Những thời khắc đặc biệt trong hồi ức Trung tướng Phạm Xuân Thệ

(PLO) - Thời khắc lịch sử 30/4/1975 đã đi qua cuộc đời ông 42 năm nhưng mỗi khi nhớ lại, kể lại ông đều rành rọt, rõ ràng từng cánh quân, từng địa chỉ, từng khoảng cách như mới xảy ra ngày hôm qua. Chàng Đại úy áp giải Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng năm nào đã trở thành một Trung Tướng, một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. Nhưng với ông, Trung Tướng Phạm Xuân Thệ, ký ức hào hùng ấy mãi vẹn nguyên… 
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại sự kiện ngày 30/4/1975 với PV Báo PLVN.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ kể lại sự kiện ngày 30/4/1975 với PV Báo PLVN.

Binh đoàn thọc sâu nhận nhiệm vụ dẫn đầu đoàn quân…

Hàng năm, vào những ngày tháng tư, ngôi nhà của Tướng Thệ trên phố Nguyễn Hoàng Tôn, quận Tây Hồ, Hà Nội dường như đông khách hơn lệ thường. Đó là nơi gặp gỡ của những người làm báo với một người đặc biệt, người gắn liền với sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ở tuổi 70, nhìn ông vẫn toát lên khí chất của một người anh hùng. 

Từ giọng nói, cử chỉ đến những cái khoát tay… qua ký ức của ông, chúng tôi như được đi qua một thời kỳ lịch sử. Những hình ảnh kiêu hùng của đoàn quân chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, đi một dọc Việt Nam, bắt đầu từ Đà Nẵng, lần lượt đánh thắng toàn bộ quân đội Mỹ, Ngụy trấn giữ tại các tỉnh, thành lần lượt hiện ra trước mắt. 

Ngày ấy, Tướng Thệ mới là Đại úy, Trung đoàn phó của Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2. Quân đoàn 2 có vinh dự được thành lập đầu tiên tại chiến trường miền Nam và đảm nhiệm các sư đoàn chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị. Cứ sau mỗi một cuộc chiến, sư đoàn lại rút quân về huấn luyện đặc biệt. Đó là lý do các nhà quân sự gọi là sư đoàn thiện chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam. 

17h ngày 29/4/1975, đội quân của binh đoàn thọc sâu xuất phát hành quân với hơn 400 xe. Riêng Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 7, Đại đội 1 và Đại đội 2, cứ mỗi tiểu đội lên một chiếc xe tăng, mỗi đại đội có 10 chiếc xe tăng. Một tiểu đoàn xe tăng có 30 chiếc, mỗi một đại đội như vậy là 10 chiếc. Do vậy, cứ 1 đại đội xe tăng là có 1 đại đội bộ binh. Tiểu đoàn 7 là tiểu đoàn đi đầu địa hình, ngồi toàn bộ trên xe tăng. Đại úy Thệ khi ấy được ban chỉ huy trung ương đoàn giao nhiệm vụ đi cùng tiểu đoàn 7 để chỉ huy chiến đấu.

Trận chiến dữ dội trước cửa ngõ Sài Gòn

Lúc này, bầu trời Sài Gòn chỉ còn chủ yếu là máy bay trực thăng, làm nhiệm vụ chính là di tản ngụy Sài Gòn và các viên chức của chính quyền Sài Gòn ra tàu. Trực thăng vũ trang ít, chủ yếu là các trận địa pháo. Đến 21 đội quân của Đại úy Thệ bắt đầu hành quân đến cầu Sông Buông. Trước đó ngày 27, 28 địch rút chạy làm hỏng cầu Sông Buông, cách ngã 3 xa lộ Sài Gòn, Biên Hòa khoảng 4km. Quân đoàn đã phải điều lữ đoàn công binh lên khắc phục cầu mất khoảng 2 giờ đồng hồ. 

