Nhiều Dự án luật, pháp lệnh... đáp ứng yêu cầu phát triển và mong đợi của người dân

(PLO) - Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đưa ra tại phiên thảo luận của QH về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại phiên thảo luận.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình tại phiên thảo luận.

Nhiều điểm nhấn về hoạt động lập pháp

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng việc lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các dự án cụ thể từ đầu nhiệm kỳ QH đến giờ có nhiều điểm nhấn. 

Từ đầu nhiệm kỳ QH đến nay, QH đã thông qua được 32 luật và nghị quyết, UBTVQH thông qua 1 pháp lệnh và 1 nghị quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dù còn hạn chế nhưng có những dự án luật, pháp lệnh, dự thảo, nghị quyết đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự mong đợi của người dân. 

“Đơn cử nghị quyết của QH về thí điểm giải quyết nợ xấu được sửa đổi, bổ sung nhanh một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, góp phần xử lý việc rất nhức nhối trong xã hội là khoản tiền không thu được. Nghị quyết về một số chính sách đặc thù để phát triển TP HCM đưa vào chương trình nhanh và trách nhiệm. Các dự án thảo luận có ý kiến rất khác nhau nhưng về cơ bản dự án trình QH đều được thông qua với tỷ lệ cao, trong đó có 2 dự án là 100% số ĐBQH có mặt thông qua”, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng. 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã cố gắng trình sớm, như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 trình trước ngày 1/3. Hồ sơ tài liệu tương đối đầy đủ, tài liệu kèm theo chương trình năm 2019 có hơn 3.600 trang cho thấy sự chuẩn bị nghiêm túc. 

“Việc này UBTVQH đã đánh giá tại Báo cáo số 240 ngày 22/12/2017. Đây là một số điểm được và là cố gắng lớn của Chính phủ và các cơ quan trình, đặc biệt của QH và ĐBQH. Sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đầu năm 2018 với những tỷ lệ tăng trưởng tốc độ cao như thế có sự đóng góp của thể chế. Không những luật, pháp lệnh mà nghị định và văn bản dưới luật và Chính phủ cũng đang có sự nỗ lực tương tự”, Bộ trưởng Long nhấn mạnh.

Có tình trạng quá tải

Về những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng luật, pháp lệnh đã được các ĐB đề cập như tình trạng xin lùi, xin rút ảnh hưởng đến tính ổn định của chương trình mà một thời gian dài chưa xử lý được, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng có tình trạng quá tải. 

“Trước hết, chúng ta phải tập trung để thể chế hóa các nghị quyết Trung ương, mà thông thường vào năm thứ hai, năm thứ ba của nhiệm kỳ, số lượng nghị quyết Trung ương ra lớn. Chúng ta phải thể chế các Nghị quyết Trung ương 5, Trung ương 6 và sắp tới là Trung ương 7, còn có những vấn đề của Trung ương 4 chúng ta chưa làm được”, Bộ trưởng Long phân tích. 

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các thông tư cũng phải cắt giảm các điều kiện, các thủ tục kinh doanh tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. 

“Chúng ta phải sửa các luật, rà soát các luật để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch. 25 đến 27 luật chúng ta phải rà soát rất kỹ. QH đang xem xét cho ý kiến và sẽ thông qua trong kỳ này”, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn chứng.

Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề cập là yêu cầu cao của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. 

“Ở đây có tách quy trình soạn thảo văn bản khỏi quy trình đánh giá tác động chính sách, yêu cầu rất cao. Tất cả đó là những nguyên nhân khách quan”, ông Lê Thành Long nói. 

Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và các bộ, ngành đã nghiêm túc nhìn ra vấn đề này. 

“Trong các phiên họp của Chính phủ, hầu như phiên nào cũng có xây dựng thể chế và một năm tổ chức hai phiên họp chuyên đề để xây dựng thể chế và lần nào Thủ tướng Chính phủ cũng đôn đốc. Sau khi có phiên giải trình của Bộ Tư pháp trước UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ có công văn để đôn đốc các Bộ trưởng, trưởng ngành. Sau đó, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính phủ cũng đã kiểm điểm về trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra những hạn chế, những khuyết điểm, thiếu sót trong xây dựng luật, pháp lệnh như vậy”, Bộ trưởng thông tin.

Về tính chủ động của các bộ, các ngành, ông Long cho rằng vẫn có vấn đề quan tâm và đánh giá về vai trò, thể chế cũng chưa đúng mức, vì thế có chậm và xảy ra thiếu sót.

Ngoài ra, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2005, chúng ta bỏ chương trình toàn khóa mà xây dựng chương trình hàng năm. 

“Theo nguyên tắc và cách thức làm này, chúng ta sẽ căn cứ vào phát triển kính tế - xã hội để trình các dự án đưa vào chương trình UBTVQH xem xét theo kiểu cuốn chiếu, tức là đến đâu thì chúng ta làm đến đấy, cho nên tình trạng xin lùi, xin rút và bổ sung cũng có nguyên nhân từ luật như vậy”, Bộ trưởng Long nói thêm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã ý thức rất rõ về những vấn đề đặt ra đối với công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và đã đề ra một số giải pháp. 

Trong đó, giải pháp đầu tiên là chủ động rà soát các nguồn ngay từ đầu. “Ví dụ, với các nghị quyết của trung ương thì ngay từ khi làm chương trình hành động đã phải đề ra được các nội dung, dự án cụ thể, phải đảm bảo thứ tự ưu tiên để tránh quá tải”, ông Long nói.

Giải pháp thứ 2 là phân công và triển khai sớm sau khi QH thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã đề ra việc tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu, Bộ trưởng của các bộ, ngành.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Bộ sẽ có ý kiến dứt khoát hơn và rõ ràng hơn trong thẩm định, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh cũng như thẩm định các dự án, dự thảo luật và nghị quyết; đồng thời phát huy vai trò của hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác về công vụ và tổ công tác kiểm tra về thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng và Chính phủ giao cho các bộ, ngành. 

Tăng cường vai trò của pháp chế 

Mặc dù vậy nhưng ông Long cũng cho rằng thách thức phía trước vẫn rất lớn.

“Chúng tôi điểm lại sơ bộ thì thấy còn các dự án luật còn nợ, từ Nghị quyết Trung ương 5 đến bây giờ mà chưa đưa vào được chương trình năm 2019. Chúng ta phải tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết trung ương 6 và Trung ương 7, đồng thời cũng phải rà soát để xem cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nào để thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam trong CPTPP, rà lại xem kế hoạch chúng ta ban hành các luật, nghị quyết, pháp lệnh để thực hiện Hiến pháp năm 2013 đến đâu. Đó cũng là một vấn đề tương đối thách thức thời gian tới, trong khi thời gian chương trình chúng ta có hạn và phải đảm bảo tính khả thi”, Bộ trưởng thông tin và khẳng định Chính phủ, Bộ Tư pháp đã ý thức được vấn đề này và sẽ chủ động hơn.

Về việc tăng cường vai trò của pháp chế, theo Bộ trưởng Long, hiện các lớp về hướng dẫn và công tác xây dựng luật, pháp lệnh của pháp chế đang tiếp tục được mở ra.

Đọc thêm