Những 'bố nuôi' mang quân hàm xanh

(PLO) - Những ngày hè tháng 5, nắng chói chang trên từng cung đường Đông Bắc Tổ quốc. Theo chân đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Hải Phòng về với huyện đảo Cát Hải, chúng tôi thực sự cảm nhận được cuộc sống thanh bình, đầy nghĩa tình nơi đầu sóng ngọn gió này. Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, hàng ngày các cán bộ, chiến sĩ còn là những người cha, người anh nâng bước các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tới trường.
Cán bộ Đồn Cát Hải thăm hỏi việc học tập của đứa “con nuôi”.
Cán bộ Đồn Cát Hải thăm hỏi việc học tập của đứa “con nuôi”.

Chạy dọc con đường ven huyện đảo Cát Hải, cách trung tâm Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng gần 30km, chúng tôi có mặt tại nhà em Ngô Ngọc Bảo Châu (SN 2005, ở thôn Đình, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải) hiện đang là học sinh lớp 7 Trường Tiểu học và THCS Hoàng Châu, một trong 5 em học sinh may mắn được các cán bộ chiến sĩ biên phòng Cát Hải nhận đỡ đầu từ năm học 2014 - 2015.

Bà nội em Châu cho biết: “Nhờ các chú BĐBP mà 3 chị em cháu Châu được đi học. Các cháu đều lễ phép, ngoan ngoãn, học hành tiến bộ. Cứ đi học về là Châu lại tự giác vào bàn làm bài tập rồi phụ giúp bà trông em, nấu cơm, quét nhà, giặt quần áo…Tất cả là nhờ cái tình của các chú bộ đội”.

Từ ngày bố mẹ Châu ly hôn, bố làm ăn xa rồi lấy vợ 2, mẹ dứt áo ra đi để lại 3 chị em và khoản nợ gần 100 triệu cho 2 ông bà nội. Cũng từ đó, các chiến sĩ biên phòng Đồn Cát Hải đã đến và mang theo yêu thương, sự sẻ chia cho ba đứa trẻ. Trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ, rạn nứt với những vết chắp vá chằng chịt, bà nội em Châu rưng rưng: “Cứ đến mùa mưa bão, nước dột chảy lênh láng khắp nhà. Những chỗ chắp ngói, bịt bạt kia đều là các chú bộ đội làm đấy. Chúng tôi đã già vẫn đi làm thuê hàng tháng, tối về ra bắt con ốc, con tôm bán lấy tiền trả nợ và nuôi các cháu.

Hơn 3 năm nay, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cát Hải đều hỗ trợ 500.000 đồng mỗi tháng. Nếu không có sự giúp đỡ của các chú bộ đội, các cháu không thể đến trường. Tình cảm này chúng tôi không biết lấy gì để đền đáp các chú”.

Trong ngôi nhà nơi góc đảo, Trung tá Đỗ Chí Cương - Đội phó đội vận động quần chúng Đồn Cát Hải lật từng trang vở xem tình hình học tập của Châu, rồi dặn Châu và 2 em ở nhà phải ngoan, nghe lời ông bà, học tập chăm chỉ, thứ bảy, chủ nhật, bớt công việc anh sẽ ghé qua. 

Trung tá Cương tâm sự: “Thiếu thốn tình cảm và sự săn sóc của ba mẹ mỗi ngày, nên cả đồn xem các cháu như là con của mình. Mỗi lần đi làm nhiệm vụ hoặc khi rảnh rỗi anh em lại tranh thủ ghé qua, xem cuộc sống của các cháu như thế nào. Thiếu thức ăn thì anh em mua, nhà hỏng thì anh em sửa”.

Rời khỏi nhà em Châu, chúng tôi đến với gia đình em Nguyễn Minh Hải Sơn. Sơn năm nay 14 tuổi nhưng dáng vóc nhỏ bé, xanh xao, rụt rè khi có người lạ tới chơi nhà. Bản thân Sơn bị bệnh tim bẩm sinh từ bé, bố là nhân viên quân khí bộ đội biên phòng, mẹ mắc bệnh gan nặng, đã chữa trị nhiều năm nay chưa khỏi. Hàng tháng hai mẹ con Sơn phải thăm khám và điều trị tại các bệnh viện trên Hà Nội.

Cũng vì thương bố hàng ngày làm nhiệm vụ nơi xa, thương mẹ tần tảo, đau ốm, Sơn đã cố gắng, nỗ lực trong học tập, lấy kết quả học tập làm món quà tặng ba mẹ, để tạo động lực cho mẹ sau những cơn bệnh tật đau yếu. Trong ngôi nhà cấp 4 dán đầy giấy khen về thành tích học tập của Sơn, Sơn  nói với giọng đầy tự hào: “Con đường để em vượt qua khó khăn là con đường học tập. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, để không phụ lòng cha mẹ cũng như các chú bộ đội biên phòng”.

Trò chuyện với các “con nuôi” của Đồn Biên phòng Cát Hải, thấy cháu nào cũng có một ước mơ. Bảo Châu mong muốn sẽ học tập thật tốt để lớn lên trở thành cô giáo. Còn Hải Sơn có kế hoạch sẽ thi vào trường y để sau này có thể khám chữa bệnh cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình.

Để có tiền lo cho các “con”, những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn Cát Hải đã dành ngày lương của mình. Chẳng ai bảo ai nhưng ai cũng xem đây là nguồn vui, là trách nhiệm hơn nghĩa vụ. “Nhiều khi chúng tôi ước mình giàu có hơn để có thể chu cấp cho các cháu được nhiều hơn. Ba năm qua, Chi đoàn, đơn vị đã nhận đỡ đầu và tặng quà cho 5 cháu, trong đó Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố đỡ đầu cho 3 cháu có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học giỏi trên địa bàn” - Chính trị viên phó Đồn Cát Hải - Trung tá Trần Văn Quảng xúc động nói.

Rời Cát Hải, từ phà Đình Vũ ngoái nhìn lại, thấy đảo lùi dần  sau những con sóng. Có thể, mọi thứ bị cách xa nhưng với Bảo Châu, Hải Sơn tình cảm với các chú, các anh biên phòng sẽ không bao giờ vơi cạn, cho dù đến lúc nào đó, các em sẽ rời nơi đây, thực hiện ước mơ của mình…

Đọc thêm