Đến 23 giờ, đội hình đầu tiên mới tiếp tục di chuyển qua cầu sông Buông, tiếp cận sâu vào nội đô. 4 giờ sáng đội quân vượt qua ngã tư Thủ Đức. Khi đến ngã tư Thủ Đức, bị địch nổ súng chặn lại, các chiến sĩ của ta phải dàn trận chiến đấu tại đây mất 15 phút thì địch bỏ chạy. Khoảng 5h30-6h đội quân của ta đến chân cầu Sài Gòn. Một trận chiến khá lớn đã diễn ra tại địa điểm này. 

Đội hình bộ binh chiến đấu 2 tiếng đồng hồ từ 6h-8h thì tiêu diệt được 4 chiếc xe tăng của địch : xe tăng M41, M113, xe tăng thiết giáp M113, bắn cháy 2 tàu chiến ở dưới sông Sài Gòn và tiêu diệt nhiều ụ súng lô cốt của địch. Chiến đấu hơn 1 tiếng, xe tăng của địch cháy trên cầu Sài Gòn, đạn trong xe tăng nổ rất nhiều, nguy cơ sập cầu Sài Gòn hiển hiện. 

Đúng lúc này, đồng chí Hoàng Đan, khi đó là Phó Tư lệnh Quân đoàn, đồng chí Nguyễn Ân là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, từ sở chỉ huy cơ bản chạy xe lên nói với Đại úy Thệ: “Các cậu phải đưa quân vượt qua cầu Sài Gòn càng nhanh càng tốt. Nếu chậm địch sẽ phá cầu Sài Gòn thì sẽ không vào được. Nếu có chết thì phải chết bên kia cầu Sài Gòn”. Kể lại với chúng tôi về mệnh lệnh của các cấp chỉ huy, Tướng Thệ bật cười, bảo ông hiểu được sự cấp thiết, sống còn của việc vượt qua cầu Sài Gòn. 

Thế là cả đoàn quân dàn trận, khéo léo tìm cách lách qua chiếc xe tăng vẫn cháy bùng bùng trên cầu. Đến ngã tư Hàng Xanh, Đại úy Thệ phải dừng lại để hỏi đường đến Dinh Độc Lập, vì ông chỉ có bản đồ hành chính, không có bản đồ quân sự. Trên đường đi, đội quân gặp một người dân, trên vai vác một lá cờ, sẵn sàng lên xe để chỉ đường gần nhất đến Dinh. 

Khi đến cổng Dinh Độc Lập, xe tăng thứ nhất do anh  Bùi Quang Thận chỉ huy húc vào cánh cổng bên trái của cổng chính Dinh Độc Lập và mắc kẹt vào đó. Xe tăng thứ hai do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy đâm bật tung cánh cổng chính tiến vào sân...  Chiếc xe Jeep của Đại úy Thệ theo xe đi vào. Trong ý chí của Đại úy Thệ lúc ấy chỉ nghĩ đến cách tìm đường để cắm cờ của quân giải phóng lên nóc dinh. 

Những thời khắc đặc biệt…

Nhưng không ngờ, vừa hết cầu thang tầng 1, Đại úy Thệ gặp một người cao to, mặc áo cộc tay, tự giới thiệu là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh - phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nói: “Toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đang ngồi trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc”. Nghe vậy, Đại úy Thệ mới biết nội các còn trong đó.

Tiến vào bên trong, khi nghe Tổng thống Dương Văn Minh nói: “Chúng tôi đã biết quân giải phóng tiến quân vào nội đô và đang chờ quân giải phóng vào để bàn giao”, Đại úy Thệ khảng khái trả lời: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả”. Trong đầu Đại úy Thệ khi ấy không xuất hiện bất kỳ một suy nghĩ nào khác. Ông cũng không thể ngờ đến việc nội các ngụy quyền vẫn còn ở trong nội đô. Và ông chỉ nghĩ đến việc yêu cầu Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng càng sớm càng tốt.

