Niềm vui đẫm nước mắt ngày trao kết quả ADN xác định danh tính liệt sĩ

(PLO) - Đất nước thống nhất hơn bốn thập kỉ nhưng vẫn còn hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa được xác định danh tính. Nhiều người trong số họ ra chiến trường ở độ tuổi đôi mươi và không còn gặp lại người thân từ đó. Ở quê nhà, biết bao người cha, người mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn đau đáu căn dặn các con tiếp tục tìm kiếm anh chị vẫn còn nằm đâu đó trong hang đá, khe núi. Đó là những câu chuyện cảm động tại buổi trao kết quả giám định ADN cho thân nhân liệt sĩ tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH nhân dịp 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Hiện còn hơn 300.000 liệt sỹ chưa được xác định thông tin đầy đủ.
Hiện còn hơn 300.000 liệt sỹ chưa được xác định thông tin đầy đủ.

Niềm vui bất ngờ

Từ sáng sớm ngày 26/7, bốn thành viên gia đình chị Hoàng Thị Xuân (SN 1964, ngụ bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) có mặt tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH từ rất sớm. Họ xuống Thủ đô từ chiều hôm trước, sáng nay mặc trang phục truyền thống dân tộc Nùng đến đón em về. Người em chị Xuân là liệt sĩ Hoàng Văn Thưa (SN 1944), hy sinh tại mặt trận Nam Lào. Liệt sĩ Thưa là một trong 99 liệt sĩ được “trả lại tên” tại buổi trao kết quả giám định ADN sáng cùng ngày.

Liệt sĩ Thưa là em trai út trong tám anh chị em. Tháng 4/1962, anh Thưa theo lời tổng động viên, nhập ngũ vào chiến trường. Cũng từ đó gia đình mất liên lạc. Đến năm 1969 bố mẹ anh nhận được giấy báo tử thông báo con trai đã hy sinh vào tháng 6/1967 tại mặt trận 31 (Lào).

Hòa bình lập lại đã hơn bốn thập kỉ, nhưng gia đình chị Xuân lúc nào cũng mong mỏi tìm người em út hy sinh không rõ tung tích. Cũng nhiều lần họ dự định vào miền Trung tìm mộ liệt sĩ nhưng các anh chị em đều khó khăn, cơm từng bữa còn phải lo, nói gì đến tiền triệu làm lộ phí. Đó là chưa kể họ không có bất kì thông tin nào về phần mộ liệt sĩ Thưa. Bố mẹ liệt sĩ Thưa đến lúc nhắm mắt vẫn đau đáu căn dặn các con cố gắng tìm em về.

Mãi tới năm 2013, một người bạn gia đình chị Xuân thông qua mạng xã hội kể với gia đình rằng công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ đang được Nhà nước tổ chức quy mô. Theo đó, người nhà chỉ cần lên mạng điền thông tin cá nhân, gia đình… chứ không phải di chuyển tốn kém.

Dù mong manh hy vọng, cũng “chưa biết internet là gì” nhưng gia đình vẫn nhờ người quen đăng kí giúp. Thật bất ngờ khi chỉ vài tháng sau có cán bộ Sở LĐ-TB&XH Sơn La tìm về thu thập thông tin rồi lấy mẫu máu nói là để xét nghiệm xác định hài cốt liệt sĩ. Gia đình thêm hy vọng. Chờ đợi vài tháng, lại thấy có cán bộ về lấy mẫu tóc.

Bẵng đi ba năm sau, đến ngày 23/7/2016, gia đình vui sướng khôn cùng khi nhận được giấy mời của Bộ LĐ-TB&XH mời về Hà Nội nhận kết quả xét nghiệm ADN, thông báo đã xác định được phần mộ liệt sĩ Thưa. Gia đình xuống Hà Nội từ chiều ngày 25 để dự lễ. Sáng 26/7 có mặt tại hội trường cùng với 98 gia đình thân nhân liệt sĩ khác, chị Xuân và chị gái nổi bật bởi bộ trang phục truyền thống. Hai chị tâm sự phải ăn mặc quần áo truyền thống đi đón em trai. Họ tin rằng ngay trong hội trường lúc ấy, anh linh em trai đang gần kề các chị. Khi nghe đọc đến tên em, chị Xuân hô “có” vẻ dõng dạc, tự hào, khóe mắt rớm lệ. “Không ngờ lại tìm được em Thưa, gia đình chúng tôi mong chờ quá lâu rồi, giống như phép màu vậy”, chị nói.

Vui mừng không kém là vợ chồng cụ Trần Xuân Châm (SN 1936), cụ Quách Thị Thậm (SN 1937, ngụ khu 5B, phường Vàng Danh, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh). Em trai cụ Châm là con út trong gia đình, nhập ngũ năm 1963. Đến mùng 5 Tết năm 1968 gia đình nhận được tin người thân đã hy sinh.

