Những dòng sông 'chảy máu'

(PLO) - Những con sông nhiều nơi trên đất nước này từ nghìn năm nay vốn yên ả, nay đã dậy sóng ngầm. 
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và dòng sông Cầu bị nạo vét.
Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh và dòng sông Cầu bị nạo vét.

Báo Pháp luật Việt Nam ra ngày 21/3/2017 có bài “Không để “quyền lực đen” chi phối!” Đúng là “quyền lực đen” kinh hãi.  Chuyện Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh gửi đơn cầu cứu Thủ tướng vì bị nhắn tin đe dọa có lẽ là câu chuyện hy hữu, thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua. Câu chuyện cho thấy có một “thế giới ngầm” đang rút ruột tài nguyên (cát, sỏi và không loại trừ sa khoáng quý hiếm), làm những dòng sông “chảy máu”, làm mất đi tính tôn nghiêm của kỷ cương phép nước. 

“Chủ nghĩa đồng tiền” đã làm cho các dòng sông nếu như trước đây là những “dòng sông chết” vì ô nhiễm thì nay tiếp tục “chảy máu”.

Vì câu chuyện này, sáng qua 21/3, đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT dừng việc cấp phép nạo vét luồng lạch lòng sông, giao cho địa phương quản lý, cấp phép.

Có một thực tế đau lòng phải nói rằng: tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm để đối phó với các cơ quan chức năng. Việc khai thác trái phép cát, sỏi trên sông và cửa biển đã làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường, an toàn giao thông, đê điều, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường thủy.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn nhiều bất cập, nhiều địa phương chính quyền cấp cơ sở còn buông lỏng, chưa thường xuyên kiểm tra, thiếu kiên quyết trong xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm; còn có biểu hiện dung túng, bao che vi phạm; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự hiệu quả; một số quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong khi lợi nhuận từ việc khai thác trái phép cát, sỏi cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên vi phạm; tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này dễ xảy ra không kém phần nghiêm trọng.

Nói về luật pháp, hiện nay việc quản lý, cấp phép nạo vét luồng lạch lòng sông là trách nhiệm của Bộ GTVT, quản lý về tài nguyên dưới sông là do Bộ TN&MT phụ trách, quản lý nước lại do Bộ NN&PTNT. Tức là câu chuyện lòng sông thuộc phạm vi điều chỉnh của rất nhiều văn bản luật pháp, ví dụ: Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, Luật Giao thông đường thủy nội địa... và trách nhiệm quản lý nằm ở rất nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Có lẽ đã đến lúc phải rà soát lại các quy định của luật pháp về quản lý cát sỏi dưới lòng sông, “trói” trách nhiệm của cơ quan quản lý dù được giao cho địa phương hay bộ, ngành. Phải buộc họ phải từ chức nếu lộn xộn xảy ra và tăng cường sự giám sát của nhân dân, nếu không sẽ lại “đánh bùn sang ao”.

Đọc thêm