Ra đài phát thanh thì Dương Văn Minh sợ không đảm bảo an toàn. Đại úy Thệ khi ấy cũng không còn cách nào khác để lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền được phát đi sớm nhất nên ông dứt khoát bắt Dương Văn Minh phải đi. Và đích thân ông áp giải Dương Văn Minh lên chiếc xe Jeep của mình để đến Đài phát thanh.

Đài phát thanh lúc này đã trở nên “vườn không nhà trống”. Đại úy Thệ đưa Dương Văn Minh vào phòng phát thanh, đích thân ông soạn thảo lời đầu hàng. Sau đó, những lời đầu hàng “Tôi - Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi quân lực Việt Nam Cộng hòa bỏ vũ khí, đầu hàng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi chính quyền từ trung ương đến địa phương giải tán, trao lại chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” được phát trên sóng phát thanh. Và quân giải phóng lần lượt tiếp quản những địa điểm cốt yếu của Sài Gòn, làm nên một mùa Xuân đại thắng. 

Trong khi cả nước hân hoan với chiến thắng, các đồng đội của Đại úy Thệ ăn mừng thì anh lại lo lắng về lời nói của một cấp chỉ huy sau khi đưa lại Dương Văn Minh về Dinh Độc Lập. “Anh là ai? Ở đâu? Anh ở đơn vị nào? Ai cho phép anh tự ý đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh? Nếu anh làm sai tôi cách chức anh, bỏ tù anh…”. 

Chàng Đại úy Thệ lúc ấy cũng tức giận, quát lại (vì không biết ông ấy là chỉ huy cấp trên): “Tôi đưa Tổng thống Dương Văn Minh đi đọc tuyên bố đầu hàng, anh làm gì mà nhắng lên thế”. May lúc đó có Sư trưởng trực tiếp của Đại úy Thệ là Nguyễn Ân (Sư trưởng Sư đoàn 304) nói: “Nó là thằng Thệ, E phó E66. Sai đâu để sau, cho nó về chỉ huy đơn vị”. Lúc đó Đại úy Thệ mới biết người ấy là Phó chính ủy Quân đoàn 2 Công Trang. 

Và chỉ sau khi được Sư trưởng Nguyễn Ân động viên “cậu làm tốt lắm”, Đại úy Thệ mới yên tâm đi ngủ, để hôm sau tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ. Bây giờ, mỗi khi nhắc lại sự kiện này, Đại úy Thệ năm nào chỉ cười và bảo “Trong đầu tôi lúc ấy chỉ xuất hiện duy nhất một ý nghĩ phải bắt Tổng thống Ngụy quyền tuyên bố đầu hàng”.  

Thời khắc lịch sử của Việt Nam đã ngay lập tức được đưa lên trang nhất tất cả các đầu báo phương Tây thời kỳ ấy. Một chiến thắng vĩ đại! Một chiến công thần tốc! Và trong lúc cả thế giới đang ca ngợi chiến thắng của Việt Nam thì Đại úy Thệ vẫn tiếp tục cùng đồng đội viết tiếp trận chiến lịch sử của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng…  

Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I, sinh năm 1947 tại Khả Phong, Kim Bảng, Hà Nam, nhập ngũ năm 1967. Trong kháng chiến chống Mỹ, chức vụ, quân hàm cao nhất của ông là Đại úy, Trung đoàn phó E66. Năm 1991, ông trở thành Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304. Năm 1995, ông được phong Thiếu tướng, Tư lệnh Quân đoàn 2. Năm 2002, ông được phong Trung tướng, Tư lệnh Quân khu 1.
Tháng 1/2008 ông nghỉ hưu. Trung tướng Phạm Xuân Thệ được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Huy chương Quân kỳ hạng Ba, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng...Ngày 14/4/2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng Trung tướng Phạm Xuân Thệ danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ. 

Đọc thêm