Những thông số đặc biệt trên bộ linh khí dâng lên Đại tướng

(PLO) - Các thông số, hoa văn và hình hài của bộ linh khí gồm: trống đồng, đôi súng thần công và kiếm lệnh dâng lên trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân 100 ngày mất đều gắn với những điều rất đặc biệt...

Trống đồng, súng thần công được dâng lên và trưng đặt nghiêm trang trước khu mộ vị Đại tướng huyền thoại.
Trống đồng, súng thần công được dâng lên và trưng đặt nghiêm trang trước khu mộ vị Đại tướng huyền thoại.
Sáng đẹp trời nơi đất thiêng
Bộ linh khí này đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh - Hội Cổ vật Thanh Hóa vận chuyển vượt qua hàng trăm cây số xa xôi từ xứ Thanh vào đến Quảng Bình để kịp dâng lên anh linh người đúng dịp 100 ngày người mãi mãi an giấc ngàn thu.
Sáng 11/1, tiết trời nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình chìm trong mưa phùn và gió lạnh. Nhưng tại nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp an giấc thiên thu – đất thiêng Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), vòm trời xanh trong và hửng nắng, tỏa ấm áp lên khu mộ người. Buổi giao nhận linh khí cũng đã diễn ra ấm áp như thế, bằng chính tấm lòng thành kính hết mực của đoàn người từ xứ Thanh dâng lên người.
Lễ dâng các linh vật lên trước mộ người được diễn ra trong không khí trang trọng, linh thiêng với sự tham dự của gia đình Đại tướng, đại diện chính quyền địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh - Hội Cổ vật Thanh Hóa… Những linh vật này được các nghệ nhân đúc đồng điêu luyện thuộc cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Minh Tuấn ở TP.Thanh Hóa thực hiện. Toàn bộ nguồn kinh phí do Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh tự vận động đóng góp và trang trải.
Con trai cả Võ Điện Biên và con trai út Võ Hồng Nam của Đại tướng (lần lượt sau và trước bên phải) tiếp nhận súng thần công do các nghệ nhân đúc đồng ở Thanh Hóa đúc tặng.
Con trai cả Võ Điện Biên và con trai út Võ Hồng Nam của Đại tướng (lần lượt sau và trước bên phải) tiếp nhận súng thần công do các nghệ nhân đúc đồng ở Thanh Hóa đúc tặng. 
Tại buổi lễ bàn giao và tiếp nhận trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh, ông Võ Điện Biên – con trai cả của Đại tướng đã gửi lời cảm ơn chân thành đến tấm lòng ngưỡng vọng, thành kính của các nghệ nhân, đại diện đến từ Thanh Hóa đến người cha vĩ đại của mình - vị Tướng huyền thoại, người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Vào năm 2008, Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh và nghệ nhân đúc đồng Thiều Quang Tùng (ở xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) cũng đã đúc một chiếc trống đồng và một thanh kiếm lệnh dâng tặng lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Đại tướng thụ phong hàm. Hiện hai vật phẩm mang tính biểu tượng này đang được lưu giữ tại nhà riêng của Đại tướng ở số 30 đường Hoàng Diệu (Hà Nội).
Võ Thành Trung - cháu nội Đại tướng cầm trên tay kiếm lệnh của các nghệ nhân xứ Thanh đúc dâng lên anh linh người.
Võ Thành Trung - cháu nội Đại tướng cầm trên tay kiếm lệnh của các nghệ nhân xứ Thanh đúc dâng lên anh linh người. 
Những thông số đặc biệt
Ông Hồ Quang Sơn - Chủ tịch Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh cho biết, trước đó UBND tỉnh Quảng Bình và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đồng ý để Liên Chi hội cùng các nghệ nhân đúc đồng xứ Thanh thực hiện việc luyện đúc bộ vật phẩm này để dâng lên viếng người. Và ngày 22/12/2013 vừa qua, lễ chập lò, đúc trống đồng, súng thần công và kiếm lệnh dâng tặng anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh -  Hội Cổ vật Thanh Hóa thực hiện. Buổi lễ đã trở thành sự kiện văn hóa đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại tỉnh này.
