Những "quái thú" đáng gờm dưới lòng biển của Nga

(PLO) - “Sắp tới, hạm đội hải quân Liên bang Nga sẽ được nhận ba tàu ngầm hạt nhân mới, bắt đầu xây dựng từ năm 2014” - Tư lệnh Hải quân Nga Vladimir Korolev tuyên bố tại cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin với các sĩ quan.
"Vladimir Monomakh" gia nhập lực lượng trực chiến ngay trong năm 2016
"Vladimir Monomakh" gia nhập lực lượng trực chiến ngay trong năm 2016

"Trong tương lai, Hải quân sẽ được bổ sung thêm ba tàu ngầm hạt nhân mới, vốn bắt đầu được xây dựng từ năm 2014," — Tư lệnh Hải quân Đô đốc Vladimir Korolev cho biết. "Tôi có thể tự tin báo cáo rằng hạm đội được cung cấp tất cả mọi thứ cần thiết cho một đội ngũ chất lượng sẵn sàng nhiệm vụ chiến đấu", - ông Korolov báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao.

Thêm “chiến binh” ngầm

Trước đó, giới chức quân sự Nga cũng hé lộ, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ nhận chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược thứ hai của đề án 955 (lớp “Borey”) mang tên “Vladimir Monomakh” ngay trong năm 2016 này. Phó Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Phó Đô đốc Andrey Riabukhin nói với báo chí: "Vladimir Monomakh" gia nhập lực lượng trực chiến ngay trong năm 2016".

"Vladimir Monomakh" đã được biên chế vào thành phần chiến đấu của Hạm đội từ cuối năm 2014, hiện nay tàu đang trong giai đoạn thực hành các nhiệm vụ huấn luyện ở Hạm đội Biển Bắc và thực hiện một số hoạt động trong khuôn khổ chuẩn bị cho việc di chuyển đến  bán đảo Kamchatka. Vào cuối tháng 9/2015, lực lượng tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương đã được bổ sung thêm chiếc tàu ngầm tên lửa chiến lược đầu tiên của đề án  955 mang tên "Alexandr Nevsky".

Cùng với tàu ngầm chiến lược “Yuri Dolgoruky", "Vladimir Monomakh" đang chờ thời điểm xuất phát ra khơi. Trước đó, tàu ngầm hạt nhân chiến lược “Vladimir Monomakh” thuộc biên chế của Hạm đội Bắc đã thực hiện thành công cú bắn hai tên lửa đạn đạo liên lục địa “Bulava” từ biển Bạch Hải. "Cuộc phóng thử hai tên lửa đạn đạo liên lục địa đã khẳng định độ tin cậy trong hoạt động chức năng của tất cả các thành phần, cụ thể là tổ hợp tự động của tên lửa "Bulava" khi sử dụng cơ số đạn thông thường" - cơ quan báo chí-thông tin thuộc Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Những con tàu của đề án 955 loại "Borey" là tương lai của các Hạm đội Nga - báo "Izvestiya" nhận xét. Yếu tố then chốt của đợt kiểm tra là đảm bảo rằng mỗi con tàu đều sẵn sàng để phóng 16 tên lửa liên lục địa từ độ sâu 50 m ngay khi đang di chuyển trong trạng thái sóng biển cấp 6-7. Kết quả phóng tên lửa thành công và hủy diệt mục tiêu cho phép trong trường hợp xảy ra cuộc chiến tranh hạt nhân, Hải quân Nga đủ sức giáng đòn tấn công hạt nhân đáp trả vào đối phương.

Còn tạp chí Mỹ The Nation Interest cũng đưa tin, tàu ngầm hạt nhân K-329 Severodvinsk dự án 885 Yasen đã sẵn sàng tham gia các hoạt động diễn tập đầu tiên. Tàu ngầm có tên trong biên chế hạm đội từ tháng 6/2014 và hơn một năm qua, Severodvinsk trải qua các thử nghiệm nhà máy. Tàu ngầm K-329 Severodvinsk và các tàu ngầm khác thuộc dự án 885M sở hữu những tính năng xuất sắc, là đối thủ đáng gờm mang tên lửa có cánh. “Tôi ấn tượng tới mức đã đặt mua mô hình này qua thông tin công khai trên báo chí" — chuẩn đô đốc Mỹ Dave Johnson cho biết.

Tạp chí Mỹ đã dành riêng một đoạn mô tả tiềm năng của tàu ngầm hạt nhân Nga. K-329 Severodvinsk có thể đạt tốc độ 35-40 hải lý, ít tiếng ồn hơn các tàu ngầm Nga khác, lò phản ứng phục vụ suốt thời hạn sử dụng tàu. Một át chủ bài nữa của K-329 Severodvinsk là tổ hợp thuỷ âm học Irtysh kết hợp với anten hình cầu Amphora đặt ở mũi tầu. 8 ống phóng ngư lôi được bố trí ở giữa thân tàu, số lượng ngư lôi lên đến 30 chiếc.

Nhằm đến robot tàu ngầm hạt nhân

Trong khi đó, theo nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng tiết lộ, Hải quân Nga đang xem xét khả năng xây dựng robot tàu ngầm hạt nhân, nhằm giảm mạnh số lượng thành viên phi hành đoàn do tự động hóa các hệ thống số của con tàu. 

