Những cái tết thương nhớ trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(PLO) - Là một trong những đạo diễn tài năng nhất của Hãng phim tài liệu Trung ương, NSND ( Nghệ sỹ nhân dân) Đào Trọng Khánh có vinh dự là người được làm nhiều phim tài liệu về các đồng chí  lãnh đạo Đảng, Nhà nước và những nhân vật nổi tiếng. Ông có gần 30 năm ghi lại những hình ảnh đắt giá về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 
Những cái tết thương nhớ trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Và có những câu chuyện giản dị, sâu lắng đi theo cuộc đời Đại tướng huyền thoại về những cái Tết đi cùng với lịch sử đất nước. Dường như tới một lúc nào đó, Đại tướng thấy cần được kể lại. NSND Đào Trọng Khánh có may mắn được Người gửi gắm những kỷ niệm đẹp đẽ đong đầy trong ký ức, vẹn nguyên như bắt đầu một hành trình… 
“Xuân đầu tiên ăn tết với Bác Hồ- tôi 30 tuổi”
Tôi cùng ông thường đi dạo trong vườn, trên con đường nhỏ, qua hàng cây mộc già nua, lốm đốm những chùm hoa trắng. Mùa xuân đang đi qua thật lặng lẽ tưởng như đang khẽ chạm vào mùi hương để tưởng nhớ...
Một lần tôi nghe ông nói: “Nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi thường vào mùa xuân”... Mùa xuân năm Tân Tỵ (1941), tôi được ăn Tết lần đầu tiên với Bác Hồ ở biên giới. Năm 1940 Canh Thìn, tháng Chạp thiếu chỉ có 29 ngày. Hai mươi chín Tết được coi là ba mươi. Mọi công việc đều gấp rút, vội vã.
Trước Tết, Bác còn mở lớp chính trị ở Nậm Quang trên đất Quảng Đông (Trung Quốc) cho một số thanh niên cách mạng. Lên lớp thường xuyên có các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi. Hôm chia tay lớp học đúng vào ngày 19 tháng Chạp ta. Bác cho số anh em về nước ăn Tết, ai có cơ sở nào về cơ sở ấy. Theo phong tục ở địa phương, mấy anh em chúng tôi chia nhau đi ăn Tết khắp nơi nhà trong bản. Nhân dân từ lâu sẵn có cảm tình với Cách mạng Việt Nam, đón tiếp mọi người thật ân cần, niềm nở. Tôi được cùng Bác đi thăm các gia đình chúc Tết.
Bác mặc bộ quần áo người Nùng, màu chàm, đầu vấn khăn, bước đi nhanh nhẹn. Đến mỗi nhà Bác đều tặng một tờ giấy hồng đều viết chữ Trung Quốc bằng mực tàu: Chúc mừng năm mới! Tuy chỉ vào mỗi nhà trong chốc lát, nhưng nhà nào cũng lưu luyến, già trẻ trong nhà đều muốn giữ Bác ở lại...”.
Ông bâng khuâng như nhớ lại bản làng biên giới xa xôi mùa xuân năm ấy, phảng phất trong hương khói, trong sương mờ. “Năm ấy, Tết có mưa xuân, trên đường mòn, có những cây đào nở hoa, gợi nỗi nhớ thương. Năm ấy tôi 30 tuổi...”.
Ông kể: Ở Cao Bằng, mùa này có hoa bioóc cà, thơm ngào ngạt. Cuối năm 1944, Đội Tuyên truyền Giải phóng quân từ biên giới về, bấy giờ đã gần Tết, nhân dân đón tiếp rất nồng nhiệt, dọn bàn ghế cạnh đường, bày cỗ, đợi bộ đội về để khao quân. Trong ba ngày Tết, nhiều anh chị em thanh niên, nhiều cụ phụ lão bỏ nhà đi ăn Tết với bộ đội. Chẳng bao lâu, phong trào kháng Nhật cứu nước dâng lên cuồn cuộn. Rồi Đại hội Tân Trào. Rồi Nhật đầu hàng - Cách mạng Tháng Tám bùng nổ. Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà ra đời...