Được biết, việc thực hiện ý tưởng thiêng liêng này được chủ trì bởi nhà sử học Dương Trung Quốc và ông Hồ Quang Sơn. Ngọn lửa chập lò luyện nung nguyên liệu đồng được lấy từ 3 nơi: Quê hương Lệ Thủy (Quảng Bình) của Đại tướng, Đền Đồng Cổ, huyện Yên Định (Thanh Hóa) và Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở TP.Thanh Hóa. Quá trình luyện đúc trống, súng và kiếm đã được các nghệ nhân ở Thanh Hóa thực hiện rất tỉ mỉ, khẩn trương theo phương pháp thủ công truyền thống Đông Sơn và hoàn thành trong vòng chưa đầy 20 ngày.
Theo đó, hai khẩu súng thần công đã được đúc bằng nguyên liệu đồng đỏ mô phỏng theo phiên bản súng thần công cổ của Việt Nam. Mỗi khẩu thần công nặng khoảng 100kg. Thân súng dài 103cm tượng trưng cho 103 năm tuổi thọ của người, chu vi nòng rộng 48cm, nhắc nhớ đến sự kiện năm 1948, khi người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong hàm Đại tướng. Thân hai khẩu thần công được khắc họa các hoa văn đặc sắc của nền văn mỹ từ thời Lý - Trần.
Hai thanh kiếm lệnh được đúc theo phiên bản kiếm đồng Đông Sơn với chiều dài 65cm (tượng trưng cho thời gian 65 năm từ khi người được phong hàm Đại tướng cho đến lúc từ trần). Chuôi kiếm được khắc hình hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dang rộng vòng tay chở che cho hai chiến sĩ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ thần thánh, vẻ vang của dân tộc Việt.
Cận cảnh chiếc trống đồng dâng lên, đặt trước mộ người.
Cận cảnh chiếc trống đồng dâng lên, đặt trước mộ người. 
Đặc biệt nhất là chiếc trống đồng, được đúc bằng đồng đổ nguyên chất, có kim ngân quý do nhân dân cung tiến, mô phỏng theo phiên bản trống đồng Ngọc Lũ được tìm thấy lần đầu tiên ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Đường kính mặt trống rộng 103cm tượng trưng cho 103 năm tuổi thọ của người, chiều cao trống được đúc đúng 91,1cm theo ba số cuối trong năm sinh của Đại tướng. 
Tổng trọng lượng của trống nặng gần 400kg. Thân trống được trang trí với 5 hình ảnh tiêu biểu trong sự nghiệp của Đại tướng, gồm: Chân dung Đại tướng chụp chung với Bác Hồ (lúc Đại tướng nhận quyền Tổng Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ); ngôi nhà lưu niệm của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm dung dị trên quê hương Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình); hình ảnh buổi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22/12/1944 với 34 chiến sĩ hào sảng đọc vang mười lời thề danh dự nguyện hiến thân chiến đấu hết mình cho Tổ quốc, nhân dân; Quốc kỳ tung bay phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ-cát đánh dấu thắng lợi của trận chiến Điện Biên Phủ vẻ vang và hình ảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, đập tan hoàn toàn sự thống trị của chính quyền Mỹ - ngụy tại miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước.
Sau lễ giao nhận, các linh vật được đặt nghiêm trang trước mộ vị Tướng Anh hùng, 2 khẩu thần công hướng nòng ra biển lớn hiên ngang, kiên vững như hồn phách dân tộc Việt trường tồn mãi vạn đời. Những linh khí này mang tính chất biểu tượng văn hóa lịch sử sâu sắc của dân tộc Việt và sẽ trở thành những đồ tế khí linh thiêng tại khu lăng mộ của Đại tướng về sau.

Đọc thêm