Những 'cột mốc sống' trên biển Hoàng Sa

(PLO) - Trải qua bao biến thiên của lịch sử, sự khốc liệt của thiên nhiên, nối tiếp truyền thống cha ông, những ngư dân Việt vẫn ngày đêm vững vàng bám biển mưu sinh. Họ chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển, khẳng định quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam.
Ngư dân vui mừng sau chuyến biển thành công
Ngư dân vui mừng sau chuyến biển thành công

“Kình ngư” trên biển Hoàng Sa

Sáng 1/1/2017, tại buổi Lễ kỷ niệm 20 năm TP Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2017), Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã trao tặng danh hiệu “Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” cho 20 cá nhân xuất sắc, tiêu biểu có những đóng góp đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố 20 năm qua. Trong số đó, có 2 ngư dân xuất sắc thường xuyên bám biển Hoàng Sa, góp phần cùng các cơ quan chức năng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc là ngư dân Lê Văn Chiến (quân Thanh Khê) và ngư dân Trần Văn Mười (quận Sơn Trà). 2 ngư dân này cũng vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam. Hàng chục năm qua, ngư dân Lê Văn Chiến là một “kình ngư” trên biển Hoàng Sa.

Theo nghiệp gia đình cha truyền, con nối, ngư dân Lê Văn Chiến (SN 1966, ở tổ 10, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) đi biển từ thuở 13. Thời đó, điều kiện khó khăn, máy móc lạc hậu, ngư dân phải tự tích lũy kinh nghiệm để đối phó với những hiểm nguy, bất trắc của đại dương. Vì không có hải đồ và thiết bị điện tử, ngư dân đi biển đều phải thuộc một bài hò để nắm được hải trình, luồng lạch: “Ơ… Hòn Dứa, Hòn Đụt, Hòn Mang khéo nước cản đàng/ Ớ… chứ hiểm nguy Hòn Lựa, Mũi Rào nhớ ghi chỗ mô rạng đá ta thì…ơ…”. 37 năm đi biển, nhiều lần đối mặt với bão gió, tử thần, đúc rút được nhiều kinh nghiệm nên ông Chiến được các ngư dân coi là  “thủ lĩnh” trong những chuyến xa khơi. 

Trung tá Nguyễn Văn Thương - Chính trị viên Đồn BP Phú Lộc, BĐBP Đà Nẵng cho biết: “Không chỉ giỏi về phương hướng, các quy luật của biển cả, luồng và mùa cá, ông Chiến còn là người nhanh nhạy, luôn tìm kiếm, phát hiện ra những ngư trường nhiều cá, sau đó thông báo cho các tàu cá khác cùng khai thác. Ông Chiến luôn nhiệt tình kêu gọi ngư dân đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau mỗi khi gặp thiên tai, hoạn nạn, trở thành chỗ dựa vững chắc của các ngư dân trên biển. Từ ngoài biển, ông Chiến đã cung cấp rất nhiều thông tin cho đơn vị, từ thông tin các tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền đến thông tin các tàu gặp nạn, ông đều báo cáo kịp thời cho đồn”. 

Năm 21 tuổi, dù được cha giao cho một con tàu nhỏ công suất 60CV với hơn 10 lao động, thuyền trưởng Chiến vẫn vững vàng rong ruổi hết ngư trường Hoàng Sa đến ngư trường Trường Sa để theo luồng cá. Sau 10 năm dành dụm cộng tiền vay ngân hàng, năm 1995, ông Chiến đã trở thành chủ tàu cá ĐNa 90351TS công suất 500CV, giá 700 triệu đồng. Có tàu lớn, ông có điều kiện bám biển dài ngày và đã giúp đỡ, cứu sống nhiều ngư dân, tàu thuyền khác bị tai nạn trên biển.

3 giờ sáng ngày 14/3/2008, tàu cá ĐNa 7031TS của ông Phạm Mi Em (ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đang câu mực vùng biển Hoàng Sa thì bình ga trên tàu phát nổ. Đang ngủ, ông Chiến nghe tiếng kêu cứu “Tàu tui bị nạn đang bốc cháy trên biển” từ máy bộ đàm tàu cá ông Em. Nhìn qua ô cửa, giữa đêm đen, ông Chiến thấy một vùng biển đỏ rực, liền chỉ đạo anh em thu lưới, nhổ neo, thẳng hướng có lửa cháy để cứu người. Đồng thời, ông cũng liên lạc với các tàu gần đó cùng tham gia ứng cứu. Khi đến nơi, tàu ông Em đã chìm, trên biển chỉ còn những vệt lửa nhỏ và ngổn ngang các thiết bị trôi dạt. 