Những chiếc tàu ngầm tương tự đã được xây dựng trước đó ở Liên Xô (dự án tàu 705 (705K) "Lira" trong giai đoạn 1970-1990) Theo các chuyên gia, công nghệ mới sẽ cho phép chế tạo được đối tác mạnh mẽ hơn. "Hoàn toàn không cần phải xây dựng một con tàu mang tính cách mạng, như đã được thực hiện trong dự án 705. Con đường phù hợp là lập ra các robot tàu ngầm thông thường dành cho lớp này trên cơ sở các giải pháp kỹ thuật với sự gia tăng tự động hóa. Phi hành đoàn của một tàu ngầm như vậy có thể giảm xuống còn 50-55 người và sau đó còn khoảng  30-40 người. "

Nhà máy Sevmash ở Severodvinsk trong năm 2016 cũng bắt đầu đóng hai tàu ngầm hạt nhân dự án "Borei-M" và "Yasen-M". Tổng Giám đốc Mikhail Budnichenko cho biết. "Năm 2016 đối với tàu ngầm Kazan (dự án Yasen-M) là giai đoạn chuẩn bị rời xưởng để thử nghiệm trên biển xa," – ông Budnichenko nói thêm. Tổng cộng đến năm 2020, Hải quân Nga dự kiến tiếp nhận biên chế tám tàu ngầm dự án Borei. Tàu có chiều dài 170 mét, chiều rộng — 13,5 mét, lượng choán nước tối đa — 24.000 tấn. Tàu ngầm dự án Borei có thể mang tới 16 tên lửa đạn đạo liên lục địa triển khai trên biển R-30 "Bulava".

Nhưng người Nga dường như không muốn có một phút nào trong cuộc đua tăng tốc trên thị trường tàu ngầm quân sự. Đại diện chính thức của Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) mới đây đã thông báo, hình dáng tàu ngầm hạt nhân đa năng mới nhất thế hệ thứ năm “Husky” đã được hình thành, lực lượng Hải quân hiện đang thiết kế yêu cầu kỹ - chiến thuật (TTZ).

Tàu ngầm hạt nhân đa năng dự án "Husky" thế hệ thứ năm này được dự kiến thay thế tàu ngầm hạt nhân đề án 885 "Yasen" hiện đang xây dựng và đưa vào thành phần chiến đấu của Hải quân Nga. Đến nay, người ta mới chỉ rõ là tên lửa siêu thanh "Zircon" - hiện nay đang trong giai đoạn phát triển - sẽ được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân đa năng dự án "Husky" do văn phòng thiết kế "Malakhit" (St.Petersburg) tiến hành.

Hình dáng tàu ngầm hạt nhân đa năng mới nhất thế hệ thứ năm “Husky” đã được hình thành

Hình dáng tàu ngầm hạt nhân đa năng mới nhất thế hệ thứ năm “Husky” đã được hình thành

“Cuộc đua”

Giới quan sát quân sự phương Tây cho rằng, tàu ngầm tấn công Nga gần hai thập kỷ qua đang ra sức tiếp cận các bờ biển Scandinavia và Scotland, đồng thời tìm mọi cách để xuất hiện nhiều hơn tại Địa Trung Hải hay Bắc Đại Tây Dương. Điều này cho thấy Moscow dường như muốn nhắm đến mục tiêu thách thức vị thế thống trị đáy biển của Washington cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Những cuộc tuần tra bằng tàu ngầm là dấu hiệu dễ nhận biết nhất thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với cuộc chạy đua làm chủ đáy biển sâu. Nga những năm qua chi hàng tỷ USD để phát triển, chế tạo các lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ điện – diesel hay năng lượng hạt nhân mới, hoạt động êm hơn và trang bị nhiều vũ khí tối tân, theo New York Times.

Giới quan chức hải quân Mỹ cho hay, trong ngắn hạn, sự gia tăng số lượng tàu ngầm Nga, với khả năng thăm dò bờ biển châu Âu hay bí mật theo dõi các hạm đội tàu mặt nước phương Tây, sẽ buộc Washington phải mua sắm thêm chiến hạm, máy bay và kể cả tàu ngầm để ứng phó. Trong dài hạn, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 8,1 tỷ USD cho 5 năm tới nhằm "nâng cao năng lực tác chiến dưới đáy biển".

Điển hình là khoản đầu tư sắm mới 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia, có khả năng mang theo 40 tên lửa hành trình Tomahawk, gấp ba lần công suất hiện tại. "Chúng ta đang quay trở lại cuộc cạnh tranh siêu cường", đô đốc John M. Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tên lửa đạn đạo Bulava được phóng từ tàu ngầm “Vladimir Monomakh”

Tên lửa đạn đạo Bulava được phóng từ tàu ngầm “Vladimir Monomakh” 

Nga hiện sở hữu khoảng 45 tàu ngầm tấn công, trong đó 25 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, số còn lại chạy bằng động cơ diesel. Nhiệm vụ chính của những "quái thú" dưới lòng biển này là đánh chìm tàu ngầm hoặc tàu mặt nước đối phương, thu thập thông tin tình báo và tuần tra. Các tàu ngầm và tàu do thám Nga được cho là đang hoạt động rất gần các tuyến cáp biển quan trọng, lưu chuyển gần như toàn bộ mọi thông tin liên lạc Internet toàn cầu.

Còn Mỹ có 53 tàu ngầm tấn công, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, cùng 4 tàu ngầm hạt nhân khác trang bị tên lửa hành trình và chuyên chở các lực lượng đặc nhiệm. Khoảng 1/3 số tàu ngầm tấn công Mỹ liên tục hiện diện trên biển để tuần tra hoặc huấn luyện; những chiếc còn lại thường xuyên được bảo dưỡng luân phiên…

Đọc thêm