Mấy năm sau, nhân làm tư liệu phim về những năm đầu Cách mạng, tôi lại nghe ông kể tiếp: Giữa tháng Giêng 1946; tôi được Chính phủ phái vô Nam công tác một chuyến ngắn ngày, giữa lúc cuộc kháng chiến Nam Bộ và Nam Trung Bộ đang diễn ra ác liệt. Tôi rời Hà Nội ngày 18 tháng Giêng, qua Nghệ An, qua Đèo Ngang, vào Huế, vào Quảng Ngãi, Bình Định, Quy Nhơn, tới Khánh Hoà.
Lúc này giặc Pháp đang tấn công Nha Trang, máy bay địch thả bom và bắn liên thanh xuống thành phố. Tinh thần chiến đấu của bộ đội và nhân dân rất quyết liệt. Chúng tôi rẽ lên Tây Nguyên, qua đèo Mang Giang, đến Plây Cu, bộ đội đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đóng quân dã chiến ngoài thị xã.
Ở Công Tum, đồng bào các dân tộc hồ hởi kéo đến gặp đại biểu chính phủ ở Toà sứ cũ. Mọi người đều nói đến Bok Hồ và tin tưởng vào Cách mạng. Sáng hôm sau chúng tôi quay ra sớm theo đường An Khê.
Tối 30 Tết, xe đến chân đèo Hải Vân. Xe lên đèo, trời bắt đầu mưa, xung quanh tôi là một biển sương mù, một bên đường là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng, gió qua đèo hun hút. Xe trôi xuống dốc như vào nơi vô tận.
Tôi nhìn ra màn đêm thăm thẳm dưới chân đèo, vẫn lập loè ẩn hiện một ánh đèn, không biết có nhà dân nào còn đang thức đợi giao thừa... Thế rồi trải qua tám cái Tết kháng chiến ở trong rừng, cho đến mùa xuân 1954, bước vào chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Tết 1954- hoa ban nở trắng trên sườn núi
Bẵng đi mấy năm, tôi không được gặp ông để làm tư liệu. Tôi vẫn bâng khuâng nhớ là chưa hỏi ông về cái Tết Giáp Ngọ năm 1954 ở Điện Biên. Cho đến khi được làm bộ phim về ông, tôi mới nghe ông kể: Đấy là cái Tết nhiều kỷ niệm nhất trong cuộc đời của tôi khi tôi lựa chọn quyết định “đánh chắc, thắng chắc” thay cho “đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến dịch Điện Biên. Suốt đêm 29 Tết, tôi vẫn còn đang tiếp tục theo dõi việc kéo pháo ra. Các đơn vị kéo pháo phải báo cáo lên từng giờ. Gần sáng, các đơn vị kéo pháo báo cáo hoàn thành nhiệm vụ.
Sáng mồng một Tết, sương lạnh vẫn còn bao phủ khắp núi rừng. Một cảm giác thanh thản tràn ngập trong lòng. Tôi tin rằng trận đánh năm nay nhất định thắng. Tôi đi sang cơ quan tác chiến chúc Tết anh em: “Chúc các đồng chí năm mới mạnh khoẻ, giành nhiều thắnglợi!”. Nhìn ra ngoài trời, hoa ban đã nở trắng trên sườn núi...”.
NSND Đào Trọng Khánh nhớ những khoảnh khắc lãng mạn, da diết của Người tận nơi sâu thẳm trái tim
 NSND Đào Trọng Khánh nhớ những khoảnh khắc
lãng mạn, da diết của Người tận nơi sâu thẳm trái tim
Và mùa xuân kì diệu nhất trong một thế kỷ
Mùa xuân Ất Mão 1975, mùa xuân kỳ diệu nhất trong một thế kỷ, một đời người, mùa xuân toàn thắng của dân tộc. Ông nói những lời này vào năm 2001, khi ông đã 90 tuổi và đã qua 25 cái Tết sau ngày đất nước thống nhất. Trước mắt tôi là một cụ già bé nhỏ, mang quân hàm Đại tướng, người đã cầm quân đánh tan hai đế quốc lớn Pháp và Mỹ trong cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại, kéo dài hơn 30 năm.
Ông kể rằng: “Mùa xuân đến khi Tổng hành dinh đang chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên, đòn tấn công đầu tiên trong kế hoạch chiến lược cơ bản đã được Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương duyệt theo quyết định. Anh Văn Tiến Dũng cùng các anh Đinh Đức Thiện, Lê Ngọc Hiền và một số cán bộ, tổ chức thành một bộ phận đại diện Quận uỷ  Trung ương và Bộ Tư lệnh ở chiến trường miền Nam, mang bí danh Đoàn A75.