Tại hiện trường, tàu cứu hộ phát hiện 2 ngư dân là Đào Ngọc Mại và Lê Văn Dũng còn sống nhưng một bị bỏng và một gãy chân. Ông Chiến và các ngư dân đã vớt 2 người bị thương lên sơ cứu và điện về Đồn BP Phú Lộc, Trung tâm cứu hộ, Đài Duyên hải miền Trung gọi cấp cứu. Sau đó, ông chỉ đạo anh em tiếp tục tìm kiếm và cứu sống thêm 15 người khác đang trôi dạt trên biển. 

Đưa được hết số người lên tàu, do 2 người bị thương sốt cao, tính mạng nguy kịch, sẽ chết nếu không được cứu chữa kịp thời, trong khi nếu chạy tàu vào bờ thì mất nhiều thời gian nên ông Chiến đã gọi cho Đài Duyên hải miền Trung, yêu cầu được nối máy với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia và khẩn thiết đề nghị Trung tâm này liên lạc với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị lực lượng cứu hộ Trung Quốc điều phương tiện cứu người. 30 tiếng đồng hồ sau, 2 thuyền viên này được tàu Trung Quốc đưa đi cấp cứu kịp thời. 

Năm 2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tàu ông Chiến luôn kiên cường bám biển. Ngày 26/5/2014, tàu ĐNa 90152TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) khi đang đánh cá cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bất ngờ bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm, 10 ngư dân trên tàu bị hất xuống biển. Tàu của ông Chiến cùng với các tàu cá khác đã kịp thời hỗ trợ, ứng cứu. Sau đó, 5 tàu cá của ngư dân đã kéo tàu cá bị chìm vào bờ, trên đường đi gặp tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 957 ra ứng cứu nên bàn giao tàu chìm cho tàu kiểm ngư lai dắt vào bờ.

Cuối tháng 6/2015, khi đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, ông Chiến nhận được tin báo, tàu cá ông Trần Văn Thanh (ngư dân Đà Nẵng) trong lúc hành nghề câu mực đã bị gãy trụ cẩu làm 3 người bị thương nặng, trong đó, có 1 người nguy kịch tính mạng. Tàu ông Chiến đã nhanh chóng lên đường tìm kiếm tàu bị nạn, hỗ trợ sơ cứu người bị thương, đồng thời liên hệ về đất liền xin tàu ra cứu hộ. Sau khi tàu của Trung tâm cứu hộ hàng hải Khu vực 2 chạy từ Đà Nẵng ra đưa những người bị thương về đất liền chữa trị, tàu ông Chiến mới tiếp tục đánh cá. 

Năm 2011, ông Chiến được Hội Nông dân phường Xuân Hà và Phòng Kinh tế quận Thanh Khê chọn thí điểm mô hình sử dụng máy tầm ngư dò ngang, do Trung tâm Khuyến ngư TP Đà Nẵng lắp đặt và là tàu cá đầu tiên sử dụng máy dò ngang được ứng dụng tại Đà Nẵng. Nhờ đó, năng suất mỗi chuyến biển của ông đều cao hơn trước, doanh thu mỗi năm lên đến vài tỷ đồng, sau khi trừ các chi phí, ông lãi gần 1 tỷ đồng. Xông xáo, làm ăn giỏi, ông Chiến được các ngư dân trong phường bầu làm Tổ trưởng Tổ khai thác xa bờ với đội tàu 5 chiếc công suất từ 90CV đến 500CV cùng hơn 50 lao động làm việc thường xuyên. Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, phường Xuân Hà giao ông trách nhiệm làm Hội trưởng Hội Nghề cá của phường, phụ trách 9 tàu đánh bắt xa bờ với hơn 90 thuyền viên, luôn lấy ngư trường Hoàng Sa làm ngư trường đánh bắt chính.

“Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” - kình ngư biển Hoàng Sa Lê Văn Chiến
“Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” - kình ngư biển Hoàng Sa Lê Văn Chiến

Kiên cường bám biển

Hàng chục năm qua, ngư dân Việt vững vàng bám biển, mưu sinh trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng bãi ngầm Macclesfield (ngư dân thường gọi là vùng biển Mác Léc Phiêu). Bãi ngầm Macclesfield cách hòn đảo cuối cùng của quần đảo Hoàng Sa 74 hải lý về phía Đông, gồm vùng rạn san hô ngầm rộng 6.448km2. Tên gọi của bãi ngầm xuất phát từ sự kiện tàu Macclesfield của Anh khám phá ra bãi ngầm này vào năm 1701. Vùng biển này được ví như một cao nguyên trên Biển Đông với nhiều độ sâu, có nơi chỉ vài mét, có nơi vài trăm mét và nằm chìm hoàn toàn dưới biển. Nơi đây là vựa tôm cá rất phong phú, nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế. 

