sang tập trung vào các vấn đề đời sống thường nhật. Nếu chính sách thúc đẩy kinh tế của ông Abe thành công, điều đó có thể tác động tới những đối tượng trên. Nếu chính sách thất bại, người ta sẽ lấy điều luật an ninh là lý do để không ủng hộ ông Abe nữa”.
Đài NHK cho biết, bà Tsujimoto Kiyomi - quyền Trưởng ban Chính sách của đảng Dân chủ Nhật, đảng đối lập chính - nói rằng cuộc bỏ phiếu đã hoàn toàn phớt lờ dư luận và các luật mới được thông qua trái với Hiến pháp. Về phần mình, Đảng Cộng sản tuyên bố việc thông qua các dự luật an ninh là hành động phá hoại nền dân chủ và hiến pháp của Nhật.
Sự kiện Quốc hội Nhật thông qua dự luật an ninh mới là thành công lớn của Thủ tướng Shinzo Abe trong quá trình thực hiện kế hoạch nhằm tăng cường sức mạnh quân sự Nhật trong suốt hơn 10 năm qua. Vì thế, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính phủ hiện nay là làm sao để người dân hiểu được dự luật an ninh mới là cần thiết không chỉ với Nhật mà còn với các đồng minh trong bối cảnh an ninh hiện nay.

Đọc thêm