Quyết định được giữ tuyệt đối bí mật. Theo quy ước, anh Dũng lấy bí danh là Tuấn, tôi bí danh là Chiến. Đoàn A75 lên đường vào ngày mồng 5 tháng Hai, đúng vào lúc nhân dân đang tưng bừng chuẩn bị đón xuân Ất Mão. Anh em hẹn nhau đánh địch trước rồi ăn Tết sau, nhất định phải thắng. Đón xuân trong Tổng hành dinh, từng giờ chúng tôi theo dõi hành trình của Đoàn A75, biết toàn đoàn hành quân bí mật, an toàn, đón giao thừa ở Ia Đrăng, đến Tây Nguyên vào đầu năm mới âm lịch.
6 giờ 30 phút sáng ngày 10.3, dưới sự yểm trợ của pháo binh chiến dịch, các chiến sĩ Sư đoàn 316 tiến đánh Buôn Ma Thuột. Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu thắng lợi giòn giã. Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Mùa xuân dồn dập tin thắng trận kéo dài suốt cho đến 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư, Tổng hành dinh nhận điện: Xe tăng đang tiến vào Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, có điện của anh Lê Trọng Tấn báo cáo: Cờ đã cắm trên dinh Độc Lập!
Xúc động đến trào nước mắt. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường. Ban đêm, một mình tôi trong phòng làm việc, niềm vui lắng xuống, nước mắt lại trào ra. Tôi nhớ đến mùa xuân năm nào còn ở biên giới ăn cái Tết đầu tiên với Bác Hồ, khi ấy tôi mới 30 tuổi - Cho đến hôm nay...”.
Cho tới bây giờ, tận nơi sâu thẳm của trái tim, NSND Đào Trọng Khánh vẫn nhớ tới một ngọn đèn đêm ba mươi Tết năm 1946, dưới chân đèo Hải Vân trong câu chuyện kể của Đại tướng “Xung quanh tôi là một biển sương mù... Tôi nhìn ra màn đêm thăm thẳm dưới chân đèo, vẫn lập loè ẩn hiện một ánh đèn, không biết có nhà dân nào còn đang thức đợi giao thừa”... 
Mùa hoa riềng dại vàng rực bên trời
Những ngày tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ đời đời, hình ảnh sinh động, cương nghị nhân ái của Đại tướng hiện lên trước hàng triệu cặp mắt nhân dân cả nước, càng thương nhớ, tự hào về một người anh hùng dân tộc có tên anh Văn - Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua những thước phim chân thực, giản dị: “ Một thế kỷ- một đời người” do NSND Đào Trọng Khánh làm đạo diễn được phát đi, phát lại nhiều lần trên các kênh truyền hình. Đây được coi là bộ phim thành công nhất, ghi lại chân thực nhất về cuộc đời của vị đại tướng huyền thoại.
NSND Đào Trong Khánh kể: Tháng 5 năm 1983, tôi đi quay phim ở Điện Biên Phủ chuẩn bị làm phim tư liệu kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Đang quay, tôi chợt thấy một chiếc trực thăng hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh. Từ trên máy bay, anh Văn bước xuống, việc đầu tiên là đưa mắt nhìn khắp lòng chảo Điện Biên. Khi đó, khắp lòng chảo Điện Biên vàng rực một sắc hoa riềng dại - loài cây có rất nhiều ở Điện Biên Phủ. Xúc động nghẹn ngào, Đại tướng nói: Năm 1954, khi đánh Điện Biên Phủ cũng là mùa hoa riềng dại nở vàng. Chiến sĩ ta đào công sự giữa bạt ngàn riềng dại, chiến đấu oanh liệt, hy sinh bên những vạt rừng riềng dại”- ông Khánh tâm sự. Từ câu nói của Đại tướng, sau này ông Khánh tìm lại những đoạn phim tư liệu về Điện Biên Phủ và đã tìm được những thước phim lột tả được sự kiêu hùng và lãng mạn của người lính Điện Biên. Những thước phim ghi lại chân thực cảnh chiến sĩ ta xung phong qua những vạt rừng hoa riềng dại nhả đạn vào quân thù. Có người lính ngã xuống bên những vạt hoa riềng dại ngút ngát tới tận chân trời. 

Đọc thêm