Những chuyến bay bão táp vượt biển cứu người

(PLO) - Khi tính mạng nhiều bệnh nhân ở quần đảo Trường Sa chỉ còn treo trên đầu sợi tóc, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ tử vong, họ đã may mắn được trực thăng cứu hộ. Vượt biển trong đêm tối hay thời tiết xấu rất nguy hiểm nhưng các phi công bay cấp cứu, đặc biệt phi công Trung đoàn Không quân 916, 917, Quân chủng Phòng không - Không quân vẫn dũng cảm cầm lái, thực hiện những chuyến cứu hộ an toàn.

Trực thăng Mi -171 hạ cánh xuống đảo Trường Sa Lớn
Trực thăng Mi -171 hạ cánh xuống đảo Trường Sa Lớn

Thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhờ trực thăng bay cấp cứu

Còn nhớ sáng 24/2/2014, cầu treo bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu) đã bị sập làm 8 người chết, 38 người bị thương. Ông Đinh La Thăng khi đó là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất dùng trực thăng đưa các bác sĩ từ Hà Nội lên Lai Châu cấp cứu các nạn nhân.

Sau đó, 2 máy bay trực thăng Mi -171 và Mi -172 của Trung đoàn 916, Quân chủng Phòng không - Không quân  đã cất cánh đưa 25 bác sĩ của Bệnh viện (BV) Bạch Mai và BV Việt Đức lên Lai Châu cứu nạn. Trường hợp nạn nhân trong các thảm họa được cứu hộ bằng trực thăng như vậy rất ít khi diễn ra.

Từ trước đến nay, các trường hợp được cứu hộ miễn phí bằng trực thăng chủ yếu là những người bệnh ở quần đảo Trường Sa bị bệnh hay tai nạn đe dọa tính mạng, nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Chi phí cho những chuyến bay trực thăng như vậy lên tới 400-500 triệu đồng/lần bay.

Bệnh nhân được cứu chữa tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn
Bệnh nhân được cứu chữa tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn

Ngày 2/11/2015, một tổ bay trực thăng MI của Công ty Trực thăng miền Bắc đã vượt biển ra đảo Cồn Cỏ, đưa Trung sĩ Lê Công Thủ - chiến sĩ Tiểu đoàn hỗn hợp đảo Cồn Cỏ, vừa được mổ cấp cứu vì viêm ruột thừa cấp về đất liền trong điều kiện thời tiết xấu và màn đêm dần buông trên biển... 

Ngày 3/9/2015, tổ bay trực thăng Mi - 171 do Thượng tá Ngô Vi Sơn - Chủ nhiệm bay, lái chính Trung đoàn Không quân 917 chỉ huy đã hạ cánh xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất, chở bệnh nhân Nguyễn Thành Trung (46 tuổi), thủy thủ tàu vận tải Hoàng Phúc, chở vật liệu xây dựng và đá ra đảo Trường Sa.

Chuyển bệnh nhân lên trực thăng về đất liền
Chuyển bệnh nhân lên trực thăng về đất liền

Vào 20 giờ 45 phút ngày 1/9/2015, ông Trung bị ngã từ sàn tàu xuống hầm đá ở độ cao 3m khi tàu đang hoạt động gần quần đảo Trường Sa. Ngay sau đó ông Trung được đưa vào cấp cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa. Bệnh xá đã làm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và xác định ông Trung bị vỡ lớn vùng chẩm thái dương đỉnh phải, rạn hình chân chim, sọ não có mảnh lún và nghi ngờ có máu tụ nội sọ. Từ 0h đêm 2/9, các bác sĩ Bệnh xá đảo Trường Sa dưới sự chỉ đạo qua hệ thống cầu truyền hình của các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 đã tiến hành mổ cấp cứu cho ông Nguyễn Thành Trung. 