Theo luật pháp quốc tế, Mác Léc Phiêu nằm trên tuyến hàng hải tự do. Trước đây, do tàu công suất nhỏ, tàu cá từ đất liền bám vào các đảo ở Hoàng Sa ra đến đảo Bom Bay thì dừng lại nghỉ ngơi, rồi mới chạy nối ra bãi ngầm Macclesfield. Hàng chục năm qua, ngư dân Việt Nam đã làm chủ vùng biển này. Nơi đây đã trở thành làng chài giữa Biển Đông của ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên vài năm nay, tàu tuần tra Trung Quốc xuất hiện, thông báo đây là đảo Trung Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc. 

Tàu cá ngư dân cắt ngang khu vực biển Hoàng Sa để ra bãi ngầm Macclesfield hoặc đi biển trở về, liên tục bị tàu Trung Quốc chặn lại và bắt đi về hướng Nam 60 - 70 hải lý rồi mới được vòng ra. Chiếc “barie phi pháp” đã gây quá nhiều khó khăn cho ngư dân. Thế nhưng, tàu cá Việt Nam vẫn kiên định bám biển, trở thành biểu tượng cột mốc chủ quyền biên giới biển. Tàu vào vùng biển “nóng” Hoàng Sa, ngư dân lại treo cờ. Những lá cờ đỏ sao vàng hiên ngang tung bay rực rỡ trên nóc tàu. Gần tết, biển êm, vùng bãi ngầm rực rỡ ánh đèn của tàu ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản. 

Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) tuyên bố Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, ngư dân các tỉnh miền Trung tỏ ra hết sức vui mừng. Họ mong muốn các phán quyết này được thực thi, để bà con được tự do đánh bắt cá ở bãi ngầm Macclesfield, được đánh cá trên các vùng biển của Tổ quốc.

Sau sự kiện ngày 26/5/2014, tàu cá ĐNa 90152TS của bà Huỳnh Thị Như Hoa đã trở thành con tàu lịch sử. Sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm, con tàu được tàu kiểm ngư lai dắt về Đà Nẵng, trục vớt lên và đặt tại một xưởng đóng tàu ở âu thuyền Thọ Quang. Do tàu đã tan hoang, toàn bộ phần máy, vỏ tàu và ngư lưới cụ bị hư hại nên bà Hoa đã tự nguyện hiến tặng Nhà nước để TPĐà Nẵng bảo quản, trưng bày nó như một bằng chứng có giá trị lịch sử. Từ ngày đó, nó trở thành một biểu tượng ngoan cường của ngư dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh hải. 

Không nản lòng, gia đình bà Hoa tiếp tục đóng mới tàu cá khác. Bà Hoa cho biết: “Nếu lo sợ tàu phía Trung Quốc, gia đình tôi đã không vất vả hơn 5 tháng để đóng con tàu này. Ra ngư trường Hoàng Sa truyền thống, tàu cá của gia đình tôi cùng các tàu ngư dân Việt Nam không đơn thuần là đánh bắt hải sản mà còn gìn giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”. 

Ngày 21/1/2015, tàu gỗ đóng mới ĐNa 90657TS trị giá hơn 7 tỷ đồng do bà Huỳnh Thị Như Hoa làm chủ đã hạ thủy thành công tại âu thuyền Thọ Quang. Tàu được đóng theo mẫu của Thái Lan có chiều dài 21,8m, rộng 6,3m, tổng mã lực 944CV, trọng tải 50 tấn, có thể đánh bắt liên tục trong 20 ngày và chịu được sóng gió cấp 10. Ông Trần Văn Vốn (chồng bà Hoa) làm thuyền trưởng cùng các ngư dân từng gặp nạn lại tiếp tục ra Hoàng Sa đánh cá.

Còn “Công dân Đà Nẵng tiêu biểu” Trần Văn Mười (SN 1977, ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà) được biết đến là ngư dân trẻ, tiếp bước cha ông gìn giữ chủ quyền biển đảo. Hiện anh có 3 tàu công suất lớn trị giá gần 30 tỷ đồng thường xuyên bám biển Hoàng Sa. Tháng 3/2016, tàu vỏ thép ĐNa 90777 có tổng mức đầu tư 18,5 tỷ đồng, đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP do anh làm chủ đã hạ thủy. Con tàu dài 30,8m, rộng 7,5m, tổng công suất 822CV, vận tốc đạt 10 hải lý/giờ. Tàu này chứa được hơn 250 tấn hải sản, với hệ thống làm lạnh bằng công nghệ tiên tiến cách nhiệt PU, đủ chỗ ăn ngủ rộng rãi cho 20 thuyền viên và có thể hành nghề trên biển mấy tháng trời. Với con tàu hiện đại, anh Mười không phải lo đánh bắt cầm chừng, bỏ chuyến, thỏa chí tung hoành Hoàng Sa. Ngoài ra, anh Mười còn đầu tư, mở bãi tắm Mân Thái phục vụ nhu cầu của du khách và nhân dân, hợp tác với đối tác Hàn Quốc khai thác cá mực đá đem lại hiệu quả kinh tế cao... 

Đọc thêm