Nhiều tỉnh, thành tích cực, chủ động chuẩn bị bầu cử

(PLO) - Ngày 14/3, nhiều đoàn công tác của Trung ương đã về các địa phương kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội  khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Điện Biên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Điện Biên.

Tiếp tục chuyến công tác và làm việc tại tỉnh Điện Biên, hôm qua (14/3), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử (HĐBC) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình triển khai công tác bầu cử, nghe và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Điện Biên về công tác bầu cử và các lĩnh vực khác. 

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 của tỉnh triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh đã có thông báo về điều chỉnh, bổ sung cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV gồm 10 người, trong đó có 1 nam người dân tộc Kinh, 3 nam người dân tộc Mông, 3 nữ người dân tộc Thái và 3 nữ người dân tộc Khơ Mú là người ngoài Đảng. Đến thời điểm này, Điện Biên không có người tự ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh.

Đánh giá cao tính tích cực, chủ động của Điện Biên trong công tác chuẩn bị bầu cử, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng tỉnh Điện Biên sẽ đi đầu trong thực hiện công tác bầu cử tại các tỉnh phía Bắc để nêu gương cho khu vực Tây Bắc và cho cả nước. Tỉnh cần tiếp tục bảo vệ tốt an ninh trật tự trên địa bàn, không để tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra; xây dựng hệ thống chính trị mạnh, đoàn kết để quan tâm, chăm lo cho đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Tại Sơn La, trong buổi làm việc với UBBC tỉnh Sơn La, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên HĐBC Quốc gia Uông Chu Lưu đánh giá cao công tác chuẩn bị bầu cử của tỉnh, đồng thời lưu ý: với đặc thù là tỉnh có địa bàn rộng, đường biên giới dài 250km tiếp giáp với nước bạn Lào và có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, Sơn La cần làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình bầu cử, cần tăng cường mọi lực lượng, nhất là lực lượng biên phòng, quân đội, không xảy ra các vấn đề phát sinh. 

Tính đến ngày 13/3, UBBC tỉnh Sơn La đã hoàn thành việc tiếp nhận hồ sơ của người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, có 10 hồ sơ ứng cử ĐBQH, 134 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 802 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND huyện và hơn 9.990 hồ sơ ứng cử HĐND xã. 

Đối với Đà Nẵng, tính đến 17h ngày 13/3, UBBC thành phố đã nhận được 3 hồ sơ tự ứng cử ĐBQH và 5 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố. Đánh giá cao việc Ban Bầu cử thành phố đã tích cực, chủ động và chuẩn bị tốt các khâu chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chia sẻ việc Đà Nẵng là một trong rất ít địa phương được chọn triển khai thí điểm không bầu HĐND cấp cơ sở trước đây nên tại kỳ bầu cử lần này sẽ gặp một số trở ngại. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Đà Nẵng cần sớm thành lập Tiểu ban An ninh, an toàn xã hội của Ban Bầu cử thành phố và quy định rõ chức năng, chế độ phù hợp để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước, trong và sau ngày bầu cử...

Tại Bến Tre, cáo cáo với Đoàn công tác, ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBBC tỉnh cho biết, kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, tỉnh giới thiệu 12 người ứng cử ĐBQH, đủ cơ cấu, thành phần, số lượng qui định. 

Trước những kết quả trên, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã biểu dương Bến Tre triển khai sớm công tác chuẩn bị bầu cử, hồ sơ người ứng cử HĐND các cấp nộp đúng thời gian, hồ sơ người ứng cử ĐBQH tốt, tỉ lệ tín nhiệm của cử tri đạt cao.

TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có 134 người tự ứng cử ĐBQH và ĐB HĐND

Theo Thông báo về kết quả tiếp nhận hồ sơ ứng cử, Ủy ban Bầu cử (UBBC) TP Hà Nội đã tiếp nhận 87 hồ sơ ứng cử ĐBQH, trong đó có 40 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và có 47 hồ sơ tự ứng cử; 205 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND TP, trong đó có 196 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và có 09 hồ sơ tự ứng cử.

Tại TP Hồ Chí Minh, hôm qua (14/3), UBBC thành phố đã bàn giao hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND cho Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố để tiến hành hiệp thương lần 2. Số hồ sơ ứng cử ĐBQH là 90, trong đó 40 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu ứng cử và 50 người tự ứng cử. Số hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND thành phố là 203 người, trong đó 175 hồ sơ được các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 28 hồ sơ của người tự ứng cử. 

Dự kiến, Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 sẽ được hai địa phương này tổ chức vào ngày 17/3. Sau đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ triển khai lấy ý kiến của cử tri nơi đại biểu cư trú; đối với những người tự ứng cử, sẽ tổ chức lấy thêm ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có). 

Đọc thêm