Mới nhất, nhận được lệnh bay ra đảo Song Tử Tây, (huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa)  cấp cứu bệnh nhân, 6 giờ 35 phút ngày 21/8/2016, trực thăng Mi -171 của Trung đoàn 917 gồm 5 người trong đó có Đại tá Đỗ Thanh Hồng - Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, lái chính, Trung tá Phạm Huy Bình - Phi đội trưởng Phi đội 1, lái chính và Thiếu tá Lưu Công Bằng, lái phụ, dẫn đường đã cất cánh từ sân bay Biên Hòa và hạ cánh xuống đảo Song Tử Tây vào lúc hơn 10 giờ sáng. 11 giờ 26 phút trực thăng bay về sân bay Tân Sơn Nhất, chuyển bệnh nhân Trần Văn Định lên xe cấp cứu của Bệnh viện 175 lúc hơn 15 giờ cùng ngày. 

Theo dõi bệnh nhân trên chuyến bay
Theo dõi bệnh nhân trên chuyến bay

Đại tá Phạm Trường Sơn - Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết: Lúc 15 giờ 30 phút ngày 20/8/2016, tàu 521 (thuộc Hải đội 413, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) đưa 19 quân nhân từ tàu vào đảo Song Tử Tây bằng xuồng nhưng do sóng to gió lớn, xuồng bị lật nên mọi người bị kẹt áo phao. Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Văn Định bị đuối nước, ngưng tim phổi. Sau hơn 1 giờ cấp cứu, tim bệnh nhân đã đập trở lại nhưng vẫn hôn mê.

Các bệnh nhân kể trên đã may mắn sống sót sau khi được cấp cứu kịp thời.

Bệnh nhân được chuyển từ máy bay xuống đất
Bệnh nhân được chuyển từ máy bay xuống đất

Những chuyến bay bão táp

Đại tá Phạm Trường Sơn cho biết: “Tổ bay Mi-171 của Trung đoàn 917 chở bệnh nhân Trần Văn Định khi bay về đất liền gặp thời tiết diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, gió mạnh, tầm nhìn hạn chế, máy bay phải bay thấp để tránh ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe bệnh nhân nên đến 15 giờ 40 phút, trực thăng mới hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Theo quy định, mỗi lần bay, trực thăng chỉ bay trực 7 giờ. Nhưng lần này, vì nhiệm vụ đặc biệt, anh em đã bay hơn 8 giờ liền. Cả bay đi và bay về, trực thăng đã bay quãng đường hơn 2.000 cây số trên biển, ở độ cao 1.500m trở xuống nên rất vất vả. Đặc biệt, lần này anh em độc lập tác chiến, không có máy bay chuyển tiếp như mọi lần nên khó khăn hơn rất nhiều”. 

Đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu
Đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu

Còn tổ bay trực thăng MI của Công ty Trực thăng miền Bắc vượt biển ra đảo Cồn Cỏ khi gió mùa Đông Bắc đầy trời. Thời tiết khu vực miền Trung, đặc biệt từ Vinh đến Đèo Ngang rất xấu, tầm nhìn dưới 1,5 ki-lô-mét, có mưa giông, tổ bay phải bay trên mây ở độ cao 1.800 mét và bay bằng thiết bị. Sau khi hạ cánh, nạp dầu tại sân bay Đồng Hới, chiếc trực thăng hướng ra biển, men theo bờ biển ở độ cao 300 mét và khi đến Quảng Trị thì “bẻ lái”, hướng ra Cồn Cỏ ở độ cao 200 mét. Cồn Cỏ là bãi hạ cánh mới hoàn toàn đối với tổ bay, nên các anh xác định phương vị bay dựa trên tọa độ do Quân khu 4 cung cấp. 

 Trong chuyến bay ngày 3/9/2015, Thượng tá Ngô Vy Sơn cho biết: “Sau tám giờ bay căng thẳng nhưng với tinh thần trách nhiệm cao và xác định bay cấp cứu là nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị, tổ bay đã khắc phục mọi khó khăn, thực hiện chuyến bay thành công, an toàn. Chuyến bay cấp cứu lần này diễn ra khó khăn vì bay liên tục trên biển ban đêm và thời tiết xấu, bệnh nhân rất nặng nên phải bay tầm thấp bay dưới 500 m so với mặt nước biển. Nhưng tổ bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. 

Đọc thêm