Những yếu tố trọng yếu để CNTT Việt Nam “hóa Rồng”

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2013 hôm qua chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 7 giải pháp trọng yếu để công nghệ thông tin thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới...

Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2013 hôm qua chính thức được khai mạc tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, trong đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh 7 giải pháp trọng yếu để công nghệ thông tin thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới...

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, với các nền tảng công nghệ di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn đang hình thành nên xu thế phát triển “thông minh” trên mọi lĩnh vực từ hạ tầng thông minh, đô thị thông minh, y tế và giáo dục thông minh đến Chính phủ thông minh và quốc gia thông minh.

Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp thích hợp về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, trong đó xác định công nghệ thông tin là một trong các động lực quan trọng nhất của phát triển, góp phần làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, vǎn hoá, xã hội.

Hơn 10 năm qua, công nghệ thông tin đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng và hiệu quả cao, đóng góp trực tiếp gần 7% GDP, đồng thời có tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Hạ tầng viễn thông và dịch vụ viễn thông Việt Nam đang từng bước phát triển để ngang tầm khu vực và thế giới.

Việt Nam đã có vị trí trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới. Mức độ triển khai Chính phủ điện tử của Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 4 trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã đứng trong Nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm và trở thành đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản. Hà Nội và TP HCM đã lọt vào danh sách 10 thành phố mới nổi về gia công phần mềm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.

Thủ tướng chỉ đạo, để công nghệ thông tin thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu cùng triển khai một số giải pháp chủ yếu:

Một là, nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển – tiến cùng thời đại.

Hai là, xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia.

Ba là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia.

Bốn là, xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư…, trong tiến trình phát triển.

Năm là, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực cạnh tranh vươn ra thị trường nước ngoài.

Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển công nghệ thông tin.

Bảy là, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, để thực hiện được những định hướng phát triển nêu trên, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất cao, sự chung tay, chung sức cùng hành động của tất cả các ngành các cấp, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu.

Thái Sơn

Đọc thêm