Những “cột mốc sống” ở biên giới Lai Châu

(PLO) - Nhiều năm qua đồng bào các dân tộc ở biên giới Lai Châu đã tự nguyện sát cánh cùng lực lượng biên phòng bảo vệ đường biên, mốc giới. Vì vậy, việc đảm nhận trông coi biên giới đã trở thành phong trào rộng khắp trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từ lâu, họ trở thành những “cột mốc sống”, cùng lực lượng biên phòng canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. 
Bộ đội Biên phòng Lai Châu phối hợp cùng dân quân địa phương tuần tra biên giới
Bộ đội Biên phòng Lai Châu phối hợp cùng dân quân địa phương tuần tra biên giới

Trong tâm khảm của mỗi người dân, dù miền ngược hay miền xuôi, dù người Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như ai cũng đều nghĩ rằng việc quản lý đường biên mốc giới là nhiệm vụ chính của lực lượng bộ đội biên phòng.

Thế nhưng, đối với đồng bào các dân tộc vùng cao Lai Châu, thì việc này lại là trách nhiệm chung và cao hơn cả là tình yêu quê hương, đất nước mình. Vì vậy, dù là đảng viên hay quần chúng nhân dân, họ đều có bổn phận bảo vệ, giữ gìn để đất nước, quê hương mình được bình yên. 

Người đàn ông dân tộc Mông tên Mùa A Sình (ở bản Hang É, xã biên giới Pa Vây Sử) - một “cột mốc sống” được người dân trên khắp dải biên giới Lai Châu nhắc nhiều vì thành tích gần 10 năm bám biên với phòng trào “tự quản đường biên, mốc giới”.

Đúng với tính cách của một nông dân vùng cao chân chất, vóc dáng nhỏ thó, nước da ngăm đen và mái tóc vàng sạm cháy nắng, thích làm hơn nói, ông Sình bộc bạch: “Đường từ nhà lên nương thảo quả mất vài giờ đi bộ vượt núi, luồn rừng vất vả lắm. Nhưng chỉ khi nào ốm, cái mắt nó mờ, bước không qua nổi hòn đá tôi mới phải nhờ đến người nhà lên nương, lên mốc biên giới. Từ khi gia đình tôi và bà con trong bản được chính quyền và cán bộ biên phòng cho ký cam kết tự quản, đường biên mốc giới thì tôi càng phải có trách nhiệm và cố gắng hơn”.

Cũng như gia đình lão nông Mùa A Sình, từ nhiều năm nay gia đình ông Ly A Sa (SN 1962, người Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ) đã ký kết tham gia bảo vệ đoạn biên giới dài gần 2 ki lô mét, nơi đặt vị trí cột mốc 70 trên biên giới Việt - Trung. Đồng hành với ông là vợ cùng 9 người con nhiều năm nay đều hăng hái tham gia và các thành viên trong gia đình cũng coi đây như một niềm vinh dự, tự hào.

Là một đảng viên ở cơ sở, nên ông càng rõ trách nhiệm của mình là làm gương cho bà con trong bản. Hàng ngày, cùng với việc lên chăm sóc nương thảo quả gần đường biên, ông và người thân trong gia đình đều không quên thăm cột mốc. Chưa một dấu vết lạ nào trên đường biên, cột mốc có thể qua được mắt ông.

Ông Ly A Sa kể: “Cách đây mấy năm, một lần tôi ốm mà thời gian đó lại là ngày mùa, cả nhà đi thu hoạch lúa hết, nên không ai đi thăm biên giới. Sau mấy ngày nghỉ ốm, thấy trong người không yên, với linh cảm có gì đó không hay xảy ra trên biên giới, tôi đã bảo đứa con trai lớn đi cùng lên biên giới. Đúng như linh tính, khi lên tới gần mốc, thấy có mấy người đang phát nương lấn sang đất mình. Tôi đã giải thích cho bà con hiểu quy chế biên giới, rồi bảo đứa con trai về báo với bộ đội biên phòng. Nhờ đó mà đã kịp thời ngăn cấm được việc xâm canh và cũng từ đó đoạn biên giới, với cột mốc 70 đã gắn liền với cuộc sống của gia đình tôi”.

Những cái tên như Mùa A Sình, Ly A Sa cũng như hàng trăm hộ gia đình trên dải biên cương Lai Châu đã ký kết bảo vệ đường biên với các đồn biên phòng ở địa phương và chính quyền địa phương. Để rồi, khi bám biên, họ đều có những thông tin cập nhật chính xác và kịp thời nhất báo cáo về tình hình đoạn biên giới mà gia đình mình quản lý.

Đại tá Phan Hồng Minh, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu cho biết: “Các tổ tự quản và các hộ dân canh tác trên giáp biên giới đã đóng góp rất nhiều, giúp bộ đội biên phòng trong việc quản lý và bảo vệ biên giới. Bà con đã kịp thời phát hiện ra các vấn đề, các vụ việc xảy ra trên biên giới, những thay đổi của đường biên, cột mốc để báo cáo với bộ đội biên phòng xử lý. Chúng tôi đã triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và hiện đã triển khai đến các xã và tới đây sẽ tiếp tục phối hợp với các huyện biên giới để mà ra quyết định công nhận để đưa vào hoạt động theo nền nếp”.

Ở các bản làng vùng cao, trải dài hơn 265 ki lô mét trên tuyến biên giới Lai Châu, việc tự quản đường biên, mốc giới những năm qua đã trở thành phong trào rộng khắp trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 01 năm 2015 về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; tỉnh Lai Châu đã phát triển lên hơn 200 nhóm hộ và tổ tự quản đường biên mốc giới, quản lý 83/101 mốc và 200 tổ tự quản an ninh trật tự thôn bản ở 23 xã biên giới. Số lượng đồng bào các dân tộc địa phương tham gia các tổ, nhóm tự quản ngày càng đông, bởi biên giới Lai Châu đã ở trong lòng dân và lòng dân chính là biên giới.

Chiều biên giới Lai Châu ngày cuối thu thật bình yên. Khắp một dải quan san trùng điệp, nhuộm kín màu vàng của lúa chín và màu xanh của những cánh rừng đại ngàn. Mùa nào mây cũng trôi, nước cũng chảy về hạ nguồn và đứng trước những “cột mốc sống” hiên ngang ngày đêm bám biên, khiến trong lòng mỗi người trỗi dậy tình yêu bản làng, quê hương, đất nước. Để rồi khi chia tay, lẫn trong màu vàng của lúa, màu xanh của rừng có màu mắt của các cô gái dân tộc Dao, Hà Nhì, Mông… hòa trong cuộc sống yên bình trên dải biên cương xa ngái điệp trùng. 

Đọc thêm