Hòa bình lập lại, gia đình cụ Châm mỏi mòn hỏi dò tung tích em trai nhưng không một tin tức hồi đáp. Nhiều lần gia đình bàn kế hoạch vào miền Trung tìm mộ thân nhân nhưng không có bất cứ đầu mối thông tin nào để lên đường. Nỗi trăn trở tìm kiếm mộ em trai chỉ được tháo gỡ khi cách đây hai năm, cụ Châm quyết tâm tập hợp một số gia đình có người thân là liệt sĩ chưa tìm được hài cốt họp bàn. Họ cùng lên trụ sở Bộ LĐ-TB&XH nhờ giúp đỡ. May mắn rằng thời điểm này Bộ đang triển khai đề án tìm kiếm mộ liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN đồng loạt. Sau đó không lâu, cán bộ về tận nhà từng người lấy mẫu máu, mẫu tóc làm xét nghiệm.

Đây chỉ là hai trong gần 100 trường hợp được trao kết quả giám định ADN xác định danh tính đợt này. Cũng ngay sau buổi làm việc, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết sẽ gửi thông báo đến các đơn vị đang quản lý mộ phần liệt sĩ nhằm tạo điều kiện tối đa cho những gia đình có nguyện vọng đưa hài cốt liệt sĩ về an táng tại quê nhà.

Còn đó những trăn trở

Trao đổi tại buổi trao kết quả giám định, Thượng tá Nguyễn Lê Cát, Chủ nhiệm Khoa Xét nghiệm Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng) cho biết, việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ để xác định danh tính gặp rất nhiều khó khăn. Lí do bởi các hài cốt chôn lâu năm (từ 40 - 50 năm), thời tiết của Việt Nam nóng, ẩm đẩy nhanh quá trình phân hủy hài cốt.

Lần này, ông Cát cho biết đã lấy mẫu tại 1.804 ngôi mộ tại nghĩa trang Việt Lào, trong đó có 73 ngôi mộ không lấy được mẫu, một số ngôi mộ có mẫu không bảo đảm chất lượng nên khi phân tích gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình giám định, Viện đã phối hợp với rất nhiều cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để đẩy nhanh việc giám định hài cốt liệt sĩ nhằm đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Về hướng khắc phục, Đại tá Cát nói rằng với mẫu hài cốt liệt sĩ, cần đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, sau đó bảo quản trong điều kiện tốt nhất. Về thân nhân, hiện nay cũng có nhiều liệt sĩ còn thân nhân để lấy mẫu nhưng cũng không ít trường hợp thân nhân không còn nên không lấy được mẫu. “Theo tôi, việc lấy mẫu thân nhân liệt sĩ càng sớm càng tốt, sau đó chúng ta đưa vào ngân hàng gen để có điều kiện khi phân tích được hài cốt liệt sĩ chúng ta có thể có điều kiện tiếp tục so sánh, đối chiếu, khớp nối kết quả để tìm được nhiều liệt sĩ hơn”, ông Cát chia sẻ.

Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) bổ sung thêm vướng mắc, đó là cơ quan này chưa kịp ban hành quy trình xác định danh tích hài cốt liệt sĩ để áp dụng cho các đơn vị giám định. Mặt khác, năng lực của các đơn vị giám định còn hạn chế, do việc đầu tư, nâng cấp chưa thực hiện được.

Ông Lợi cho biết thời gian tới sẽ kiến nghị ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Đồng thời đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu của liệt sĩ, thân nhân, mộ nghĩa trang liệt sĩ và xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang trên toàn quốc cũng như mẫu sinh phẩm thân nhân chưa biết thông tin phần mộ liệt sĩ.

Về việc triển khai ngân hàng gen, ông Lợi cho biết đã nghiên cứu và sẽ ban hành trong năm 2016, lấy tên là Trung tâm Lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. “Việc triển khai sẽ thuận lợi vì chúng ta đã lấy mẫu từ trước và lưu trữ ở các viện. Sau khi xây dựng trung tâm, tất cả các mẫu được chuyển về đây lưu trữ”, ông Lợi nói.

Phát biểu tại buổi trao kết quả, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ niềm trăn trở hiện cả nước còn hơn 300 ngàn liệt sĩ chưa được xác định thông tin đầy đủ. Và khoảng 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập. Từ năm 2011, Bộ này đã thí điểm thực hiện xác định hài cốt liệt sĩ thông qua giám định ADN sau đó lập Đề án 130 trình Chính phủ thông qua và đang triển khai trên toàn quốc.

Những câu chuyện trên được ghi lại vào sáng 26/7 tại Hà Nội, trong buổi công bố và trao kết quả giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ đợt bốn gồm 99 liệt sĩ là quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự hy sinh tại mặt trận 31 thuộc khu vực Xiêng Khoảng đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ hữu nghị Việt - Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) bằng phương pháp giám định ADN.

Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp UBND tỉnh Nghệ An, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An, Viện Pháp y quân đội thực hiện lấy mẫu 1.804 hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm 1.078 thân nhân. Số mẫu được giao cho ba đơn vị giám định là Viện Pháp y quân đội, Viện Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ. Các đơn vị đã phân tích, đối khớp và kết luận. Qua bốn đợt đã xác định được danh tính của 242 liệt sĩ.

Đọc thêm