Nhiều chính sách ưu đãi mới có hiệu lực từ tháng 3/2014

Cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ, hộ nghèo được vay 5 triệu đồng/hộ không tính lãi, Công an đóng BHXH bổ sung được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 3/2014.
Ảnh minh họa từ internet
Ảnh minh họa từ internet

Cá nhân bị chết khi bảo vệ an ninh trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ

Theo Nghị định số 6/2014/NĐ-CP về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thì cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự được xem xét công nhận là liệt sĩ.
Cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự khi áp dụng biện pháp vận động quần chúng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo vệ danh dự, tài sản của các cơ quan, tổ chức; tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của cá nhân trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng.
Đồng thời, thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền thực hiện chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích hoặc bị thiệt hại trong áp dụng biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 8/3/2014.
Công an đóng BHXH bổ sung được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất
Theo Quyết định quy định đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bổ sung để tính hưởng chế độ hưu trí và tử tuất quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật BHXH đối với đối tượng hưởng sinh hoạt phí trong Công an nhân dân giai đoạn từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2006, sau đó chuyển thành người hưởng lương, mức đóng BHXH bổ sung hằng năm = Số đối tượng x mức lương tối thiểu chung từng giai đoạn x tỷ lệ đóng x số tháng đóng.
Tỷ lệ đóng BHXH bổ sung bằng 14% mức lương tối thiểu chung/người/tháng thời gian đóng bổ sung.
Kinh phí đóng BHXH bổ sung vào quỹ BHXH đối với đối tượng quy định nêu trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm.
Quyết định có hiệu lực từ ngày 26/3/2014.
Hộ nghèo được vay 5 triệu đồng/hộ lãi suất 0%
Theo Thông tư liên tịch hướng dẫn lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước cho hộ nghèo để trồng rừng sản xuất.
Hộ nghèo được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% (một lần) trong thời gian 2 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản.
Cơ sở chế biến nông lâm thủy sản đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại ngân hàng thương mại Nhà nước. Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay vốn với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, hỗ trợ hộ nghèo ở thôn bản, vùng giáp biên giới 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực.
Hỗ trợ mỗi huyện nghèo 100 triệu đồng/năm để xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là nông, lâm, thủy đặc sản của địa phương; thông tin thị trường cho nông dân…
Các quy định này được thực hiện từ 28/3/2014.
Nhiều ưu đãi trong giáo dục dành cho người khuyết tật
Theo Thông tư liên tịch quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/3/2014, người khuyết tật thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học tại các cơ sở giáo dục được hưởng học bổng mỗi tháng bằng 80% mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ trong từng thời kỳ.
Người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp được cấp học bổng 10 tháng/năm học; người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách đang học tập tại cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập được cấp học bổng 9 tháng/năm học.
Người khuyết tật thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo đang học tại các cơ sở giáo dục được hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập với mức 1.000.000 đồng/người/năm học.
Bên cạnh đó, người khuyết tật học tại các cơ sở giáo dục được miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.
Giám định tư pháp được bồi dưỡng tối đa 150.000 đồng/ngày
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp có hiệu lực từ ngày 15/3/2014, mức bồi dưỡng giám định tư pháp một ngày công đối với một người thực hiện giám định quy định trên theo ba mức: 500.000 đồng; 300.000 đồng và 150.000 đồng.
Bên cạnh quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công, Quyết định cũng quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc.

Đọc thêm