Nhiều chính sách dành cho phụ nữ được cụ thể hóa

(PLVN) - Ngày 15/7, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị đánh giá một năm thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, thực hiện Chỉ thị 21 của Ban Bí thư, các Tỉnh ủy, Thành ủy trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác phụ nữ; lồng ghép các chỉ tiêu về bình đẳng giới và công tác phụ nữ vào các chương trình, kế hoạch của địa phương.

Các chính sách dành cho phụ nữ được cụ thể hóa qua việc xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, chương trình.  Các tỉnh đã vận động xã hội hóa tốt nhất đáp ứng nguồn lực thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ như nước sạch, vệ sinh môi trường, nhà tiêu hợp vệ sinh, nhà trẻ trong khu công nghiệp, khu chế xuất… được quan tâm giải quyết.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị các địa phương phải quan tâm hơn nữa việc đào tạo, bố trí cán bộ nữ giữ các chức vụ, nhất là cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh, thành phố. Việc đưa tỷ lệ nữ tham gia Ban chấp hành lên 15% trong thời gian tới ở khu vực ĐBSCL không phải là khó nhưng làm sao tăng tỷ lệ nữ tham gia được Ban Thường vụ là vấn đề đáng quan tâm. 

Đọc thêm