“Nhiều tín nhiệm thấp là mệt lắm rồi“

(PLO) - Việc lấy phiếu tín nhiệm với quy định chỉ có 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp, và tín nhiệm, mà không có mức không tín nhiệm, khiến nhiều ĐB băn khoăn. Bên lề QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ về quy định này.
“Nhiều tín nhiệm thấp là mệt lắm rồi“
- Thưa ông, trong phiên thảo luận, ĐB đề nghị rất gay gắt chỉ nên có 2 mức tín nhiệm?
Vấn đề này cũng đang bàn. Sau khi kết quả thảo luận như vậy, thường vụ QH sẽ có giải trình thấu đáo về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cũng nêu quan điểm: ý kiến trên hội trường là ý kiến của các ĐB phát biểu, còn các ĐB không phát biểu thì ý kiến có khi lại khác.
- Có quan điểm cho rằng lấy phiếu 2 mức là vi hiến vì 1 ĐB có thể vừa phải lấy phiếu vừa phải bỏ phiếu trong khi Hiến pháp chỉ qui định bỏ phiếu, ông nghĩ sao?
Trong Hiến pháp không quy định việc lấy phiếu. Không phải vi hiến mà là khi lấy phiếu không đạt 2/3 tiến hành bỏ phiếu ngay kỳ họp đó. Còn nếu dưới 50% sang kỳ họp sau. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm là tùy mức độ tín nhiệm của ĐB
-  Đa số ĐB đánh giá cao việc lấy phiếu thì sao phải sửa?
Vì NQ 35 qui định lấy phiếu 1 năm/lần, nếu không sửa thì 2015 lại lấy phiếu,. Như vậy dầy quá, nhiều quá, người được lấy phiếu tín nhiệm cũng không đủ thời gian, điều kiện khắc phục.
- Ông có thể cho biết đã tổng kết được bao nhiêu % ĐB đồng ý với 3 mức, lần này có lấy ý kiến thăm dò?
Chúng tôi đang chờ ý kiến của Thường vụ.
- Còn cá nhân ông, ông có thể cho biết ý kiến của mình về mức lấy phiếu?
Thiết kế 3 mức tín nhiệm là để phân biệt giữa lấy phiếu và bỏ phiếu, lấy phiếu 3 mức để đánh giá tín nhiệm chứ không phải là hình thức bỏ phiếu. Nếu bỏ phiếu thì đồng ý hai mức thôi. Còn nếu lấy phiếu thì phải có tín nhiệm để giúp các cơ quan về mức độ đánh giá cán bộ
- Nhưng như vậy là mặc nhiên công nhận không có “không tín nhiệm”?
Tôi nghĩ rằng nhiều tín nhiệm thấp là mệt rồi, là phải bỏ phiếu tín nhiệm rồi, nên không cần mức “không tín nhiệm”. Bên cạnh đó, chọn mức tín nhiệm nào là quyền của ĐB. Nếu còn băn khoăn giữa hai mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì có mức “tín nhiệm”.
- Với thiết kế 3 mức là để phân biệt lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm?
Đúng vậy. Đây là cách để phân biệt lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm.
- Nếu vậy khi lấy phiếu tín nhiệm và chỉ quy định 2 mức là trái với các quy định khác?
Không trái với quy định nào cả. Nếu bỏ phiếu thì mới theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức QH. 
-  Kinh nghiệm thế giới thì như thế nào, thưa ông?
Các nước chỉ có bỏ phiếu thôi, chỉ có VN mới có lấy phiếu. Luật qui định khi có 20% ĐB không tín nhiệm thì đề nghị bỏ phiếu nhưng là đề nghị chứ không phải là bỏ phiếu hay 1 ủy ban nào kiến nghị. Nhưng để có được điều kiện đó thì rất khó nên qui định từ lâu nhưng chưa thực hiện bỏ phiếu. Lần này thiết kế qui định lấy phiếu nếu có tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu trên tinh thần chuyển sang bỏ phiếu.
Qui định trước đến nay chưa đủ bên cạnh đó,  văn hóa từ chức chưa có, hệ quả nói rõ xin từ chức, nếu tín nhiệm thấp qua (2/3 ĐB không tin nhiệm) mà không từ chức thì phải tiến hành bỏ phiếu.
- Xin cám ơn ông!

Đọc thêm